Nhiều người cho biết họ chấp nhận mất hàng chục triệu đồng tiền vé máy bay và đặt phòng khách sạn của chuyến du lịch hè trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19.
Lên kế hoạch du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) cùng nhóm đồng nghiệp nữ từ giữa tháng 4, Minh Hằng (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết cô cùng các bạn của mình buộc phải hủy toàn bộ vé máy bay, khách sạn mà không được hoàn trả do đợt bùng dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay.
Trao đổi với Zing, chị Hằng cho biết nhóm đã đặt 2 phòng nghỉ tại một resort tại đảo Phú Quốc cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm, từ ngày 7-10/5 với gần 1 triệu đồng/đêm. Toàn bộ chi phí khách sạn và vé máy bay lên đến 17 triệu đồng đã được chị Hằng thanh toán trước.
Công ty lữ hành và khách sạn không hoàn tiền
“Một ngày trước khi khởi hành, do lo lắng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các điểm du lịch, chúng tôi liên lạc cho công ty lữ hành để báo hủy. Tuy nhiên đơn vị này cho biết phải báo trước 3 ngày trước khi khởi hành, nếu không hành khách phải tự thương lượng với khách sạn”, chị Minh Hằng kể,
“Khi liên lạc với resort, resort lại yêu cầu chúng tôi làm việc với bên lữ hành để được giải quyết. Cuối cùng, không bên nào chịu hoàn trả”, chị Minh Hằng cho biết thêm.
Giống như chị Minh Hằng, khi mùa du lịch hè 2021 bắt đầu, nhiều kế hoạch du lịch trong tháng 5, tháng 6 của các gia đình, công ty, trường học… cũng buộc phải hủy hoặc hoãn lại do sự bùng phát của đại dịch.
Nhiều người đã phải chấp nhận mất tiền vì hủy phòng đã đặt. Ảnh: Quỳnh Danh |
Anh Đặng Đức Minh (29 tuổi) và bạn gái đang sinh sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết họ mới quyết định hủy chuyến du lịch Quy Nhơn vào đầu tháng 6 này.
“Chúng tôi đã đặt phòng cho hai người tại một khu resort vào tuần đầu của tháng 6. Mặc dù chưa biết từ nay đến lúc đó dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, chúng tôi vẫn tạm thời hủy chuyến đi này. Suất đặt phòng này tôi đang tìm người có nhu cầu du lịch Quy Nhơn tháng 6 để nhượng lại”, anh Đức Minh nói.
Trao đổi với Zing, đại diện của Melia Hồ Tràm Beach Resort cho biết sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 với công suất phòng kín 100%, khu nghỉ dưỡng 5 sao này cũng đang ghi nhận sự ảnh hưởng rõ rệt do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4.
“Tỷ lệ lấp đầy các phòng trong tháng 5 của chúng tôi có xu hướng giảm so với kỳ vọng, hiện nay đạt khoảng 30-40%, đủ để vận hành hoạt động kinh doanh. Giá phòng hiện tại phụ thuộc nhiều vào công suất cho thuê, giá thuê sẽ giảm nếu công suất phòng giảm”, đại diện đơn vị này chia sẻ.
Kỳ vọng du lịch hè 2021 tan vỡ
Theo báo cáo về Hành vi du lịch của người Việt dịp Hè 2021 của Outbox Consulting, có đến 50% lượng khách du lịch đã lên kế hoạch chuyến đi của mình trong tháng 5 và tháng 6.
Báo cáo cũng chỉ ra hơn 30% du khách sẽ thường tìm kiếm thông tin và lịch trình chuyến đi trong khoảng 3-4 tuần trước ngày khởi hành. Đặc biệt, đến 42% khách du lịch tự túc (không đi theo tour của các công ty lữ hành) thường đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ đầu tiên so với các dịch vụ khác.
Chính vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ khách du lịch đột ngột hủy phòng thường khá cao, nhiều cơ sở lưu trú không áp dụng chính sách hoàn trả đặt phòng trong mùa cao điểm khiến nhiều khách hàng buộc phải hủy phòng không hoàn tiền.
Ngành lưu trú du lịch nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, theo số liệu của Tổng Cục thống kê, đến 20% các cơ sở lưu trú trên cả nước phải đóng cửa, tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ đạt 25% và 340 công ty lữ hành thông báo giải thể.
Mùa du lịch hè 2021 được kỳ vọng phục hồi ngành du lịch, lữ hành, khách sạn nhưng đối diện nguy cơ đổ vỡ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi viễn cảnh phục hồi trở về trạng thái trước có vẻ như còn rất xa vời, thì ngành du lịch có thể dựa vào các hoạt động trong nước để phục hồi trong ngắn hạn. Đợt bùng dịch thứ 3 trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2 vừa qua đã đập tan kỳ vọng cải thiện hoạt động của ngành khách sạn cả nước trong quý I.
Thói quen của người Việt cho thấy, trước đại dịch Covid-19, khách du lịch thường đặt phòng khách sạn trước thời điểm xuất phát một thời gian rất dài để tiết kiệm hơn, đặc biệt là đối với những chuyến du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó đoán định này, việc đặt khách sạn sát ngày hơn sẽ giúp giảm nguy cơ lịch trình bị thay đổi vì dịch bệnh.
Theo Skyscanner, từ năm 2020, du khách thường đợi đến phút cuối cùng để đặt chỗ ở, vì họ cho rằng việc hủy và hoàn tiền cho đặt phòng khách sạn sẽ khó hơn so với vé máy bay.
Để thích ứng với xu hướng đặt phòng sát ngày, các công ty lữ hành đã thay đổi các điều khoản và điều kiện đặt phòng theo hướng linh hoạt. Với các chính sách và quy định về du lịch thay đổi nhanh chóng, việc cho phép khách du lịch thay đổi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay mà không phải trả thêm phí dường như là cách duy nhất giúp khách du lịch có thể tự tin đặt phòng.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Lây nhiễm cộng đồng tính từ 27/4/2021
486CA NHIỄM
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Hà Nội | 1 | 144 |
Bắc Ninh | 13 | 98 |
Vĩnh Phúc | 7 | 60 |
Đà Nẵng | 0 | 53 |
Bắc Giang | 5 | 52 |
Hà Nam | 0 | 16 |
Hưng Yên | 0 | 19 |
TP.HCM | 0 | 1 |
Yên Bái | 0 | 1 |
Quảng Nam | 0 | 3 |
Đồng Nai | 0 | 1 |
Hải Dương | 1 | 6 |
Thái Bình | 0 | 6 |
Quảng Ngãi | 0 | 1 |
Lạng Sơn | 1 | 5 |
Thanh Hóa | 0 | 1 |
Điện Biên | 0 | 2 |
Nam Định | 0 | 2 |
Nghệ An | 0 | 1 |
Phú Thọ | 0 | 1 |
Quảng Ninh | 0 | 1 |
Hải Phòng | 0 | 1 |
Thừa Thiên Huế | 0 | 3 |
Đắk Lắk | 0 | 2 |
Hòa Bình | 0 | 5 |
Quảng Trị | 0 | 1 |
Nguồn: News.zing.vn