Sáng 8/1, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì điểm cầu tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì điểm cầu Đà Nẵng và Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì điểm cầu TP.HCM.
Lĩnh vực văn hóa đạt nhiều thành tựu
Theo Báo cáo do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Hội nghị, năm 2020, quán triệt phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh và thiên tai gây ra, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020, Chiến lược 10 năm 2011-2020 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Năm 2020, Bộ VHTTDL đã triển khai kịp thời, đúng tiến độ các văn bản đề án, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 02 Nghị định; 02 Quyết định; 01 Chỉ thị và 02 văn bản khác. Đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 04 văn bản, đề án. Trong 132 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay, Bộ đã hoàn thành 81 nhiệm vụ, đang thực hiện 51 nhiệm vụ. Ban hành theo thẩm quyền 8 Thông tư.
Từng bước chỉ đạo sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở địa phương, cộng đồng dân cư; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa cho học sinh, sinh viên; phối hợp với bộ, ngành, địa phương trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động…
Ban hành, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ năm 2020. Hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của Bộ được vận hành thông suốt, đảm bảo an toàn thông tin.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đúng tiến độ, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã thành lập 38 đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với 204 cá nhân, tổ chức, đã phát hiện, xử phạt hành chính 15 tổ chức với tổng số tiền phạt là 415 triệu đồng. Công tác thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng được triển khai theo kế hoạch, kịp thời kiến nghị khắc phục các tồn tại, thiếu sót tại các đơn vị.
Lĩnh vực văn hóa, gia đình đạt nhiều thành tựu, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được tăng cường.
Cụ thể, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững; Kế hoạch mở rộng Danh sách di sản văn hóa phi vật thể dự kiến cho phép lập hồ sơ đệ trình UNESCO trong thời gian tới.
Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên; 06 Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt; quyết định xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt.
Gửi hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” theo biểu mẫu mới trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh được lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, được Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp thực hiện nghiêm túc.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Ban hành các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn; nội dung, quy trình và định mức kinh tế, kỹ thuật tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ học tập suốt đời.
”Ca khúc Ghen Cô Vy chiếm sóng toàn thế giới”
Trong lĩnh vực Điện ảnh: Tập trung xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); ban hành Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan phim Việt Nam; Đề án tổ chức Liên hoan phim giai đoạn 2021- 2030. Hoàn thiện các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình và định mức kinh tế – kỹ thuật trong lĩnh vực điện ảnh. Chỉ đạo, tổ chức các Tuần phim, Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020.
Bộ VHTTDL cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tổ chức thành công nhiều sự kiện phục vụ chính trị, phục vụ năm ASEAN, Đại hội Đảng các cấp và đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Các cuộc thi nghệ thuật được tổ chức với chất lượng nghệ thuật được nâng cao. Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cho phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình.
Lĩnh vực Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BVHTTDL về định mức kinh tế – kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu; phê duyệt Đề án xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia “Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam 2020-2030”. Tổ chức thành công Festival mỹ thuật trẻ, triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam, triển lãm ảnh các nước ASEAN, triển lãm tranh Đồ họa 10 nước ASEAN lần thứ 3…
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phối hợp, hướng dẫn các đơn vị xây dựng Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng hồ sơ đề xuất gia nhập các Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng…
Cùng với đó, công tác Quản lý nhà nước về gia đình ngày một hiệu quả. Bộ đã trình Chính phủ thông qua Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các chương trình, đề án về công tác gia đình đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, năm 2020, mặc dù tình hình, điều kiện, bối cảnh thế giới, đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn gặt hái những thành tựu đáng kể, trong đó có đóng góp của tất cả lực lượng những người làm công tác trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch.
Phó Thủ tướng cho rằng, chưa có lúc nào trong dịch bệnh, thiên tai, những giá trị nhân văn, tốt đẹp nhất của dân tộc lại được khơi lên như vậy.
Hội nghị Công tác văn hóa, thể thao, du lịch năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 được tổ chức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Ảnh Nam Nguyễn. |
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, để có một clip lên đài truyền hình nổi tiếng thế giới trong 1 phút phải chi hàng trăm, hàng triệu USD nhưng ca khúc Ghen Cô Vy của Việt Nam chiếm sóng toàn thế giới. Đó là do công lao của đội ngũ làm trực tiếp nhưng cũng là lúc giá trị của dân tộc được tôn vinh.
Hay trong việc động viên toàn nhân dân đoàn kết chống dịch, chống thiên tai, tất cả giới văn nghệ sĩ đều đồng lòng, thắp lên ngọn lửa để thấy đất nước, dân tộc ta ngoài những thành tựu đáng mừng về phát triển kinh tế, thì những thành tựu về văn hóa, nghệ thuật cũng đã có những tiến bộ rất vững chắc.
Phó Thủ tướng ghi nhận, Bộ VHTTDL là bộ đa ngành, tổng hợp, nên việc phối hợp trong một bộ rất khó, nhưng năm 2020 và cả nhiệm kỳ đã có những bước phát triển rõ rệt. Việc bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, quản lý lễ hội đã có những bước tiến rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo đã khơi dậy giá trị tốt đẹp nhất của từng hộ dân, từng gia đình, từng người dân.
“Tiếng nói của ngành văn hóa trước những vấn đề văn hóa của đất nước đã được chú trọng hơn, đã mạnh dạn lên tiếng và rõ ràng là tạo ra sự chuyển biến trong xã hội” – Phó Thủ tướng nhận định.
Ngoài ra, ngành VHTTDL cũng điều phối rất tốt các chương trình, điển hình là các lễ lớn của dân tộc như quốc khánh, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; biểu diễn văn nghệ lớn đều có tầm vóc đáng tự hào, có cơ sở vật chất, kỹ thuật biểu diễn đi từ truyền thống, phối hợp với yếu tố hiện đại… đều đạt được những bước tiến.
“Nhìn lại thì thấy chưa bao giờ những giá trị tốt đẹp của Việt Nam lại được khơi lên, mà mỗi người đều thấy mình yêu nước hơn, tự hào hơn về dân tộc mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yêu thương nhau hơn” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, ngành văn hóa trong thời gian tới phải chủ động nắm bắt công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa và áp dụng trên mọi lĩnh vực để làm tốt công tác quản lý, góp phần phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực, nguồn lực của sự phát triển đất nước.
Nguồn: News.zing.vn