Cuối thu, đầu đông là thời điểm lý tưởng để lên cao nguyên đá Đồng
Văn (Hà Giang), đây đang là mùa hoa tam giác mạch nở rộ và tạo ra một
cảnh đẹp kỳ vĩ cho vùng cực bắc.
Phương tiện đi lại thuận tiện
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đang vào mùa hoa tam giác mạch. Đây là loài cây thân mềm, cao khoảng 50 cm, hoa có màu tím, hồng, trắng, hạt có 4 mặt hình tam giác (nên được gọi là tam giác mạch, người Mông gọi là cây chêz).
Vốn chỉ để làm thức ăn gia súc và lấy hạt làm bánh, nhưng mùa hoa tam giác mạch đang gây sốt cho nhiều người khi nở rộ vào cuối thu, đầu đông trên cao nguyên đá.
Đường từ Hà Nội lên cao nguyên đá khoảng 500 km, riêng đoạn Hà Nội – TP.Hà Giang 320 km, gần 200 km còn lại là từ TP.Hà Giang đến Đồng Văn, Mèo Vạc – “vùng lõi” của cao nguyên đá. Với ô tô, xe máy và ít thời gian, du khách có thể đi 4 ngày 3 đêm, từ sáng thứ sáu tại Hà Nội, tối thứ hai về lại.
Nếu ít thời gian hơn nữa, có thể đi ô tô khách giường nằm (giá vé khoảng 250.000 đồng) từ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) vào tối thứ sáu, sáng sớm thứ bảy tới TP.Hà Giang. Tại TP.Hà Giang có thể thuê xe máy giá 150.000 – 200.000 đồng/ngày để lên cao nguyên đá, tối chủ nhật về lại TP.Hà Giang và lại lên xe giường nằm về Hà Nội vào sáng thứ hai. Đáng chú ý, một số nhà xe có đón – trả khách gần sân bay Nội Bài, rất tiện cho khách phía nam.
Lịch trình cho 200 km
Hành trình lên cao nguyên đá thú vị nhất bắt đầu từ TP.Hà Giang, sau gần 50 km đầu tiên và vượt qua con đèo rất cao có tên Bắc Sum, sẽ đến TT.Tam Sơn thuộc H.Quản Bạ với điểm nhấn đặc biệt là Núi Đôi, giống đôi bầu ngực phụ nữ. Từ Tam Sơn, đi tiếp hơn 40 km nữa, sẽ tới TT.Yên Minh. Đây cũng là điểm nghỉ chân ăn trưa, trong 2 nhà hàng ở cổng chợ Yên Minh, có các món lạ miệng như thịt gà đen, canh đậu…
Rời Yên Minh khoảng 13 giờ, ta rẽ trái để lên Đồng Văn. Đây là đoạn đường thú vị nhất hành trình lên cao nguyên đá với các bãi đá hình hải cẩu ở Vần Chải, ngôi nhà bối cảnh quay bộ phim Chuyện của Pao nổi tiếng ở Sủng Là, khu làng cổ của người Mông ở Phố Cáo, đặc biệt là khu dinh thự họ Vương ở Sà Phìn. Quãng đường này cũng chỉ hơn 40 km, nhưng do đèo dốc, du khách nên tiết kiệm thời gian khi tham quan hay chụp ảnh kẻo về đến Đồng Văn thì quá muộn.
Tại Đồng Văn, có nhiều khách sạn và nhà nghỉ cộng đồng, nhưng để chắc ăn, cần đặt trước. TT.Đồng Văn buổi tối được thắp đèn lồng, đôi khi có biểu diễn khèn Mông. Các hàng ăn ở Đồng Văn thường đóng cửa khá sớm, nơi ăn tối thú vị ở đây là quán cơm cô Dìn ở cạnh chợ cũ Đồng Văn với nhiều món ngon như thịt hun khói, lạp xường, rau cải mèo, sau đó ngồi quán cà phê Phố Cổ ngay gần đó.
Sáng chủ nhật, sau khi đi chơi chợ Đồng Văn, khoảng 9 giờ khách lên xe qua đèo Mã Pì Lèng, ngắm sông Nho Quế, sau đó sang TT.Mèo Vạc và tiếp tục thưởng thức chợ phiên Mèo Vạc để khoảng 11 giờ xuôi về Yên Minh, ăn trưa tại đây rồi về TP.Hà Giang, nghỉ đêm và sáng thứ hai trở về Hà Nội.
Nếu đi 5 ngày 4 đêm, du khách có thể dành 1 ngày để lên cột cờ Lũng Cú (cách TT.Đồng Văn khoảng 40 km) và đến TT.Phố Bảng, cách khoảng gần 30 km, vốn là một thị trấn cổ khá thú vị.
Giá dịch vụ ở Hà Giang và Đồng Văn nói chung không đắt, không rẻ và không cần mặc cả. Tại tất cả các thị trấn đi qua đều có cây xăng và nên đổ đầy bình cho xe máy vì đường lên dốc khá tốn xăng. Các thị trấn cũng đều có nhà nghỉ và hàng quán với đầy đủ nhu yếu phẩm. Mùa này trời khô ráo và chưa quá lạnh, nhưng cũng nên mặc ấm khi lên núi.
Nguồn: Thanhnien.vn