Những nguyên tắc an toàn cần nhớ khi đi tắm biển dịp lễ 30/4 – 1/5

0
8
Những nguyên tắc an toàn cần nhớ khi đi tắm biển dịp lễ 30/4 - 1/5

Du lịch biển là nơi được nhiều gia đình lựa chọn trong kỳ nghỉ hè oi bức, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Sau đây là một số lưu ý, các bạn có thể tham khảo để được an toàn khi đi tắm biển.

Không bơi vào các dòng chảy xa bờ

Trong các dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, mỗi ngày bãi tắm biển có hàng nghìn người đến tham quan, tắm biển. 

Nắng, gió và sóng biển, không khí trong lành đem lại cho du khách sự sảng khoái cùng những kỷ niệm khó quên. Bên cạnh đó nước biển có tác dụng rất tốt cho việc cải thiện mạch máu, giảm huyết áp, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể; hỗ trợ và điều trị bệnh thấp khớp và chấn thương.

Tuy nhiên, rất nhiều rủi ro có thể gặp phải khi đi tắm biển, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Một trong số đó là “dòng chảy xa bờ”. Vì vậy, bạn có ý định đi chơi biển thì tham khảo ngay những điều dưới đây.

Có rất nhiều người khi đi biển thường chọn bơi vào vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng đây chính là “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ chết đuối thương tâm. Nhiều người chết đuối vì nhìn thấy dấu hiệu này nhưng không bỏ chạy.

Những nguyên tắc an toàn cần nhớ khi đi tắm biển dịp lễ 30/4 - 1/5
Dòng chảy xa bờ (rip current) luôn được coi là “tử thần giấu mặt” của biển cả. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường phẳng lặng, ít sóng nên nhiều người tưởng rằng đó là nơi an toàn và di chuyển tới đó. Thế nhưng khi bơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta có thể bị cuốn trôi ra xa.

Vậy dòng chảy xa bờ là gì?

Là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi thẳng ra biển, khi đó dòng nước này sẽ hình thành dòng chảy xa bờ.

Những nguyên tắc an toàn cần nhớ khi đi tắm biển dịp lễ 30/4 - 1/5
Cách nhận biết dòng chảy xa bờ.

Trong một thí nghiệm, người ta rắc chất màu sát bờ biển và quan sát thấy chất màu bị kéo ra xa bờ. Điều này chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Bên cạnh đó chúng ta cũng thấy rằng nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng. Đây là điều chúng ta cần lưu ý nhất về dòng chảy xa bờ để tránh gặp rùi ro.

Dòng chảy xa bờ là nguyên nhân dẫn đến 80% các trường hợp đuối nước trên biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/s cho đến 2,5 m/s, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.

Tuy nhiên, do dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m, nhiều người bơi thành thạo có thể dễ dàng thoát ra bằng cách bơi vuông góc với dòng chảy và song song với bờ biển. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết tới thủ thuật trên, và thực tế nhiều người có thể bị vắt kiệt sức lực khi cố hết sức vùng vẫy bơi ngược dòng chảy.

Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to.

Vào những ngày sóng không lớn, sóng nhỏ, người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ. Tuy nhiên khi di chuyển vào chỗ lặng sóng, chúng ta vô tình rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng chảy này sẽ ngay lập tức kéo chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển.

Có 3 loại dòng chảy xa bờ:

– Dòng ngược tức thì (Flash Rip Current): Dòng chảy hình thành, biến mất nhanh chóng do mực nước biển giảm và sóng tăng cao đột ngột.

– Dòng ngược cố định (Fixed Rip Current): Hình thành do nước biển bị chắn bởi 2 đường cát, có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

– Dòng ngược vĩnh cửu (Permanent Rip Current) hình thành do địa hình vùng biển. Ở vùng biển có nhiều san hô, dòng chảy này có thể tồn tại vĩnh viễn.

Làm thế nào để nhận biết dòng chảy xa bờ?

Dòng chảy xa bờ có một số dấu hiệu đặc trưng mà nếu quan sát cẩn thận, các nhân viên cứu hộ và người đi biển có thể dễ dàng nhận ra. Do vậy, trước khi xuống biển, chúng ta nên đứng từ trên cao và dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ trên bờ biển mà chúng ta sắp xuống tắm.

– Dòng chảy xa bờ có mặt nước phẳng lặng hơn và ít sóng hơn. Nếu di chuyển vào chỗ lặng sóng thì chúng ta sẽ rơi vào dòng chảy xa bờ. Ngược lại, nơi biển có sóng bạc đầu thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ.

– Dòng chảy xa bờ có màu khác biệt so với vùng nước xung quanh, thường là sậm màu hơn và đục hơn tùy theo góc chiếu của ánh mặt trời.

– Đôi khi chúng ta có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy cuốn ra xa bờ và trôi ra biển. Trong khi đó, sóng bạc đầu sẽ đẩy các mảnh vỡ này vào bờ biển.

Kỹ năng thoát hiểm nếu rơi vào dòng chảy xa bờ

Điều quan trọng khi bị rơi vào dòng chảy ra bờ là phải tuyệt đối giữ bình tĩnh. Nếu hoảng loạn, bạn sẽ không còn khả năng phán đoán chính xác.

Bên cạnh đó, bạn cần phải lưu ý không bơi ngược dòng nước. Nhiều trường hợp người bị nạn quá hoảng loạn và cố gắng bơi ngược dòng nước để vào bờ, do đó dẫn đến kiệt sức và đuối nước.

Nếu là người bơi giỏi, thì thay vì cố bơi ngược dòng, bạn hãy tìm cách bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy bởi đó là cách giúp chúng ta hướng đến chỗ có sóng bạc đầu. Sau khi đã thoát khỏi dòng xoáy, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.

Những nguyên tắc an toàn cần nhớ khi đi tắm biển dịp lễ 30/4 - 1/5
Bơi song song với bờ biển khi bơi vào dòng chảy xa bờ

Nếu là người bơi yếu thì bạn hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, đồng thời giữ bình tĩnh và thả nổi để giữ sức. Ước lượng thấy dòng chảy xa bờ yếu đi thì bạn hãy cố gắng bơi song song với bờ biển để tới khu vực có sóng bạc đầu như đã đề cập ở phần trên.

Tuy vậy, để phòng ngữa rủi ro bất trắc có thể ập đến bất kỳ lúc nào, bạn nên tắm biển ở những nơi có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và được chứng nhận an toàn. Bên cạnh đó, cần quan sát các biển chỉ báo an toàn và trao đổi với các nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển sắp xuống tắm.

Nhật Lê (tổng hợp)

Nguồn: Vietnamnet.vn