Người H’Mông có tục vỗ mông ngày Tết còn người Pà Thẻn tại Hà Giang thì thờ chén nước để cầu may mắn, bình an.
Nhiều phong tục của người dân tộc miền núi phía Bắc được thực hiện để cầu may mắn và những điều tốt lành trong năm mới.
Vỗ mông ngày Tết
Cùng với nhiều hoạt động như thổi khèn, ném pao, hát giao duyên thì tục “vỗ mông” cũng được người H’Mông chưa có gia đình thực hiện trong những dịp Tết. Nếu như trước đây, đồng bào H’Mông sẽ đón Tết sớm hơn một tháng thì vài năm trở lại đây, họ đã bắt đầu ăn Tết giống lịch của người Kinh.
Tục vỗ mông là nét đẹp văn hóa lâu đời của người H’Mông. Ảnh: Baohagiang. |
Đây cũng là một trong những hình thức để tìm vợ tìm chồng của người dân tộc này. Theo đó, vào những ngày mùa xuân, các chàng trai cô gái đồng bào sẽ diện trang phục đẹp để đi chơi. Khi họ bắt được “sóng” của nhau, cô gái sẽ tách khỏi đám đông chờ đợi chàng trai đến vỗ mông. Nếu ưng thuận, cô gái sẽ vỗ lại.
Cứ như vậy, đôi trai gái vừa đi chơi vừa vỗ qua vỗ lại cho đến khi đủ 9 lần rồi đợi đến ngày se duyên. Hình thức có vẻ táo bạo và bất ngờ nhưng là một trong những nét văn hóa độc đáo của người H’Mông trong dịp đầu năm.
Đi ăn trộm lấy may
Vào dịp năm mới, người Lô Lô cho rằng, nếu mang được thứ gì đó về nhà thì cũng sẽ mang về niềm vui, may mắn, bình an. Vì vậy mà họ đi “ăn trộm”. Nếu không may bị phát hiện, người đi trộm sẽ bị phạt uống rượu với chủ nhà cả đêm.
Hành động diễn ra vào đúng thời khắc bước sang năm mới. Họ chỉ lấy những món đồ không mang nhiều giá trị như thanh củi, củ gừng, củ hành, củ tỏi… Tuy nhiên, người Lô Lô sẽ trộm cho đủ số 12 vì đây là con số may mắn ứng với 12 tháng trong một năm.
Xem bói gan lợn thiến
Thịt lợn là vật phẩm bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Hà Nhì. Những con lợn được chọn để mổ là giống đực. Chúng sẽ bị thiến từ đầu năm để vỗ béo.
Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình dân tộc này đều mổ lợn để ăn mừng năm mới. Khi mổ, người Hà Nhì sẽ giữ lại lá gan để xem bói giống như một số người Kinh xem bói bằng chân gà.
Tục xem bói gan lợn đầu năm của người Hà Nhì. Ảnh: Đ. Loan. |
Lá gan mang lại sự sung túc, ấm no cho gia đình là lá gan có hình thù còn lành lặn, căng bóng, có màu sắc đẹp và không có đốm lạ bất thường. Điều này còn giúp họ có niềm tin vào một năm chăn nuôi phát triển, gia đình thuận hòa.
Thờ chén nước
Trên mỗi bàn thờ của đồng bào Pà Thẻn ở Hà Giang đều có một chén nước lã dùng để thờ cúng quanh năm. Chén nước này phải được đậy kín và không được để cạn.
Vào đêm 30 tháng Chạp, các gia đình Pà Thẻn đều phải đóng kín tất cả cửa hoặc lỗ thông khí. Trong lúc này, người trong gia đình sẽ bí mật chuẩn bị một nồi cháo gà để cả nhà cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ sẽ được phép lấy chén nước trên bàn thờ xuống, cọ rửa và thay mới. Sau đó, nghi thức cúng giao thừa mới bắt đầu.
Chén nước này mỗi năm được tiếp thêm nước một lần vào tháng 6. Tục này được làm bí mật trong mỗi gia đình, vì người Pà Thẻn cho tin rằng nếu việc làm trên bị ai đó nhìn thấy thì cả gia đình sẽ gặp xui xẻo trong năm mới.
Người Pà Thẻn chủ yếu tập trung sinh sống ven suối, thung lũng hoặc triền thấp. Dân số người dân tộc này tập trung ở một số xã tại Hà Giang và Tuyên Quang.
Gọi trâu về
Người Mường ở Hòa Bình tin rằng, việc gọi trâu về sau giao thừa là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã giúp đỡ gia chủ cấy cày trong năm cũ.
Từ nhiều ngày trước Tết, người Mường đã chuẩn bị sẵn mõ, đuốc để gọi trâu về ăn Tết. Ảnh: Bình Minh. |
Ngoài trả công trâu, người Mường còn treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết. Họ cho rằng, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên ruộng đồng.
Nguồn: Vnexpress.net