Những sự kiện đáng chú ý của du lịch Việt Nam năm 2018

0
40
Xuất Lại Du lịch Việt Nam 2018

Du lịch Việt năm 2018 chứng kiến hàng loạt giải thưởng danh giá dành cho các điểm đến trong nước cùng lượng khách quốc tế kỷ lục.

Khách quốc tế lập kỷ lục 15 triệu lượt

Dù mức tăng trưởng chậm lại sau 3 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt gần 15,5 triệu lượt.

Xuất Lại Du lịch Việt Nam 2018
 
 

Xuất Lại Du lịch Việt Nam 2018

Video: Tạ Lư.

Năm 2018, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 3/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất, tăng 3 bậc so với năm 2017. Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến hàng đầu khu vực châu Á trong lễ trao giải của World Travel Awards. Đồng thời, Việt Nam là điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á trong lễ trao giải của Golf World Travel Awards.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ra đời sau 13 năm

So sánh du lịch Việt Nam Thái Lan
 
 

So sánh du lịch Việt Nam Thái Lan

Khác biệt giữa du lịch Việt Nam so với Thái Lan. Video: Khương Nha – Tạ Lư.

Quỹ xúc tiến du lịch được đề cập trong Luật Du lịch năm 2005 nhưng đến tháng 12/2018, mới được thành lập, với tên gọi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngoài 300 tỷ đồng từ ngân sách, quỹ còn được bổ sung hàng năm từ 10% nguồn thu phí cấp thị thực, 5% nguồn thu phí tham quan, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Sự ra đời của quỹ này là niềm mong mỏi của những người làm du lịch hơn chục năm qua. Bởi hiện chi phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam chỉ ở mức 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) mỗi năm, bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Việc thành lập quỹ này được cho là một trong những bước đi để Việt Nam đạt được mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 35 tỷ USD năm 2020.

Ngoài xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài, Quỹ này còn hỗ trợ các hoạt động phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.

Thí điểm xếp hạng hướng dẫn viên du lịch

Việc xếp hạng được Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thí điểm từ tháng 10 tại TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... Ảnh: Saigontourist.

Việc xếp hạng được Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thí điểm từ tháng 10 tại TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh… Ảnh: Saigontourist.

Nhiều công ty du lịch đã tiến hành đánh giá hướng dẫn viên, nhưng việc xếp hạng đội ngũ này mới lần đầu được tổ chức trên quy mô cả nước, do Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thực hiện. Theo đó, hướng dẫn viên tự nguyện đăng ký xếp hạng 3 đến 5 sao. Ban thẩm định đánh giá qua ba tiêu chí: Năng lực chiếm 20%, kiến thức 50% và kỹ năng 30% với hai hình thức thi: phỏng vấn và trắc nghiệm.

Cả nước hiện có hơn 23.000 hướng dẫn viên nội địa và quốc tế, 95% trong đó vẫn hoạt động tự do. Theo Luật Du lịch 2017, việc cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế đã được hạ chuẩn (từ đại học xuống cao đẳng) nhằm thu hút các lực lượng, đáp ứng số khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc xếp hạng là rà soát lại chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên, tránh tình trạng những người này không được trang bị đầy đủ kiến thức nhưng vẫn dẫn đoàn làm ảnh hưởng đến bộ mặt chung của ngành. Ngoài ra, việc đánh giá được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hướng dẫn viên và công ty lữ hành trong việc ký kết hợp đồng, trả thù lao.

Tuy nhiên, hoạt động này chưa nhận được nhiều sự quan tâm của hướng dẫn viên. Trong đợt thí điểm đầu tiên ở TP HCM và Quảng Ninh, chỉ có 60 hồ sơ đăng ký ở mỗi địa phương.

Lần đầu miễn thị thực Tây Âu 3 năm

Khách Tây Âu tăng trưởng ổn định kể từ khi được miễn visa.

Khách Tây Âu tăng trưởng ổn định kể từ khi được miễn visa.

Đây là lần đầu tiên chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha được gia hạn 3 năm, từ tháng 7/2018. Trước đó, chính sách này được gia hạn từng năm một trong ba năm liên tiếp, 2015-2018.

Theo đó, công dân các nước này khi nhập cảnh Việt Nam được miễn các thủ tục làm thị thực, lưu trú tối đa 15 ngày, thời gian miễn thị, mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Chính sách visa này được cho là góp phần tích cực giúp Việt Nam liên tục giữ được tăng trưởng 20-30% khách quốc tế trong thời gian qua. Trong đó, khách Tây Âu có mức tăng trưởng ổn định, khoảng 10%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng chính sách thị thực trên vẫn cần được cải thiện để hút thêm khách, đặc biệt là khách chi trả cao, như nâng thời gian lưu trú từ 15 lên 30 ngày; khách du lịch có thể trở lại trong vòng 30 ngày nếu chứng minh có chuyến bay khứ hồi; mở rộng diện miễn visa.

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam xúc tiến đầu tư 2 tỷ USD

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia. Ảnh: Ngọc Thành.

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia. Ảnh: Ngọc Thành.

Sự kiện diễn ra ngày 5-6/12 tại Hà Nội với 1.500 khách mời trong hai phiên. Đây là diễn đàn du lịch cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Nhiều vấn đề nóng của ngành du lịch đã được thảo luận như chính sách visa, quảng bá xúc tiến, nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý điểm đến… Tại đây, các diễn giả, chuyên gia du lịch, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có chia sẻ, kiến nghị với đại diện Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các ban ngành nhằm phát triển du lịch chất lượng, bền vững đến năm 2030.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá 2 tỷ USD giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Uy tín du lịch Việt bị ảnh hưởng bởi vụ 148 khách biến mất

Đài Loan đang truy tìm 120 người Việt biến mất sau khi nhập cảnh ngày 21 và 23/12/2018. Ảnh: CNA.

Đài Loan đang truy tìm 120 người Việt biến mất sau khi nhập cảnh ngày 21 và 23/12/2018. Ảnh: CNA.

148 người Việt biến mất ngày 25/12/2018 là vụ “mất tích” tập thể lớn nhất từ trước đến nay ở Đài Loan. Một số người bị bắt thừa nhận họ bỏ trốn để làm việc dù chưa có giấy phép. Ngay sau đó, Đài Loan đã tạm dừng cấp visa Quan Hồng cho khách của 102 công ty du lịch Việt Nam. Đây là chính sách nới lỏng visa dành cho các công ty Việt được Đài Loan chỉ định, áp dụng từ năm 2015.

Vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty đưa khách đến Đài Loan thời gian này, cũng như uy tín của du lịch Việt Nam trên thế giới. Trước đó, vào tháng 8/2018, Đài Loan cũng rút ngắn thời gian lưu trú cho người Việt được miễn thị thực từ 30 ngày xuống còn 14 ngày.

Như vậy, khách Việt hiện muốn đi Đài Loan chỉ có thể xin visa theo cách truyền thống (chứng minh tài chính, các giấy tờ liên quan) hoặc visa điện tử (dành cho người có visa còn hiệu lực hoặc đã hết hạn trong vòng 10 năm của các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Anh, Hàn Quốc, khối Schengen).

Ban Du lịch

Nguồn: Vnexpress.net