Ngay ngày đầu tiên sạn lava đã lạo xạo giữa hai hàm răng. Ở Etna người ta không thể tránh khỏi cái đám bụi đen ấy. Nó len lỏi vào balô, vào tóc, vào giày. Chúng bám vào quần áo và dường như chúng chui cả vào tất cả các lỗ hổng, có lẽ cả lỗ chân lông. Thậm chí chúng còn bám đen sì vào những móng tay vốn trước khi tới đây đã được cắt tỉa gọn gàng.
Phóng to |
Núi lửa Etna |
“Chúng ta sẽ tiến dần đến ngọn núi lửa khổng lồ này. Cái chính là phải cẩn trọng” – người dẫn đường Giuseppe Amendolia giải thích.
Chúng tôi muốn chinh phục đỉnh núi lửa này trong hai ngày. Trên đường đi anh chàng người Ý này luôn miệng nhắc chúng tôi phải cẩn thận. Là kỹ sư địa chất và là người hướng dẫn tham quan núi lửa chuyên nghiệp, anh quá hiểu về ngọn núi này. Anh đã sống gần cả cuộc đời mình ở dưới chân núi. Gia đình anh ở Nicolosi, một làng nhỏ ngay cạnh chân núi Etna. Đã bao lần đứng trên ngọn của núi lửa này anh cũng không nhớ nữa.
Sáng sớm đoàn chúng tôi khởi hành cho cuộc thám hiểm này bắt đầu từ Zafferana Etnea – một làng kế cạnh làng của anh. Sau nửa giờ leo Giuseppe Amendolia đột ngột dừng lại và vừa cười vừa chỉ cho chúng tôi hai “ngọn đồi” tương đối giống nhau do núi lửa tạo nên. “Năm 1669 khi Etna phun nham thạch nó đã ban tặng cho chúng tôi hai kỳ quan thiên nhiên này. Ở làng tôi người ta gọi chúng là đôi bồng đảo của Sophia Loren”.
Sự hào hứng của Giuseppe Amendolia về ngọn núi lửa này có lẽ có liên quan mật thiết với hai quả đồi kia! Qua bao năm làm công việc này mà anh cũng không chán với ngọn núi này. Trong khi chúng tôi cứ tiến dần lên cao theo lối đi ziczăc qua những vườn Olive và vườn nho thì Giuseppe Amendolia kể cho chúng tôi chút ít về Etna.
Phóng to |
Núi lửa Etna |
Trong vài thế kỷ gần đây, những dòng nham thạch đỏ lửa có sức tàn phá ghê gớm vẫn thường chảy qua thung lũng Valle del Bove (thung lũng bò), lần cuối cùng vào năm 2004 và 2005. Ở tít phía chân núi chỗ gần với biển mới có vài bụi cây đậu kim mọc chen vào những kẽ đá. Còn ở đây, phía trên cao của thung lũng Valle del Bove, không có một loài cây nào có thể tồn tại được.
Phóng to |
Miệng núi lửa chính |
Miệng núi lửa phụ |
Etna là núi lửa cao nhất và hoạt động tích cực nhất châu Âu. Nguyên nhân tạo nên núi lửa ấy là sự chuyển dịch của hai địa tầng châu Âu và châu Phi. Vì sự hoạt động không ngừng của núi lửa này mà chiều cao của nó luôn thay đổi – tùy thuộc vào quá trình phun nham thạch mà nó có độ cao từ 3.200 – 3.350m. Chỉ đi lòng vòng trên Etna cũng không phải là quá nguy hiểm, bởi vì ngay cả khi núi lửa phun nham thạch thì những dòng lava nóng đến 1.100°C cũng chảy khá chậm men theo các sườn núi xuống, chậm đến mức người ta vẫn kịp chạy đi để tránh nó được. Tuy vậy, khi khí nén bùng nổ thì tiếp đó là những cơn mưa đá sỏi hay đá tảng dữ dội. Nếu trúng phải một trong những tảng đá này thì có đội mũ bảo hiểm nhanh đến đâu cũng khó mà thoát thân. |
Xung quanh là những đồi cát đen và những bãi sỏi bãi cuội trải dài tít tắp. Trong ánh sáng chói lòa của một ngày đẹp trời ta có cảm giác như đứng trước một biển cát kéo dài tới tận chân trời. Không có gì khác ngoài nham thạch. Không có cây to, cũng chẳng có bụi cây nhỏ nào để che mát một tí. Một tour lên núi Etna chẳng khác nào một cuộc hành quân trên sa mạc nóng bỏng.
Mặt trời đã treo ngay đỉnh đầu khi chúng tôi tới một sườn núi có tên “Lưng con lừa”. Đoạn đường cứ lên lên xuống xuống khi vượt qua thung lũng Valle del Bove khá tốn sức và bắt người ta phải tập trung cao độ. Tất cả các bản đồ mà chúng tôi có đều xuất bản từ trước khi ngọn núi lửa này lại hoành hành vào năm 2004, 2005. Do vậy mà không hề còn có biển chỉ dẫn đường đi lối lại và cũng không còn dấu vết của những con đường vốn trước đó đã có. Cả những người dẫn đường chuyên nghiệp nhiều khi cũng khó khăn để tìm ra một con đường dẫn lên đỉnh núi.
Tuy nhiên với những du khách thông thường thì việc leo lên Etna khá đơn giản – họ dùng cáp treo hay đi xe địa hình!
Từ Torre del Filosofo trên độ cao 2.900m, nơi mà các tour Etna bằng xe cơ giới kết thúc, đến bốn miệng núi lửa chính vẫn còn hoạt động chỉ là một đoạn đường ngắn. Thế mà không phải ai cũng được tận mắt nhìn xuống miệng núi lửa vốn vẫn hay bị những đám mây che phủ. Nhưng chúng tôi hi vọng vào sự ưu ái của thần núi và sau một bữa ăn đạm bạc cả nhóm hạ lều tại đây để qua đêm.
Một khi màn đêm buông xuống, chỉ có gió lay động những lán lều của chúng tôi là phá vỡ sự yên tĩnh tuyệt đối nơi này. Chúng tôi cảm nhận rõ những nhịp đập của Etna. Khi nó bình yên như bây giờ người ta cảm nhận được những tiếng đập ấy như hơi thở của một con rồng đang say giấc nồng. Nhưng chỉ thế thôi đã thấy được sức mạnh ghê gớm tiềm ẩn bên trong nó mà bất cứ lúc nào cũng có thể trỗi dậy ngay được.
Phóng to |
Miệng núi lửa Etna |
Buổi sáng khi bình minh vừa thức giấc, lúc mà mặt trời đỏ rực chiếu lên vịnh Catania, là lúc Etna đẹp và hoành tráng nhất. Vẻ đẹp thật sự của nó chỉ dành cho những ai bỏ thời gian để khám phá, đi qua những ma trận nham thạch, qua những bãi sỏi đá rộng mênh mông để leo lên đến miệng núi lửa ở tít phía trên cao. Và tất nhiên vẻ đẹp đó còn dành cho những ai đã dùng chính sức lực của mình để leo từ chân núi lên đến tận đỉnh cao của nó.
Khi chúng tôi bắt đầu chinh phục phần chóp của ngọn núi này thì hơi lưu huỳnh còn che lấp cả mặt trời. Men theo đường vòng cung rộng chúng tôi dần tiến lên đỉnh của nó trên sườn núi trải đầy sỏi đá. Những viên cuội to như hạt dẻ được tạo thành từ nham thạch cứ lạo xạo dưới từng bước chân cứ như đang giẫm vào thủy tinh vỡ. Quang cảnh xung quanh thật huyền bí. Hàng ngàn lỗ hay kẽ hở bốc lên những đụn khói sặc mùi lưu huỳnh khó thở. Vừa đi chúng tôi vừa rụt cổ lại và bịt kín miệng bằng khăn tay để dần tiến tới Bocca Nuova.
Phải cẩn thận dò dẫm từng bước chân một vì đất dưới chân rất dễ sụt lở.
Phóng to |
Etna vào mùa đông |
Giuseppe Amendolia kể lại một lần anh đã bị vùi đến tận cổ. Đất đã bị khí ăn mòn dần và tạo ra những lỗ hổng dưới lòng đất. Nhưng thật may hôm ấy gió là người bạn tốt của chúng tôi, nó đã thổi đi phần lớn những đám khí độc ấy. Mặc dù vậy mắt ai cũng cay xè và nước mắt chạy vòng quanh. Những cơn ho khan lại càng làm mọi người thêm khó thở và mệt, nhưng ai cũng gắng một lần nhìn tận mắt miệng núi lửa ấy. Và nó quả là đáng nhớ và ấn tượng – một địa ngục muôn vàn màu sắc.
“Núi lửa Etna ban tặng sự sống nhưng nó cũng lấy đi sự sống ấy. Ở Sizilia chúng tôi tôn thờ nó như tôn thờ một người mẹ” – người dẫn đường của chúng tôi thổ lộ. Trên đường xuống núi, ngay gần trung tâm của miệng núi lửa chính chúng tôi được chứng kiến sự nghiêm khắc của “người mẹ” ấy. Một người đàn ông ngồi với tư thế xiêu vẹo và cái áo khoác màu xanh nhạt của ông ta như là một vật thể lạ giữa biển mây.
Đó là Franz – một người đàn ông 71 tuổi đến từ Bavaria. Franz đã phạm phải hàng loạt sai lầm nghiêm trọng. Ông đi một mình trên một cung đường chẳng mấy ai qua lại, đã thế lại không có đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc leo núi. Khi cái lạnh và không khí loãng ở trên cao lấy đi nhiều sức lực, Franz đã bị vấp ngã và đứt dây chằng bàn chân. Ông ta chỉ thều thào được rằng “suýt nữa thì tôi có thể chết gí ở đây”. Ở trên cao như thế này điện thoại di động không hoạt động được và Giuseppe Amendolia đã phải nhanh chân chạy đi gọi cấp cứu.
Ai không tỏ ra cẩn trọng với Etna thì nó sẽ là một người mẹ ác nghiệt. Nhưng nó cũng rất công bằng và hình phạt của nó không thái quá. Với Franz thì Etna đã rộng lòng tha thứ – nhưng chắc chỉ một lần này thôi!
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn