TP HCM Khách tự bỏ tiền tuỳ theo sự hài lòng về thức uống, cách phuc vụ… tại một quán cà phê ở quận 1.
Quán cà phê có diện tích khoảng 60 m2, nằm trên tầng 2 của toà nhà trên đường Đồng Khởi (quận 1). Quán không có bảng hiệu, bảng giá. Không gian được trang trí mộc mạc, vang tiếng những điệu nhạc nhẹ du dương.
Ban công quán đặt nhiều cây kiểng, không gian ấm cúng với những chiếc ghế gỗ hướng ra con đường sầm uất bậc nhất thành phố.
Những bộ bàn ghế, kệ, quầy pha chế làm bằng gỗ thông, được chủ quán chuyển từ Đà Lạt xuống.
“Tôi đã mở quán cà phê cho khách tự trả tiền ở Đà Lạt được ba năm và khá thành công. Quán mới mở ở Sài Gòn nửa tháng nay và đang ổn định nên tôi tin mô hình này sẽ tồn tại được”, Võ Thành Luân (32 tuổi, chủ quán) nói.
Trên mái hiên của quán treo những trái thông, tái hiện một phần không gian Đà Lạt mộng mơ.
Trong thực đơn quán, có một số món mỗi ngày chỉ bán số lượng nhất định. Nếu bán hết, khách có thể chọn các món phổ thông khác như trà, cà phê, nước suối… Cà phê trong quán đều là loại hạt cà phê Arabica do người Cơ Ho trồng ở độ cao 1.500 m. Các món bánh ngọt làm ở Đà Lạt và chuyển về trong đêm.
“Có một số món trà, cà phê… khá kỳ công, phải mất nửa ngày mới pha chế xong hoặc nguyên liệu hiếm nên quán bán số lượng nhất định”, anh Luân lý giải.
Món trà được quán đặt tên sương lạnh mỗi ngày chỉ có 4 ly. Theo chủ quán, thức uống này nguyên liệu bằng trà khô bỏ vào bình rồi ủ trong nước lạnh nửa ngày mới pha chế. Đá uống trà do quán tự làm bằng nước lọc tinh khiết.
Quán không có bảng giá đồ uống. Khách tự trả tiền vào thùng giấy đặt ở quầy pha chế, tùy theo sự hài lòng về đồ uống, cách phục vụ. Khách có thể bỏ mọi mệnh giá hoặc không trả tiền khi vào quán.
Chủ quán cho biết, mô hình ở Đà Lạt cũng từng xảy ra trường hợp khách không trả tiền, và quán bị trộm lấy mất cả thùng tiền. Dù vậy chủ quán vẫn không lắp camera vì tin vào sự hào sảng của mọi người. Thực tế, hầu hết khách đều bỏ vài chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồng vào thùng.
Khách có thể để lại lời nhắn, cảm nhận bản thân qua những mảnh giấy và dán lên tường. “Quán có mô hình phục vụ khá độc đáo, việc tự trả tiền theo sự hài lòng giúp mang lại cho mình sự thoải mái”, thực khách Thanh Thủy (32 tuổi) cho biết.
Một điều đặc biệt trong quán là những người phục vụ câm điếc, chỉ giao tiếp bằng đôi tay.
Trong quán còn bán thêm tinh dầu, xà phòng do những người khuyết tật làm. “Mình muốn tạo cơ hội làm việc, giúp các bạn câm điếc tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người”, chủ quán nói.
Quỳnh Trần
Nguồn: Vnexpress.net