Cứ mỗi tháng 5, người dân từ khắp nơi trên nước Mỹ và thế giới lại đổ về Indianapolis, bang Indiana để chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất trên thế giới – vòng đua xe Indy 500.
|
Mỗi năm vào chủ nhật, trước thứ hai cuối cùng của tháng 5, người dân từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ và thế giới lại đổ về thành phố Indianapolis, bang Indiana để chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất thế giới: Vòng đua xe Indy 500, nằm trong giải đua xe IndyCar Series. Đây là sự kiện có lịch sử hơn 100 năm và là một trong ba sự kiện đua xe danh giá nhất thế giới cùng với Monaco GrandPrix của giải Thể thức 1 và 24h Le Mans. Tuy là một sự kiện có tính quốc tế cao, Indy 500 lại nói lên rất nhiều điểm đặc trưng thú vị về văn hóa của xứ cờ hoa.
|
|
Đất nước Cơ đốc giáo: Khó có thể hình dung ở Việt Nam một trận bóng đá hay sự kiện thể thao lại có một nhà sư tới ban phước. Nhưng ở Mỹ tại rất nhiều các sự kiện thể thao lớn, sự tham gia của một mục sư Cơ đốc giáo để ban phước lành lại rất phổ biến. Điều này phản ánh thực tế của nước Mỹ, với xấp xỉ 70% dân số tự nhận theo đạo Cơ đốc. Trong đó 45% là người theo các nhánh Tin Lành và 20% theo Công giáo La Mã. Cơ đốc giáo có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống Mỹ tới mức không có chính trị gia nào có thể tranh cử Tổng thống nếu không thuyết phục được cử tri là mình tin vào Chúa trời.
|
|
Người Mỹ mê tiệc tùng: Cũng như nhiều sự kiện thể thao khác, Indy 500 đôi khi chỉ là cái cớ để người Mỹ tiệc tùng. Họ coi đây như một ngày hội để gặp gỡ, ăn uống và vui chơi. Rất nhiều người mang cả xe tải để chở đồ ăn, thức uống và dựng lều ngay bãi giữa đường đua để tổ chức tiệc tùng.
|
|
Thể hiện lòng yêu nước: Indy 500 được tổ chức vào dịp cuối tuần của Ngày tưởng niệm (Memorial Day) vinh danh những người đã hy sinh khi phục vụ trong quân đội, nên khi tới đây có thể thấy quốc kỳ Mỹ có ở khắp nơi. Không chỉ có trên các cột cờ hay được treo ở các toà nhà, cờ Mỹ còn được thấy ở các bộ áo tắm, giày, tất, mũ, áo. Vào các ngày lễ như này, người Mỹ không cần phải đợi tổ trưởng dân phố đi từng nhà nhắc nhở treo cờ. Đi qua các vùng ngoại ô và nông thôn của nước Mỹ sẽ thấy chuyện nhiều nhà treo cờ trước cửa quanh năm hay thậm chí có hẳn một cột cờ trong sân là rất phổ biến. Người Mỹ rất tự hào về cách thể hiện lòng yêu nước đôi khi có phần khá ồn ào của mình.
|
|
Tự hào sức mạnh quân sự: Tại Indy 500, sau bài phát biểu của một tướng lĩnh quân đội và quốc ca là một màn trình diễn của chiếc máy bay ném bom tàng hình B2 trong sự hò reo vô cùng phấn khích của người tham dự. Những màn trình diễn máy bay như vậy (flyover) rất phổ biến trong các sự kiện thể thao của Mỹ từ thi đấu chuyên nghiệp cho tới các giải đấu của các trường đại học. Đối với rất nhiều người Mỹ, yêu nước đồng nghĩa với việc yêu quân đội. Chính vì vậy tại các sự kiện thể thao lớn luôn là dịp để người Mỹ biểu diễn sức mạnh quân sự của mình.
|
|
Tự do cá nhân: Tại Indy 500 bạn có nhìn thấy rất nhiều kiểu cách ăn mặc từ rất bảo thủ tới vô cùng phóng khoáng nhưng không ai để ý và làm phiền đến ai. Người Mỹ coi tự do cá nhân không khác gì một tôn giáo hay một chủ nghĩa và là nền móng cho tất cả các quyền con người khác.
|
|
Chủ nghĩa tiêu dùng: Những kỳ nghỉ mùa hè như ngày Tưởng Niệm, Độc Lập, Lao Động gắn với các hoạt động như tiệc tùng, bia rượu và mua sắm. Mỗi dịp lễ như vậy nước Mỹ chi hàng tỷ USD cho đồ trang trí không bao giờ dùng lại, vật dụng dùng một lần và đồ ăn uống. Nước Mỹ là một trong những nước tiêu dùng và hoang phí nhất thế giới. Một số thống kê cho thấy chỉ riêng với thực phẩm rau củ, người dân Mỹ bỏ đi xấp xỉ 50% lượng cung cấp (60 triệu tấn, giá trị 160 tỷ Đô-la Mỹ) mỗi năm. Điều này cũng nói đến nghịch lý của nước Mỹ, khi gần 13% dân số (khoảng 43 triệu người Mỹ) sống trong cảnh nghèo đói.
|
|
Đặc quyền người da trắng: Khi vào trong trường đua Indy 500, một người bạn trong nhóm thốt lên “Nhiều người da trắng quá”. Mặc dù ở Indiana người da trắng chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80%) nhưng sự áp đảo tại Indy 500 cũng không khỏi gây ngạc nhiên. Người thuộc những nhóm da màu khác đi xem đua xe rất hiếm mặc dù vẫn có những người da đen làm các việc dịch vụ như bán hàng hay dọn dẹp. Điều này phản ánh phần nào về sự chênh lệch giàu nghèo cũng như cơ hội giữa các nhóm chủng tộc ở Mỹ. Người da trắng vẫn chiếm đa số với những cơ hội tốt hơn về kinh tế, thăng tiến trong xã hội, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.
|
|
Yêu công nghệ: Một trong những lý do chính khiến nhiều người Mỹ xem đua xe Indy 500 là sự yêu chuộng công nghệ đỉnh cao. Việc chứng kiến những chiếc xe có thể chạy tới tốc độ gần 400 km/h, sự chuẩn xác và mau lẹ của các khâu kỹ thuật khiến cho người Mỹ rất phấn khích. Điều này cũng áp dụng cho người Mỹ và công nghệ khác không chỉ xe đua. Việc hàng trăm ngàn người xếp hàng dài qua đêm trước các cửa hàng Apple mỗi khi có chiếc iPhone mới ra đời cũng nói lên điều tương tự. |
|
Tưởng thưởng cho thành tích cá nhân: Ở nhiều nền văn hoá, mỗi cá nhân được xã hội coi trọng vì đóng góp của người đó lợi ích chung. Điều này ở Mỹ cũng tương tự. Nhưng đặc biệt ở Mỹ mỗi cá nhân còn được đề cao đơn thuần vì sự vươn lên và thành tích của riêng bản thân dù việc đó có lợi cho người khác hay không. Chính vì vậy ở Indy 500, các tay đua đều được “ngả mũ thán phục” vì sự theo đuổi đam mê mãnh liệt bất chấp nguy hiểm cho chính mình.
|
|
Xả rác: Nếu ở đâu đó người Mỹ và phương Tây được coi là văn minh lịch sự, luôn giữ vệ sinh chung thì chắc chắn không phải là thực tế ở Indy 500. Khi cuộc đua kết thúc và khán giả chuẩn bị ra về, trong khu vực ngồi của chúng tôi – 5 người Việt Nam – là nhóm duy nhất có ý thức cất các chai nước đã uống hết vào túi và mang ra để thùng rác. Tràn ngập trên khán đài và trên các bãi cỏ là vỏ chai và thức ăn thừa. Ai nói người Việt Nam thiếu ý thức còn người Mỹ văn minh?
|
|
Cúp Brog-Warner: Chiếc cúp của Indy 500 có một truyền thống độc đáo. Năm 1936, một chiếc cúp mang danh hiệu Borg-Warner
với hình khắc gương mặt những người chiến thắng được giới thiệu trong cuộc đua năm ấy. Kể từ đó, thêm gương mặt cũng người vô địch đường đua lên chiếc cúp bạc Brog-Warner trở thành truyền thống của giải đấu sau mỗi 5 năm. Chiếc cúp gốc đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng Indianapolis Motor Speedway.
|
|
Bảo tàng Indianapolis Motor Speedway: Để hiểu thêm về Indy 500, du khách có thể đến bảo tàng Indianapolis Motor Speedway, trong khuôn viên của đường đua Indy 500. Bảo tàng trưng bày mô hình xe đua trong lịch sử cũng như danh hiệu và các kỷ vật thuộc về giải đua Indy 500 danh giá. Bảo tàng cũng đem đến hành trình tìm hiểu lịch sử của các loại ôtô nói chung, xe chở khách, xe thể thao.
|
|
Indianapolis có tên gọi tắt là Indy – trong tên gọi của giải đua xe Indy 500. Thành phố nổi tiếng với các giải thi đấu thể thao và các sự kiện nổi tiếng về âm nhạc và ẩm thực. Thành phố đã đăng cai 1987 American Games, NCAA Basketball Tournament, và Allstate 400 cùng nhiều sự kiện thể thao lớn khác của nước Mỹ. Trong đó Indy 500 là sự kiện thể thao riêng lẻ lớn nhất, thu hút đến 250.000 người mỗi năm. |
|
Ngoài ra Indianapolis còn nổi tiếng với bảo tàng cho trẻ em – bảo tàng thiếu nhi lớn nhất nước Mỹ. Bảo tàng không chỉ thu hút trẻ em mà nhiều người lớn cũng đến đây để tham quan khu vực trưng bày hóa thạch khủng long. Nếu không xem Indy 500, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng rừng xe đua F1 ở trường đua Speedway Indianapolis. Hay với người yêu thích lịch sử, đài tưởng niệm binh lính và thủy thủ của thành phố Indianapolis sẽ là điểm đến thích hợp.
|
Nguồn: News.zing.vn