Những sắc màu tuyệt diệu trên hành trình Himalaya

0
19
#Mytour: Nhung sac mau tuyet dieu tren hanh trinh Himalaya hinh anh 1

Cách đây 7 năm, sau đi lên đỉnh Fansipan trong sự ngỡ ngàng về khả năng của chính bản thân, ngay lập tức, mình đã nghĩ đến Everest, đến Himalaya… Thế rồi, ngày ấy cũng đến.

Nhung sac mau tuyet dieu tren hanh trinh Himalaya hinh anh 1

“Người lên trời, ôi Hy Mã Lạp Sơn”. Câu thơ như diễn tả hết nỗi khát khao chinh phục dãy Himalaya huyền thoại bỏng cháy của mình.

Cách đây 7 năm, sau đi lên đỉnh Fansipan trong sự ngỡ ngàng về khả năng của chính bản thân, ngay lập tức, mình đã nghĩ đến Everest, đến Himalaya… Thế rồi ngày ấy cũng đến.

Nhung sac mau tuyet dieu tren hanh trinh Himalaya hinh anh 2
Hành trình gần 20 ngày trên rặng Annapurna.

Nhắc đến trekking, leo núi ở Nepal dành cho những người không chuyên, cái tên Everest Base Camp dường như đã quá nổi tiếng và quen thuộc với mọi người. 

Thế nhưng khi tìm hiểu và được tư vấn, mình chọn cung Annapurna Circuit. Lúc đặt tour, nhận được thông báo đoàn mới chỉ có một bạn nữ, mình chần chừ hồi lâu… rồi cũng quyết định vác balo lên và đi.

Hà Nội – Kathmandu – Chamje

Sau 12 tiếng, mình đến sân bay Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu, Nepal lúc nửa đêm và mất thêm gần 1 tiếng xếp hàng nộp tiền để lấy visa đã đặt online trước.

Ra đến cửa sân bay, tài xế taxi của nơi đặt tour dẫn mình đến bên chiếc xe cũ kỹ, lấy ra tràng hoa cúc màu đỏ cam rực rỡ, hồ hởi đeo vào cổ khách rồi nói: Welcome to Nepal!

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn, sáng hôm sau, mình bắt đầu di chuyển từ thành phố Kathmandu đi Chamje.

Kathmandu – Chamje (1.430 m): Để đến Chamje, mình phải đi 2 chặng. Chặng đầu từ Kathmandu đến Besisahar. Trên buýt địa phương mà theo mình cái xe khách về quê khoảng 15 năm trước cũng không đến nỗi này, nhỏ em đi cùng hí hửng: Cái ghế ngồi còn êm hơn cả ghế máy bay ấy!

Điểm dừng chân ở Besisahar khá nhộn nhịp du khách. Tại đây, mọi người phải di chuyển bằng xe jeep để đến Chamje.

Trời tối dần, đường khó đi, tài xế thì vẫn nhắn tin, gọi điện, quay xuống nói chuyện như thường. Mỗi lần như vậy, mình lại thót tim.

Chamje – Bagarchhap – Chame – Pisang 

Từ Chamje, chuỗi hành trình leo núi dài ngày mới thực sự bắt đầu. Mình hơi lo lắng, hồi hộp, không biết sức rồi sẽ đi được đến đâu.

Chamje – Bagarchhap (2.160 m): Khác hẳn cái vẻ hoang tàn, bụi bặm, luộm thuộm trước đó, quãng đường di chuyển này khung cảnh tuyệt đẹp. Làng mạc nhỏ xinh với chỗ nghỉ rực rỡ sắc màu. Con đường mòn ven theo một con sông, 2 bên là dãy núi, cỏ cây tươi tốt. Thời tiết đẹp, nắng chang chang và lạnh.

Mình kiệt sức ngay trong buổi sáng đầu tiên. May mắn thay, khi đến đoạn đường dễ hơn, sức mình phục hồi ngay lập tức. Cũng từ đó, mình luôn bị ám ảnh bởi những đoạn leo lên liên tục. Nhỏ đi cùng mình ổn hơn nhiều, luôn đi nhanh hơn, đều hơn và không hề kêu mệt.

Bữa trưa hôm ấy đến trong niềm vui vỡ òa sau gần 5 tiếng đi bộ dài đằng đẵng. Trời tự nhiên mưa, nhỏ dần, tạnh hẳn.

Sau bữa ăn trưa, cả nhóm đi tiếp được khoảng tiếng rưỡi, đến một ngôi làng nhỏ, Nir (người dẫn đoàn) bảo: Đây, tối nay mình nghỉ ở đây.

Mặt mình ngơ ngác một giây rồi nhảy lên sung sướng.

Bagarchhap – Chame (2.630 m): Bagarchhap, rặng núi tuyết sáng sớm phủ vàng ánh bình minh ngay ngoài khung cửa sổ. Chiều tới Chame rồi, mình ngó lại vẫn thấy núi tuyết rực hồng nắng hoàng hôn.

Hôm đó, mình đã đi qua con đường xuyên rừng, ngôi làng có cánh đồng tam giác mạch đẹp như ở Hà Giang…

Chiều tối, Chame rất lạnh. Mọi người dọa mấy hôm nữa lên cao còn lạnh kinh khủng hơn nhiều. Ai cũng tỏ vẻ ái ngại khi mình bảo đã bỏ cái áo phao ở nhà vì vali đồ mang đi chật quá.

Tối ấy, mình đã ngủ ngon lành trong mấy lớp áo giữ nhiệt.

Chame – Upper Pisang (3.300 m): Đường từ Chame đi Pisang đông như trẩy hội. Khung cảnh thiên nhiên chặng này bắt đầu hùng vĩ hơn với một bên là núi đá, một bên vực sâu. Con đường khá nhẹ nhàng và ngắn nên mình đến Upper Pisang từ rất sớm.

Ăn tối xong, Nir nói về hành trình ngày mai với vẻ mặt đầy nghiêm trọng: Một là chọn con đường dễ, đi chỉ mất 4 tiếng, hai là chọn hướng khó và dài gấp đôi, nhưng đẹp.

Mình và nhỏ đi cùng quyết định chọn đi đường đẹp rồi lên giường ngủ từ rất sớm. Lần đầu tiên trong hành trình, mình phải chuẩn bị cho giấc ngủ kỹ càng, đầy đủ như thế, hi vọng sẽ ngon giấc để lấy sức cho hôm sau nhưng đời không như là mơ….

Pisang – Manang – Shree Khara – Tilicho Base Camp

Mấy hôm trước, mình phải tỉnh dậy giữa đêm cởi tất, áo vì nóng, thế mà đêm qua có thêm miếng dán giữ nhiệt vẫn lạnh.

Pisang – Manang (3.500 m): Từ Pisang đến Manang, độ cao chỉ lên 200 m, nhưng đoạn đầu chủ yếu mình phải đi xuống, rồi sau đó thì lên không tưởng. Mình phải lết từng bước chân, thở không ra hơi, nhỏ đi cùng liên tục nhắc: Cứ từ từ, chậm thôi, nhưng chắc!

Cảnh đẹp khỏi nói, những giây phút đứng lại ngắm núi non, mình đều thở phì phò. Thế mà, bản thân vẫn phải cố lấy hết sức bình sinh giơ máy ảnh lên chụp lia lịa cái rồi lại nhanh chóng cắm mặt đi, không dám đứng lại lâu.

Con đường kinh hoàng buổi sáng rồi cũng kết thúc. Mắt mình sáng lên khi nhìn thấy lấp ló những mái nhà ở khu làng sẽ dừng lại ăn trưa. Đúng 12h, sau gần 6 tiếng, chúng mình cũng yên vị ở bàn ăn.

Đường buổi chiều bằng phẳng, dễ chịu. Cảnh xung quanh mỗi bước lại thấy đẹp hơn. Điều phiền toái nhất là bụi. Gió nhẹ thôi là bụi, nhấc bước chân lên, đặt bước chân xuống là bụi, chọc gậy xuống đường thôi cũng bụi…Thỉnh thoảng lại có con xe jeep chạy qua như một nỗi ác mộng.

Càng về chiều, nắng bớt gắt hơn và chuyển màu đỏ cam. Thủ phủ Manang đang dần gần ngay trước mắt. Đường đi vẫn thấy dễ dàng. Giữa lúc tâm hồn mình đang phơi phới, đập vào mắt ngay trước lối cổng tiến vào Manang, phía bên trái là cánh đồng cỏ đẹp như tranh vẽ.

Mặc kệ Nir đã tiến vào làng. Mình nghĩ bụng: 4h vẫn còn sớm. Tại sao lại phải rời 1 chỗ đẹp đẽ như thế khi chả có lí do gì?

Mình ở đó gần 1 tiếng đồng hồ trong nắng lao xao, trong gió ào ào, trong cái lạnh vùng sơn cước, cho đến khi thấy bóng dáng Nir chạy ra vẫy vẫy đi về.

Manang nhộn nhịp hơn, đầy đủ hàng quán hơn. Mọi người thường sẽ nghỉ ở đây 1 ngày trước khi tiếp tục hành trình.

Manang – Shree Khara (4.060 m): Quãng đường hôm nay dài khoảng 4-5 tiếng, mình được cảnh báo phải đi nhanh trong buổi sáng vì sợ đến Shree Khara muộn sẽ không đặt được phòng nghỉ ngơi. Shree Khara là chỗ dừng chân qua đêm trên đường từ Manang đến hồ Tilicho nổi tiếng và từ Tilicho quay lại.

Bằng nỗi sợ ngủ lều chết cóng mà cả nhóm đã đi băng băng, tiến thẳng tới Shree Khara trong gần 4 tiếng. Thế nhưng, mình tính không bằng người khác tính, tất cả các nhà nghỉ đã hết phòng.

11h30, Nir thông báo: Chỉ còn cách đi tiếp 20 phút nữa, ở đó có 1 chỗ nghỉ, may ra sẽ còn phòng.

Hẳn là lúc đó nhìn thê thảm lắm, Nir mới phải đề nghị mang nốt balo cá nhân mình đang đeo. Trước đó, mình từng đùa với nhỏ đi cùng: Không biết cái cảm giác đi mà không phải mang vác gì nó như thế nào nhỉ?, rồi tưởng tượng cảnh đó với những bước đi kiểu thần tiên phiêu bồng.

Giờ được gánh hộ cả balo rồi, bước chân mình vẫn nặng nề khó nhọc. Lúc gần đến nơi, Nir phải vọt lên trước, sau đó đón 2 đứa mình với chiếc chìa khóa cuối cùng chỗ nghỉ duy nhất còn lại. 

Đến đây, mình chính thức được trải nghiệm những khó khăn về điều kiện sinh hoạt mà những người đi trước kể lại, phải trả tiền cho wifi, nước nóng. Thỉnh thoảng thấy các đoàn sau đến, đi vào rồi đi ra vì hết chỗ, mình thấy may mắn đến nhường nào.

Shree Khara – Tilicho Base Camp (4.140 m): Cung đường hôm đó là chặng nguy hiểm bậc nhất hành trình. Đường đi băng qua sườn đá dựng đứng với lối đi có chỗ chỉ đặt vừa 1 bàn chân, đá to, đá nhỏ có thể tự nhiên lăn xuống bất kỳ lúc nào.

Thỉnh thoảng, mình điếc không sợ súng, dừng lại thở, giơ máy chụp ảnh lên sau đó bị Nir mắng ngay. Cũng mãi đến tận hôm đó, chiếc gậy leo núi của mình mới được mang ra. Thế mới biết đôi chân mình khỏe như nào.

Đến Tilicho Base Camp giữa trưa với sự phấp phỏng tìm phòng, mình thở phào khi biết vẫn còn cơ hội được ngủ chăn ấm nệm êm. Nir trố mắt khi mình nhờ hỏi chỗ tắm gội, kiểu: Có thật là mày muốn tắm gội ở độ cao này không?.

Cái nhà tắm nhỏ tí, sạch sẽ và thô sơ nhất quả đất. Nó được quây lại bằng gỗ, chơ vơ giữa trời ở độ cao trên 4.000 m, bên trong chỉ có 1 bình nước nóng, xô đựng nước và ca.

Cứ lo càng lên cao càng thiếu thốn, sơ sài, nhưng rõ ràng, chỗ ở với mình đến thời điểm đó là xịn nhất, sạch nhất. Phòng có 2 giường, nhỏ đi cùng nhường một chỗ cho Nir và Kurma không có chốn ngủ. Bốn đứa chìm vào giấc mộng ấm áp rất nhanh.

Tilicho Base Camp – Hồ Tilicho – Shree Khara – Yak Khara

Don’t look up! là câu mình được nghe nhiều nhất trong buổi sáng ngày hôm đó.

Tilicho Base Camp – Hồ Tilicho (4.919 m): Một ngày lạnh kinh hoàng. Nữ hoàng Băng Tuyết đã ghé thăm Tilicho Base Camp. Buổi sáng đó, vòi nước không thể chảy. Sương đêm đóng băng trắng muốt dọc đường đi ngay cả khi mặt trời đã ở trên đỉnh đầu.

Đó cũng là chặng thay đổi độ cao lớn nhất trong hành trình. Thông thường 1 ngày chỉ lên từ 300-500 m, vậy mà hôm đó, mình lên tận gần 1.000 m. Một khi đã vượt qua chặng này an toàn mà không có dấu hiệu của sốc độ cao, bạn sẽ đến được Thorong La.

Mỗi lần đứng lại, thở dốc, nhìn lên, mình luôn thấy đoàn người đi trước đang ở tít trên kia và không hề có dấu hiệu của điểm kết thúc.

Hôm đó là 1 bài kiểm tra quan trọng để biết mình sẽ tiếp tục hay trở về bằng trực thăng. Đôi chân có rã rời nhưng vẫn bước đi đều. Vấn đề lớn nhất lúc đó là nhịp thở. Không khí loãng, mình phải quấn khăn trước mũi để giảm bớt độ lạnh khi hít vào.

Giây phút đó, lần đầu tiên mình hoài nghi về lựa chọn đến Tilicho: Liệu có đáng? Rồi mình nhìn quanh, nhiều người ở trên và cũng còn nhiều người ở dưới phía sau. Họ cũng đang mệt. Họ cũng đang cố gắng. Và họ luôn bước đều. Phía xa là 2 vợ chồng già. Họ chậm hơn và vẫn đang đi từng bước.

Hồ Tilicho được vây quanh bởi dãy núi đá xám. Đứng cạnh đỉnh Tilicho Peak tuyết phủ trắng xóa quanh năm, cái màu xanh ngắt của hồ trở nên nổi bật và làm thỏa mãn tột độ những kẻ vừa dò dẫm từng bước đến đây.

Ai cũng tỏ ra phấn khích, trầm trồ, sung sướng, thành quả của tạo hóa mà cứ như kiệt tác của chính mình vừa làm ra. Và mình thề, chỉ ở nơi đó mới có ly trà gừng mật ong nóng ngon nhất trên đời.

Hồ Tilicho – Tilicho Base Camp – Shree Khara: Khoảng 11h, mình bắt đầu quay trở về Tilicho Base Camp. Hành trình hôm nay dài hơn mọi ngày vì phải trở lại Shree Khara trong buổi chiều. Mình chỉ việc đi xuống nên tâm trạng thoải mái hơn hẳn.

Nếu như tốn khoảng 3 tiếng rưỡi để leo lên thì khi xuống mình chỉ mất 1 tiếng 45 phút. Trên đường đi, lần đầu tiên Kurma phải đuổi theo mình và 2 người còn lại thì mất hút phía sau.

Ăn trưa ở Tilicho Base Camp xong, chúng mình lại theo con đường nguy hiểm để về Shree Khara. Qua mỗi lần đá lăn, trượt và những lượt người đi qua, con đường lại có dáng vẻ mới. Tốc độ đi thần tốc của mình vẫn được duy trì trong buổi chiều.

Trở về, mình mới để ý thung lũng phía dưới với các lùm cây xanh đỏ. Trong phút chốc thẫn thờ, mình ngồi im không động đậy khoảng 30 phút cho đến khi cái lạnh ngấm vào người mới chịu chui vào phòng.

Hôm ấy tự nhiên mình quyết định chỉ nghe nhạc Việt, vừa nghe vừa hát theo như lâu rồi không được nghêu ngao, đến bài Ba kể con nghe, tự nhiên nằm khóc thút thít. Thấy mệt, thấy nhớ nhà, nhớ quê, tủi thân…

Shree Khara – Yak Khara: Đó là 1 ngày thu rực rỡ, lãng mạn, phiêu bồng làm Mai mê mải, say sưa. Băng qua các triền núi với các bụi cây xanh, đỏ, tím, vàng, thỉnh thoảng mình lại thấy đàn cừu nhởn nhơ, những ngôi nhà đổ và thành quách bỏ hoang. 

Không dưới 100 lần Mai đã giãy ra như muốn ăn vạ: I just wanna stay here forever. This is my kingdom! (Tôi chỉ muốn ở đây mãi mãi. Đây là vương quốc của tôi!).

Ledar – Thorong High – Muktinath – Thorong La

Đến Thorong High có phải với tay là chạm đến trời?

Ledar – Thorong High (4.600 m): Bắt đầu tiến dần đến Thorong La, độ khó của đường đi ngày càng tăng dần. Ở Ledar, trưa đó trời nắng chang chang, mình hí hửng mang áo khoác ra giặt, ai dè phơi rồi nó bị đóng băng.

Cơn sốt và đau đầu lại kéo đến sau khi cập bến Thorong High. Vừa nằm mê man, mình vừa cầu nguyện cho khỏe lại vào sáng mai. Khoảng hơn 4h, mọi người gọi dậy, bảo lên kia đẹp lắm. Làm thêm viên thuốc, mình gắng gượng bò khỏi giường và đi theo.

Ra ngoài lạnh nhưng mình thấy thoải mái hơn nhiều. Cảm giác ốm đau bỗng đâu bay biến. Mai lại ngụp lặn trong cái hùng vĩ của núi đồi ở độ cao trên 4.000 m và chờ cơm tối.

Thorong High – Muktinath: Ngày cuối cùng của hành trình dài nhất, cao nhất, lạnh nhất và cần khởi hành sớm nhất. Nếu muộn hơn, gió to có thể gây ít nhiều ảnh hưởng khi lên đến độ cao trên 5.000 m.

Bữa sáng cho ngày đặc biệt này là 2 quả trứng luộc, súp nấm và thứ nước chanh mật ong thần thánh. Mình làm gì có sự lựa chọn nào khác khi phải ăn vào lúc 3-4h sáng để lấy sức đi.

Nhung sac mau tuyet dieu tren hanh trinh Himalaya hinh anh 57
Bữa sáng cho ngày đặc biệt.

Sau khi nai nịt cẩn thận, đảm bảo không hở chỗ nào trừ đôi mắt, khoác balo lên, đeo đèn pin rọi trên đầu, mình cùng các đoàn khác xuất phát và mất hút dần trong màn đêm heo hút, băng giá của Himalaya…

Muktinath – Thorong La (5.416 m): 7h sáng tại độ cao 5.416 m, chúng mình nhảy cẫng lên sung sướng khi đập vào mắt là những lá cờ rực rỡ quen thuộc. Quên hết cảm giác nhức chân, tê tay, khó thở và nước mũi chảy ròng ròng, mình nhanh chóng xếp hàng chờ đến lượt đứng trước tấm biển “Congratulation for the sucsess”.

Tấm ảnh chụp ở đây giống như một chiến tích tự hào với mọi người khi đến đây. Người ta đứng im. Người ta nhảy lên. Người ta ngồi xuống. Người ta chạm vào. Người ta ôm nhau. Người ta hớn hở…

Một bác lôi ra từ balo tấm ảnh, chắc là của người vợ rồi cầm trước ngực. Phía trước bác, một người lạ rất cẩn thận, căn những góc chụp đẹp nhất.

Mình chợt thấy nắng ấm, thấy gió nhẹ, thấy cốc trà nóng thơm lừng trong lòng bàn tay đã thôi run rẩy…

Thorong La, Mai đã đến đây.

Nguồn: News.zing.vn