Quán gốc Hoa ba đời bán phở ăn kèm dưa leo ở Sài Gòn

0
8
Quán ăn nằm ngay trung tâm thành phố, mở cửa từ 7h sáng đến khoảng 20h mỗi ngày. Ảnh: Di Vỹ.

Từng bán xe đẩy lề đường, gia đình chị Dung đã mở được một cửa hàng ăn đông khách nhờ món phở sa tế khác lạ. 

Quán Quốc Ký nằm ở mặt tiền đường Ký Con, quận 1. Chủ quán là một gia đình gốc Hoa sống lâu năm ở Sài Gòn. Chị Dung, 30 tuổi, chủ hiện tại, cho biết, quán do ông ngoại của chị mở trước năm 1975.

Quán ăn nằm ngay trung tâm thành phố, mở cửa từ 7h sáng đến khoảng 20h mỗi ngày. Ảnh: Di Vỹ.

Quán ăn nằm ngay trung tâm thành phố, mở cửa từ 7h sáng đến khoảng 20h mỗi ngày.

Trước năm 1990, ông của chị Dung đẩy xe bán quanh khu vực quận 1. Sau đó, gia đình mở quán ở mặt tiền đường Ngô Đức Kế hàng chục năm. Vài năm gần đây, quán chuyển sang vị trí hiện tại. 

“Do chủ nhà ở chỗ cũ nâng giá, chúng tôi không đủ để chi trả nên phải dời đi. Từ dạo đó đến nay đã 4 năm, khách cũng giảm đi phần nào”, chủ hàng tâm sự. Dù quán không nằm ở địa điểm cũ, khách quen vẫn chịu khó tìm đến nơi mới. 

Phở sate (sa tế) là món đặc sản của quán. Ảnh: Di Vỹ.

Phở sa tế là món đặc sản của quán.

Sài Gòn có rất nhiều quán ăn gốc Hoa, đa phần bán mì, hoành thánh hoặc sủi cảo chứ hiếm nơi bán phở. Đây cũng là điều khiến tôi tò mò ghé quán trong một đêm thành phố mưa trắng xóa. 

Quán bố trí bếp ở ngay lối vào nên từ những bước chân đầu tiên đến đây, bạn đã có thể ngửi thấy mùi thơm từ nồi nước lèo tỏa ra. Chủ quán cho hay, mỗi ngày, các thành viên trong gia đình và nhân viên phải chuẩn bị các công đoạn từ 4h sáng để kịp mở lúc 7h.

Thấy tôi có vẻ thắc mắc vì sao quán ăn gốc Hoa lại bán phở, chị Dung nhanh miệng kể: “Tôi cũng chỉ nghe mẹ mình kể lại. Ông tôi rất thích ăn phở nên tự mày mò công thức để nấu rồi bán trên xe đẩy”.

Tiệm phở gốc Hoa: từ xe đẩy lề đường đến quán đông khách ở Sài Gòn
 
 

Tiệm phở gốc Hoa: từ xe đẩy lề đường đến quán đông khách ở Sài Gòn

Cách chế biến và đồ ăn kèm với phở của quán khác hẳn món phở truyền thống. Video: Di Vỹ. 

Thực khách ghé địa chỉ này có thể gọi món phở bò viên hoặc phở sa tế tái, đây cũng là hai món làm nên thương hiệu của quán. Phở sa tế có nước lèo nấu từ đậu phộng, sền sệt và đậm đà. Người lần đầu thử qua sẽ khá ngạc nhiên bởi bên trong tô phở còn có dưa leo ăn kèm. Mỗi bát có giá 70.000 đồng. 

Theo chị Hương Xuân (quận 7), nước lèo ở quán hơi ngọt so với khẩu vị của chị. “Tôi đã nhiều lần ăn ở đây. Nước lèo dường như đậm đà hơn vào cuối ngày, ít dầu mỡ nhưng hơi ngọt. Tô to, vừa đủ cho người có sức ăn khỏe”, chị Xuân nhận xét.

Không gian quán rộng rãi, bảng hiệu, thực đơn có tiếng Anh và tiếng Hoa. Khách ngồi ăn trên bàn ghế cao được xếp gọn gàng. Bãi giữ xe ở phía trước, có người giữ.

Bò viên làm theo công thức gia truyền hơn 40 năm. Ảnh: Di Vỹ.

Bò viên làm theo công thức gia truyền hơn 40 năm. Mỗi suất ăn có giá 60.000 đồng.

Ngoài phở, quán cũng có bán mì. “Sau khi ông tôi mất, quán do mẹ tôi quản lý. Hiện tại, mẹ tôi vẫn làm mì mỗi ngày để bán, công thức được ông truyền cho”, chị Dung nói.

Nếu mì có thể làm từ đêm hôm trước, bò viên là thức ăn kèm được quán làm mỗi ngày để đảm bảo độ ngon. Chia sẻ bí quyết để làm ra miếng bò dai, giòn sật và ngọt thơm, chị Dung ngắn gọn đáp: “Chúng tôi không dùng chất phụ gia và nấu bằng cả tấm lòng”.

Tiệm mì gốc Hoa 70 năm ở Sài Gòn: từ gánh hàng rong đến quán ăn nức tiếng
 
 

Tiệm mì gốc Hoa 70 năm ở Sài Gòn: từ gánh hàng rong đến quán ăn nức tiếng

Các cửa hàng ăn gốc Hoa ở Sài Gòn chủ yếu tập trung ở quận 5, quận 6, ít quán nào bán phở. Cách sắp tô mì trong quán Thiệu Ký. Video: Di Vỹ.

Bài và ảnh: Di Vỹ

Nguồn: Vnexpress.net