Quán hơn 20 năm ở vỉa hè Sài Gòn bán 10 nồi súp cua mỗi ngày

0
12
Bà Bông có hơn 20 năm kinh nghiệm nấu súp cua. Ảnh: Di Vỹ.

Bà Bông cùng 6 người khác liên tục múc từng vá súp nóng hổi, thơm lừng phục vụ khách từ sáng đến chiều tối. 

17h, trời Sài Gòn mưa rả rích. Dưới mái hiên ngôi nhà đối diện chợ Thiếc trên đường Phó Cơ Điều (quận 11), hàng người xếp hàng đợi mua súp không có dấu hiệu ngơi đi. Chủ hàng này là bà Phan Thị Bông (55 tuổi), khách quen gọi địa chỉ này là “súp cua cô Bông”.

Bà Bông cùng chồng là ông Nguyễn Trương Quý (53 tuổi) rời quê hương Quảng Ngãi đến TP HCM lập nghiệp vào năm 1988. “Cô đánh liều bán thử nhưng không ngờ duy trì quán súp đến bây giờ cũng đã hơn 20 năm”, bà chủ kể.

Bà Bông có hơn 20 năm kinh nghiệm nấu súp cua. Ảnh: Di Vỹ.

Bà Bông có hơn 20 năm kinh nghiệm nấu súp cua. Ảnh: Di Vỹ.

Bà Bông kể, lúc mới vào Sài Gòn, hai vợ chồng chưa biết làm gì để mưu sinh và trụ lại thành phố. Sau thời gian làm ăn không mấy khấm khá, họ được một người bạn chỉ cho công thức nấu súp cua. “Nhà cô nhờ bán món ăn này và sống tiết kiệm mà dần tích góp được ít tiền để mua căn nhà nhỏ và nuôi con trai học thành kỹ sư”, bà Bông nói. Cuộc sống của cả gia đình từ đó thoải mái và vui vẻ hơn.

Suốt 20 năm qua, mỗi ngày, bà Bông đều cùng chồng dậy từ 4h sáng để nấu đồ. Các nguyên liệu được chuẩn bị sẵn và mua thêm lúc sáng sớm. Khoảng 7h30, bà vào chợ Thiếc bán đến trưa. Cả nhà sẽ nghỉ ngơi đến 14h thì di chuyển đến căn nhà nhỏ đối diện chợ Thiếc để tiếp tục bán cho đến khi hết.

Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Bông bán gần 10 nồi súp cua. Theo bà chủ, cách nấu đơn giản nhưng để súp ngon và giữ chân được khách mới là điều khó nhất. “Tôi dùng xương gà và heo để hầm nên nước có vị ngọt tự nhiên. Cua là loại tươi nhất và phải làm kỹ để không bị tanh”, bà Bông tiết lộ bí quyết.

Khách đứng trước nồi súp chờ mua mang về. Ảnh: Di Vỹ.

Khách đứng trước nồi súp chờ mua mang về. Ảnh: Di Vỹ.

Nếu như 10 năm trước, suất ăn tại quán bà Bông chỉ đơn giản là súp kèm thịt cua, gà xé, nấm tuyết, trứng cút thì hiện tại, bà còn bán thêm trứng bắc thảo và tủy, óc heo hấp. “Óc và tủy phải biết cách làm để sao không bị tanh. Khâu nêm nếm cũng rất quan trọng để cân bằng khi ăn chung với súp cua”, bà chủ nói.

Với người sành ăn ở Sài Gòn, “súp cua cô Bông” là địa chỉ lý tưởng mỗi khi trời trở gió hoặc mưa. Hiện sống và làm việc tại quận Tân Bình, chị Dương cùng người bạn tìm đến quán qua lời giới thiệu. “Dù ăn lần đầu nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng với cách nấu ở đây. Súp không quá lỏng mà cũng không đặc keo. Thịt cua bên trong cũng rất nhiều”, chị Dương nhận xét.

Trời vẫn còn mưa lất phất, người ngồi ăn bên trong, bên ngoài đầy kín, khách đến mua mang về cũng nhiều khiến nơi đây trở nên rôm rả và nhộn nhịp hơn. Kể chuyện được một lúc, bà Bông quay ra múc súp cua thoăn thoắt khi khách bắt đầu vào đông hơn.

Ảnh: Di Vỹ.

Khách có thể chọn súp cua ăn kèm với trứng bắc thảo hoặc óc, tủy heo hấp. Ảnh: Di Vỹ.

Đón một lượng khách lớn mỗi ngày, người làm ở quán là 6, tính kể cả vợ chồng bà Bông. Mỗi người đảm nhận một công việc: người múc, người đóng nắp, bỏ súp vào túi, mang cho khách, tính tiền. “5 năm qua, tôi vẫn giữ nguyên mức giá dù tiền mua nguyên liệu và thuê mặt bằng tăng theo thời gian”, bà chủ chia sẻ.

Theo đó, mỗi chén súp có giá 15.000 đồng, một tô là 18.000 đồng. Phần tủy và óc heo đều có giá 30.000 đồng một đĩa. Trứng bắc thảo ăn thêm có giá 8.000 đồng. Óc heo có mùi thơm của gừng, tủy có mùi thoang thoảng của tỏi. Nhiều khách còn gọi một đĩa trộn óc lẫn tủy để cảm nhận hết hương vị. Súp cua ngon nhất khi còn nóng, khách vừa thổi vừa ăn mới đúng điệu vỉa hè Sài Gòn.

Nguồn: Vnexpress.net