Quảng Nam e ngại kế hoạch đưa khách ra Cù Lao Chàm của Đà Nẵng

0
8
Đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) rộng hơn 15 km² cách bờ biển Cửa Đại 18 km. Ảnh: Đắc Thành. 

Việc tăng lượng khách sẽ gây áp lực cho khu dự trữ sinh quyển cũng như hạ tầng Cù Lao Chàm chưa thể đáp ứng.

TP Đà Nẵng đầu tháng 4 ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021, chủ trương đưa khách từ sông Hàn ra thẳng đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam).

Ngày 23/4, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện tham gia hoạt động với loại tàu có sức chở từ 30 đến 250 khách.

Đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) rộng hơn 15 km² cách bờ biển Cửa Đại 18 km. Ảnh: Đắc Thành. 

Đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) rộng hơn 15 km² cách bờ biển Cửa Đại 18 km. Ảnh: Đắc Thành. 

Trước động thái này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch TP Hội An, cho rằng Đà Nẵng muốn mở tuyến đưa thẳng khách ra Cù Lao Chàm phải bàn cụ thể với Quảng Nam.

“Cù Lao Chàm có khu dự trữ sinh quyển thế giới nên hai địa phương phải bàn bạc với nhau, Đà Nẵng không thể đơn phương làm một mình. Hai bên phải thống nhất phương án, kế hoạch và các sản phẩm du lịch, vì Hội An là nơi tiếp đón mà không biết thì làm sao thực hiện?”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, việc mở tuyến du lịch sẽ tăng thêm khách và gây áp lực cho khu dự trữ sinh quyển dẫn đến làm phá vỡ cảnh quan môi trường. Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm thức ăn, nước uống, dịch vụ… không đáp ứng đủ cho lượng khách lớn.

“Lường trước được việc này nên chính quyền Hội An hạn chế khách tham quan và mỗi ngày cho phép đưa 3.000 người. Số khách xuất phát duy nhất từ cảng du lịch Cửa Đại để cơ quan chức năng kiểm soát”, ông nói và thông tin có rất nhiều doanh nghiệp xin đưa ra khách ra đảo, nhưng bị chính quyền từ chối.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, phát triển du lịch trên đảo đã được chính quyền xác định theo hướng du lịch sinh thái trên ba nền tảng gồm, bảo vệ môi trường – văn hóa bản địa – lợi ích cộng đồng cư dân. Trong đó chú trọng phát triển về chất lượng hơn số lượng, đặc biệt phải đặt lợi ích của người dân địa phương lên hàng đầu.

Việc mở tuyến du lịch Sông Hàn – Cù lao Chàm như kế hoạch của TP Đà Nẵng, theo ông Vũ, sẽ đặt Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm thêm nhiều thách thức, vì không thể kiểm soát được số lượng khách vượt quá 3.000 người mỗi ngày.

“Việc này dẫn đến nguy cơ phá vỡ định hướng chiến lược phát triển du lịch của khu bảo tồn biển – phát triển du lịch sinh thái. Từ đó gia tăng các áp lực lên môi trường do thiếu nước ngọt vào mùa hè; ô nhiễm rác, nước thải; nguồn lợi hải sản cạn kiệt do khai thác trái phép phục vụ du lịch”, ông nói.

Cơ quan chuyên môn lo ngại việc mở thêm tuyến du lịch sẽ tác động đến khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ảnh: Đắc Thành.

Cơ quan chuyên môn lo ngại việc mở thêm tuyến du lịch sẽ tác động đến khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đánh giá việc khai thác nhiều tuyến du lịch ra Cù Lao Chàm là điều tốt, tuy nhiên xã đảo này đang bị áp lực về cơ sở hạ tầng, khu lưu trú, dịch vụ… Hiện trên đảo nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ chưa đáp ứng cho lượng du khách lớn đến tham quan.

Ông Thu cho rằng nếu khách đến nhiều mà tổ chức không tốt sẽ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra khách đông mà dịch vụ, hạ tầng không đáp ứng được sẽ gây mất cân đối. Để tránh việc này xảy ra, Hội An đang phải điều tiết khách ra vào đảo Cù Lao Chàm.

“Lãnh đạo tỉnh cùng với Hội An sẽ ngồi lại để xem xét có đủ điều kiện để tiếp nhận đưa tuyến du lịch vào hay không, sau đó cùng nghe ý kiến của Đà Nẵng rồi thảo luận mới có quyết định”, ông Thu nói.

Du khách lên đảo Cù Lao Chàm tham quan. Ảnh: Đắc Thành.

Du khách lên đảo Cù Lao Chàm tham quan. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, kế hoạch mở tuyến du lịch ra Cù Lao Chàm được xây dựng trên kết luận số 26 và Thông báo kết luận số 385-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Các văn bản của hai địa phương nêu rõ tổ chức thực hiện và quản lý các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm của hai tỉnh, trong đó có tuyến thủy nội địa ven biển Đà Nẵng – Cù Lao Chàm.

“Đây mới chỉ là kế hoạch, còn cụ thể tổ chức thực hiện phục vụ khách như thế nào sẽ bàn bạc và phối hợp chặt chẽ giữa hai địa phương”, ông Bình nói và cho hay việc triển khai dựa trên cơ sở không tạo áp lực hạ tầng và đảm bảo môi trường Khu dữ dự sinh quyển Cù Lao Chàm.

Đắc Thành – Văn Đông

Nguồn: Vnexpress.net