Quán bún riêu hơn 20 năm ở Đà Lạt có ngày bán 500 tô

0
11
Bà Lan năm nay 64 tuổi. Ảnh: Di Vỹ.

Ngày thường quán bà Lan phục vụ 200 tô nhưng vào mùa cao điểm du lịch, số lượng bán hơn 500 tô trong 6 tiếng.

Bún riêu là món không mấy phổ biến ở thành phố ngàn hoa. Có lẽ vì vậy mà nhiều thực khách đi ngang con đường Nguyễn Văn Trỗi ở phường 1 vẫn không kiềm lòng dừng lại ở một quán bình dân. Có người đơn giản tò mò về chất lượng của món ăn ít thấy ở phố núi, cũng có khách quen thương nhớ mùi vị ở không gian đã gần 30 năm tuổi.

Chủ quán bún riêu đó là bà Phạm Thị Lan. Trung bình mỗi ngày quán bán khoảng 60 kg bún. Nhưng đến mùa du lịch thì con số này tăng dần đều, có ngày cuối tuần quán không đủ để bán.

“Ngày thường tôi bán hơn 200 tô nhưng đến mùa du lịch như hè hay lễ thì có ngày bán khoảng 500 tô”, bà Lan nói.

Bà Lan năm nay 64 tuổi. Ảnh: Di Vỹ.

Bà Lan 64 tuổi, cho biết mở quán bún từ những năm 1990. Ảnh: Di Vỹ.

Quán chỉ bán một món duy nhất là bún riêu. Tô bún riêu có nguyên liệu ăn kèm đơn giản nhưng có màu sắc nổi bật.

Bà Lan cho hay, bà cùng người thân trong nhà đi chợ và thực hiện các công đoạn từ sáng. Bún được lấy từ chỗ quen hơn 10 năm nay.

Điểm nổi bật trong tô bún là miếng riêu cua to được nấu khéo, vị đậm đà. Suất ăn còn có vài miếng huyết và xương heo. Cà chua chín có vị chua đặc trưng giúp món ăn thêm tròn vị, không bị ngấy. Khách có thể chọn tô bình thường giá 25.000 đồng hoặc tô đặc biệt đắt hơn 5.000 đồng.

Bún riêu thích hợp cho bữa trưa hoặc xế chiều, ăn ngon hơn khi trời mưa. Ảnh: Di Vỹ.

Bún riêu thích hợp cho bữa trưa hoặc xế chiều, ăn ngon hơn khi trời mưa. Ảnh: Di Vỹ.

Bún riêu ở Đà Lạt ăn kèm với các loại rau sống. “Thủ phủ rau” Đà Lạt mang lại nguồn nguyên liệu tươi rói. Rau sống sạch sẽ được thái nhỏ để riêng trong đĩa nhỏ. Trên bàn còn có mắm tôm, chanh, ớt để khách tự gia giảm theo khẩu vị.

Không gian nhỏ nhưng địa chỉ này thoáng mát do nằm ngay mặt tiền đường. Khách ngồi ăn trên bàn ghế thấp được bố trí ngăn nắp. Quán mở từ 2h chiều và đóng lúc 8h tối, thường kín chỗ tầm 4 – 5h chiều. 

Yến Nhi (du khách từ TP HCM) cho hay đã biết quán bà Lan từ nhiều năm trước. “Lần nào lên Đà Lạt mình cũng đến đây để thưởng thức lại mùi vị khó tìm ở đâu khác. Trời Đà Lạt mà mưa thì thưởng thức tô bún riêu nóng hổi là số một”, Nhi chia sẻ.

Hiện sinh sống và làm việc ở Đà Lạt, anh Tuấn chia sẻ hiếm khi ăn bún riêu vì không phải là món ưa thích. “Nhưng nếu ăn thì mình sẽ ra quán bà Lan. Món ăn rất hợp với khẩu vị của mình”, Tuấn nói.

Góc bếp thân quen của bà Lan. Ảnh: Lê Nam.

Góc bếp của bà Lan. Ảnh: Lê Nam.

Hương vị bún riêu bà Lan khó lòng làm thoả mãn vị giác của tất cả nhưng quán ăn vẫn đón một lượng khách ổn định suốt gần ba thập kỷ. Không chỉ lấp đầy chỗ trống trong bao tử của bạn, tô bún riêu nóng hổi còn khiến bạn xích lại gần nhau hơn trong những buổi chiều Đà Lạt mưa trắng trời.

Nguồn: Vnexpress.net