Phố Mã Lai ở Sài Gòn ra đời thế nào?

0
26
Bà Hajal Basiroh, người khởi thủy con phố Malaysia, cùng những nhân viên là con em dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn được bà dạy học miễn phí. Ảnh: Tâm Linh.

Đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành, dài chỉ hơn 100 m, được gọi là “Saigon Halal street” hay phố Mã Lai.

Nhắc đến phố Mã Lai (Malaysia), nhiều tiểu thương nơi đây vẫn còn nhớ đến “con đường Basiroh”, mang tên của người đã tiên phong tạo nên khu phố đặc trưng này. Bà Basiroh (64 tuổi) là một phụ nữ dân tộc Chăm, hiện kinh doanh nhà hàng và trang phục Hồi giáo trên đường Nguyễn An Ninh.

Bà Hajal Basiroh, người khởi thủy con phố Malaysia, cùng những nhân viên là con em dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn được bà dạy học miễn phí. Ảnh: Tâm Linh.

Bà Hajal Basiroh, người được cho là tạo ra con phố Mã Lai ở trung tâm Sài Gòn, cùng những nhân viên là con em dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn được bà dạy học miễn phí. Ảnh: Tâm Linh.

Tại nhà hàng mang tên mình, nhấp ngụm cà phê đen đắng, bà Basiroh chậm rãi kể lại câu chuyện hình thành nên con phố, bắt đầu từ quá khứ vất vả của mình.

Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, có cha làm nghề dạy học, Basiroh khi bé là một trong số ít người biết đọc viết cả tiếng Việt lẫn tiếng Chăm tại Châu Đốc, An Giang. Năm 12 tuổi, Basiroh được cha nhờ dạy chữ miễn phí cho các trẻ em nghèo trong vùng. “Sự nghiệp” dạy học của Basiroh là một trong những nền tảng dẫn dắt bà làm nên con phố Mã Lai ngày nay.

Cuộc sống tuổi thơ cơ cực, việc gì cũng phải làm từ thêu thùa, đan lưới bắt cá, gặt lúa, làm chổi… khiến bà Basiroh quyết tâm tạo dựng tương lai tốt đẹp khi gia đình chuyển lên Sài Gòn năm 1974. Cô gái trẻ đã đi học thêm Anh văn và vi tính với mong muốn tìm được một công việc văn phòng đỡ vất vả hơn. Thành thạo ngoại ngữ, Basiroh được nhận vào làm tại một cơ quan ngoại giao nước ngoài, nhưng đã phải từ chối công việc đáng mơ ước với nhiều người, vì bà vẫn muốn tiếp tục dạy học cho con em cộng đồng người Chăm ở thành phố theo nguyện vọng của cha.

Từ một nhóm học trò nhỏ, lớp học của cô giáo Basiroh lên đến 70 trò cả người lớn. Tiếng lành đồn xa, cô giáo được mời làm gia sư cho con của những người Malaysia làm việc trong thành phố. Thời gian tiếp xúc với người Malaysia, cộng thêm việc được học chút ít từ người cha biết ngoại ngữ, bà Basiroh bấy giờ có thể giao tiếp thuần thục với người Mã Lai bằng tiếng Malaysia.

Suốt 7 năm, bà vừa dạy học miễn phí vừa giúp mẹ bán hàng rong khắp các chợ ở Sài Gòn. Khi mẹ mất gánh nặng kinh tế đặt lên vai bà. Song song dạy học, bà sau đó làm việc cho một công ty dầu khí Indonesia, công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ, rồi đến trung tâm nghiên cứu thị trường của Anh.

Nơi Basiroh làm việc đều tọa lạc ở các tòa nhà, khách sạn trong trung tâm thành phố. Bà vẫn đội tudung (khăn choàng đầu truyền thống Hồi giáo) đi làm. “Thỉnh thoảng, có đoàn khách Mã Lai qua họ thấy mình cũng đạo Hồi nên ra nói chuyện, hỏi han”, bà kể.

Cho đến một lần, một khách Mã Lai nhờ bà dẫn đi tìm mua trang phục Hồi giáo. Sài Gòn khoảng đầu những năm 2000 chỉ có một hàng bán đồ Hồi ở Thương xá Tax, bà dẫn khách đến mua. Tuy nhiên, bà Basiroh nhận thấy trang phục ở đây không chuẩn, do chủ hàng là người Việt may bắt chước bằng mắt nhìn. “Tại sao mình là người Hồi giáo mà không làm đồ cho người trong đạo, để người khác làm sai thế này”, bà tự vấn lúc đó.

Saigon Halal street đặc trưng với những mái đầu choàng khăn. Ảnh: Dy Khoa.

“Saigon Halal street” đặc trưng với những mái đầu choàng khăn. Ảnh: Dy Khoa.

Năm 2002, bà chính thức bắt tay vào nghề may mặc trang phục truyền thống cho người Hồi giáo. 10 năm sau đó, thương hiệu trang phục Basiroh được cộng đồng người theo đạo Hồi ở Sài Gòn và du khách Malaysia truyền tai nhau, nổi danh trong nước và được báo chí Malaysia đưa tin.

Ban đầu, bà Basiroh làm và bán hàng tại nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), nhưng do nơi bán xa trung tâm khách khó tìm đến. Thậm chí, một số người đã giả danh bà để bán hàng kém chất lượng hoặc tung tin bà không còn bán hàng, bị khách Mã Lai phản ánh. Lúc đó, bà nghĩ cần chọn địa điểm tốt hơn.

Con phố Nguyễn An Ninh là nơi bà thuê mặt bằng bán hàng năm 2011. “Đường này ngày trước là chợ đêm, sau bị dẹp trở nên nhếch nhác, vắng hoe”, bà hồi tưởng. Do nằm sát chợ Bến Thành, cửa hàng quần áo Basiroh thu hút một lượng lớn khách Mã Lai đi dạo ngang qua. Sau đó, nhiều khách than vãn với bà chủ về việc khó khăn khi tìm kiếm hàng quán phục vụ đồ ăn đúng chuẩn Halal (ẩm thực Hồi giáo). Từ đó bà Basiroh kiêm luôn nấu ăn cho khách, dần dần mở thành nhà hàng.

Gian hàng nhỏ khoảng 5m2 khi đó được kê thêm bàn ghế, quần áo thu gọn bớt sang một góc để phục vụ khách ăn uống ám đầy mùi bếp núc. Bà Basiroh quyết định thuê thêm mặt bằng để kinh doanh. Con đường lúc đó có 4 cửa hàng mang tên bà, được nhiều người xung quanh và du khách quen miệng gọi là “phố Basiroh”. Lượng khách Malaysia tìm đến khu phố ngày càng đông, nhiều cửa hàng trang phục và ẩm thực Halal cũng theo đó mở thêm, dần hình thành phố Malaysia. 

Đến nay phố Mã Lai không còn giới hạn trên đường Nguyễn An Ninh nữa mà mở rộng ra nhiều con đường khác gần đấy, như Thủ Khoa Huân, Trương Định… với nhiều nhà hàng, quán ăn, cửa hàng trang phục Hồi Giáo.

Tâm Linh

Nguồn: Vnexpress.net