Bánh khúc là một món quà ăn nhỏ nhưng cũng được phục vụ bằng những chiếc mẹt nhỏ xinh, bắt mắt – Ảnh: B.HÀ
Là gian hàng rời Trung tâm báo chí cuối cùng và cũng là một trong những món ăn được các phóng viên ưa thích nhất, cô Lan, chủ thương hiệu Bánh khúc Cô Lan, cho biết: “Mặc dù chuẩn bị bánh khúc số lượng lớn, mất nhiều thời gian và công sức, nhưng khi sự kiện kết thúc, tôi lại cảm thấy rất nhớ các bạn phóng viên, nhớ không khí đông vui và tinh thần làm việc miệt mài của họ”.
Cô cho biết bánh khúc là món ăn cuối cùng được đích thân Thủ tướng đề nghị đưa vào danh sách những món ăn phục vụ tại Trung tâm báo chí. Vì được thông báo muộn, cô chỉ có vài tiếng để chuẩn bị nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, rau khúc…, cũng như lá chuối và những chiếc mẹt tre để bày món ăn.
Trong suốt những ngày tham gia sự kiện (hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều chính thức diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2, nhưng 3.500 phóng viên quốc tế đã tới trước đó vài ngày), ngày nào cô cũng dậy từ 3-4h để chuẩn bị đồ đến Trung tâm báo chí, bắt đầu phục vụ các phóng viên từ 6h30-22h.
Giống như cô Lan, hàng phở Thìn 61 Đinh Tiên Hoàng cũng làm việc gần 20 tiếng mỗi ngày trong suốt quãng thời gian phục vụ tại đây. Theo chủ cửa hàng, mỗi ngày gian hàng phở Thìn cung cấp từ 1.200-1.500 bát phở cho phóng viên trong và ngoài nước. Hàng ngày gia đình phải chuẩn bị 1 tạ bánh phở và 1 tạ thịt bò (bao gồm xương, tái, chín, nạm, gầu).
Bát phở Thìn đặc biệt được các phóng viên quốc tế tán thưởng – Ảnh: NVCC
Phở Thìn là món ăn đặc biệt được ưa chuộng của phóng viên, nhất là các phóng viên quốc tế. Ngày nào cũng có một hàng dài 70-80 phóng viên xếp hàng chờ tới lượt.
Một món ăn yêu thích khác của phóng viên trong hội nghị thượng đỉnh chính là bún thang bà Ẩm. Mặc dù không được biết đến rộng rãi như phở hay cà phê trứng nhưng một khi đã ăn thử, các phóng viên bắt đầu đến rất đông. Gian hàng lúc nào cũng trong tình trạng “không ngơi tay” từ lúc mở hàng đến lúc đóng cửa.
Gian hàng bún thang bà Ẩm do đích thân ông chủ đứng ra chế biến và phục vụ – Ảnh: NVCC
Nhà hàng cho biết bình thường gia đình thường dậy từ 5h30 để chuẩn bị mở hàng, nhưng những ngày tham gia hội nghị phải dậy từ 3h để chuẩn bị nguyên liệu như ruốc tôm, thịt gà, trứng tráng, giò lụa… Tất cả đều phải được chuẩn bị trong ngày để giữ được hương vị thơm ngon nhất. Ngoài ra, nước dùng cho bún thang phải được đun trước đó từ khoảng 12 tiếng để đảm bảo độ thanh ngọt.
Đều là những món ăn gia truyền nổi tiếng của đất Hà thành được lựa chọn để tham gia sự kiện ngoại giao mang tầm quốc tế, các gia đình đều dồn hết tâm huyết vào các sản phẩm, tỉ mỉ, chỉn chu đến từng công đoạn nhỏ nhất.
Các nghệ nhân, thợ lành nghề nhất của gia đình đều đích thân đến trung tâm để chế biến và phục vụ các phóng viên. Mỗi gia đình đều mong muốn làm sao có thể mang đến cho các vị khách quý hương vị trọn vẹn của món ăn gia truyền, vừa để khẳng định uy tín của thương hiệu, vừa góp phần quảng bá nền ẩm thực độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Mỗi gian hàng đều chuẩn bị rất đầy đủ nguyên liệu và bài trí hấp dẫn, mang đậm phong cách Việt Nam – Ảnh: NVCC
Mặc dù công đoạn chuẩn bị, phục vụ trước và trong thời gian diễn ra hội nghị đều đòi hỏi nguồn nhân lực, công sức rất lớn, gấp 2-3 lần so với mức bình thường, hầu hết các gia đình đều cho biết họ rất tự hào và vinh dự vì đã gây được tiếng vang về ẩm thực Việt Nam đến với thế giới thông qua sự kiện lớn này.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn