Phú Thọ và những sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn vùng đất Tổ

0
5
Phú Thọ và những sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn vùng đất Tổ - Ảnh 1.

[kdn-video]

VTV.vn – Khai thác tối đa những nguồn tài nguyên sẵn có, ngành du lịch của Phú Thọ đang thực hiện những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cho từng khu vực trên địa bàn.

Là một tỉnh thuộc vùng du lịch Trung du miền núi Bắc bộ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Đông Bắc, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60km, Phú Thọ được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn. Những năm qua, du lịch Phú Thọ đã có những bước phát triển trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Phú Thọ và những sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn vùng đất Tổ - Ảnh 1.

Đến với Phú Thọ là đến với cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất này vẫn giữ được dấu ấn của những buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc, được minh chứng qua hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Hiện nay, Phú Thọ đang bảo tồn, phát huy giá trị 1372 di tích lịch sử văn hóa với đủ các thể loại từ di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, di tích kiến trúc nghệ thuật đến các di tích danh lam thắng cảnh. Trong số đó có di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh hệ thống di tích đình, đền, chùa, miếu, các di tích khảo cổ và các công trình kiến trúc nghệ thuật, Phú Thọ còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và đặc sắc như các lễ hội, tín ngưỡng, nghề và làng nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, dân ca, thơ ca dân gian, mỹ thuật, văn hóa ẩm thực và những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, Phú Thọ hiện có khoảng 260 lễ hội gồm đầy đủ các loại hình như lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo. Trong đó, nhiều lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh vùng đất Tổ như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh giầy Mộ Chu Hạ…

Là trung tâm Nhà nước Văn Lang cổ xưa, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, miền đất Phú Thọ là nơi hội tụ của 21 dân tộc anh em, mỗi dân tộc với một phong tục tập quán đa dạng cùng các loại hình văn nghệ dân gian phong phú ở Phú Thọ như: Hát Xoan, Ghẹo, Trống quân, chàm thau, đâm đuống, cồng chiêng, múa mỡi, trống đu, múa chuông… Cùng với các món ăn đặc sắc như: Xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng, bánh giầy đã khẳng định thêm một lần nữa những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống, phong tục tập quán vô cùng phong phú của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất này.

Trong số các di sản văn hóa phi vật thế ấy phải nói đến những di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận ngày 24/11/2011. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm có ca – vũ – nhạc, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh trung du Việt Nam. Hát xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), tương truyền có từ thời các vua Hùng.

Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Ngoài những lợi thế về tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm màu sắc , Phú Thọ còn có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng đa dạng và phong phú. Với vị trí địa lý nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây bắc nên địa hình bị chia cắt bao gồm khu vực núi cao ở phía Tây và phía Tây Nam, tiếp đến là vùng gò đồi thấp xen kẽ là những cánh đồng ruộng và đồng bằng ven sông ở phía Đông Bắc.

Đặc biệt, đây là nơi hợp lưu của ba con sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tại địa phận thành phố Việt Trì “ngã ba sông”. Với địa thế tựa lưng vào vùng đồi núi, mặt hướng ra vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, Phú Thọ đã được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Ngã ba Bạch Hạc, nơi “tam giang tụ hội” với những câu chuyện huyền tích về dòng nước thiêng lạ kỳ; Ao Giời Suối Tiên sở hữu vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ; Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội có khung cảnh thiên nhiên trong lành, thơ mộng, sơn thủy hữu tình; mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy với trữ lượng lớn và khả năng dưỡng bệnh, Vườn quốc gia Xuân Sơn sở hữu hệ thống hang động, hệ động, thực vật và cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng … đây là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển nhiều loại hình du lịch.

Từ những lợi thế về tài nguyên du lịch, Phú Thọ đã và đang khai thác đầu tư phát triển du lịch. Ngành du lịch đã điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn 13 huyện, thành, thị, đồng thời tiến hành khảo sát các địa điểm có tài nguyên du lịch hấp dẫn thu hút du khách để lập quy hoạch thành các khu, điểm du lịch. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, phục vụ cho phát triển du lịch là một trong những hướng mà ngành du lịch Phú Thọ nỗ lực phát huy trong thời gian qua. Chương trình “Hát Xoan làng cổ” được tổ chức tại Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Thét (xã Kim Đức) mặc dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng các điểm du lịch này đã được đánh giá cao và ngày càng được nhiều du khách đón nhận.

Phú Thọ và những sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn vùng đất Tổ - Ảnh 2.

Chương trình hát Xoan Phú Thọ tại đình Hùng Lô (TP Việt Trì) ngày càng được nhiều du khách đón nhận

Cùng với việc khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ cũng không ngừng khai thác những giá trị của tài nguyên du lịch tự nhiên như tiếp tục khai thác giá trị của mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh như: Tắm khoáng, ngâm bùn, tắm thuốc bắc… Tập trung đầu tư và khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị đặc sắc của văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường tại vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn để phát triển sản phẩm du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, trải nghiệm phục vụ du khách. Khuyến khích các địa phương và tổ chức kinh tế nghiên cứu xây dựng các làng nghề truyền thống về nông sản, sản vật đặc trưng của tỉnh thành điểm tham quan du lịch như: Bưởi Đoan Hùng, làng nón lá Gia Thanh, làng nông sản tại Thanh Thủy, Việt Trì…

Nếu như trước đây, khách đến Phú Thọ chỉ thường dừng chân tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để thắp hương tri ân công đức Tổ tiên thì giờ đây, về với mảnh đất này, khách du lịch được lựa chọn các sản phẩm du lịch khác nhau. Tiêu biểu như sản phẩm du lịch đường sông phục vụ khách quốc tế thưởng thức hát Xoan và tham quan, tìm hiểu một số làng nghề truyền thống tại xã Hùng Lô (Thành phố Việt Trì), xã Sai Nga (huyện Cẩm Khê), xã Gia Thanh (huyện Phù Ninh), tham quan Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng và kết hợp du lịch từ thiện tại làng trẻ mồ côi SOS thành phố Việt Trì. Tuy mới đưa vào khai thác vài năm nay nhưng sản phẩm du lịch đường sông đã thu hút hàng trăm đoàn khách quốc tế với hàng nghìn lượt du khách, tạo nên “hương vị” mới của ngành du lịch đất Tổ.

Phú Thọ và những sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn vùng đất Tổ - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm gói bánh chưng tại làng nghề bánh chưng Hùng Lô

Cùng với đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cũng được đầu tư phát triển tại Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy đã và đang được du khách quan tâm và chọn lựa làm điểm dừng chân trong dịp cuối tuần. Và những năm gần đây, tại thị trấn Thanh Thủy còn có không gian văn hóa mang tên Bá Phổ Nhạc đường với hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc được trưng bày như: khánh đá, đàn đá, đàn cò, đàn talư, các loại sáo, nhị, kèn, trống,… Đây cũng là một trong những nét độc đáo thu hút bước chân du khác .

Trong những năm qua với những chủ trương, chính sách và sự quan tâm đặc biệt dành cho “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực không ngừng để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cho từng khu, điểm du lịch trên địa bản tỉnh. Qua đó, hình ảnh du lịch vùng đất Tổ được nâng cao, nhiều người biết đến. Đây cũng chính là điều kiện đảm bảo để thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính Phủ.

Nguồn: Vtv.vn