Nằm ở vùng biển Ấn Độ Dương, đảo Bali có “đặc sản” là cảnh mặt trời đỏ rực tà tà lặn dần xuống mặt biển sâu với rất nhiều góc ngắm gây choáng ngợp.
NHỮNG NGÀY ĐUỔI BẮT MẶT TRỜI LẶN Ở BALI
Nằm ở vùng biển Ấn Độ Dương, đảo Bali có “đặc sản” là cảnh mặt trời đỏ rực tà tà lặn dần xuống mặt biển sâu với rất nhiều góc ngắm gây choáng ngợp. Đắt giá là khoảnh khắc ấy thường chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 phút mỗi ngày.
Bali có 2 mùa mưa và khô rõ ràng như những hòn đảo nhiệt đới khác. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nên dịp này thấp điểm du lịch, thuận lợi hơn cho những người yêu thích du ngoạn ở những nơi vắng người, không phải chịu cảnh chen lấn. Những hình ảnh của dịp trái mùa dưới đây cho thấy vì sao Bali được coi là thiên đường du lịch của châu Á.
Săn mặt trời lặn ở đền Tanah Lot nằm trên mặt nước biển
Tanah Lot là ngôi đền nổi tiếng nhất Bali bởi có vị trí hết sức độc đáo, nằm trên một tảng đá lớn nổi cao giữa mặt biển. Ban ngày, khi nước biển dâng cao, đền nằm hoàn toàn tách biệt giữa biển khơi, chỉ có thể từ xa ngắm vọng. Từng đợt sóng tung bọt trắng xóa đập liên hồi vào các vách đá càng khiến nơi đây có chút gì đó kỳ bí và dữ dội.
Truyền thuyền kể lại vào năm 1546, một tu sĩ người Ấn tên Danghyang Nirartha lang thang đến vùng đất Bali. Thấy được vẻ đẹp ở vùng đất này, ông đã thuyết phục người dân xây dựng nên ngôi đền để truyền bá đạo Hindu. Cũng từ đó, Tanah Lot đã trở thành điểm đến của các tín đồ đạo Hindu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Người dân trên hòn đảo tin rằng vị thần bảo vệ của ngôi đền này chính là con cháu của thần rắn Basuki. Những con rắn sẽ luôn bảo vể ngôi đền khỏi các linh hồn ác quỷ cũng như kẻ xấu muốn xâm phạm chốn linh thiêng này.
Buổi chiều là thời điểm đông khách du lịch đổ tới Tanah Lot nhất bởi thời điểm này, thủy triều sẽ rút, để lộ một con đường nhỏ có thể đi bộ dẫn vào cổng đền. Nhiều người cũng chọn khung giờ này để ngắm, chụp lại khung cảnh mặt trời đỏ rực tỏa sáng trên bầu trời. Thế nhưng, chỉ trong 5 phút chớp mắt, khung cảnh như đã lặn chìm xuống đáy biển khơi.
Điểm ngắm cảnh tượng này đẹp nhất là dãy quán cà phê tọa lạc trên một ngọn đồi cao sát vách biển. Khi tôi trèo lên tới đây là tầm 17h, các quán hầu như đều chật kín khách du lịch đến từ Australia, Phần Lan, Malaysia… Có vẻ như uống nước chỉ là phụ, khi ai nấy đều lăm lăm máy ảnh, điện thoại, tripod sẵn sàng ghi lại “khoảnh khắc vàng”. Quả thực đây chính là những giây phút chờ đợi đáng giá.
Đường dẫn vào đền Tanah Lot phải đi qua một loạt dãy hàng bán đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ uống fast food. Nếu tới đây vào buổi sáng hay đầu giờ chiều, du khách nên tranh thủ dạo quanh một vòng. Có khá nhiều món đồ lưu niệm xinh xắn và hợp túi tiền với khách du lịch như một chiếc đàn gỗ tính ra tiền Việt chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng.
Từ phía xa, du khách dễ dàng nhìn thấy ngôi đền ngự trị trên một tảng đá lớn nằm giữa biển nước trong xanh, gần như cách biệt hoàn toàn với đất liền, tồn tại qua nhiều thế kỷ. Cả ngày lẫn đêm, những con sóng liên tục va vào hòn đảo bắn lên trắng xóa, tạo cảm giác thích thú cho nhiều người, trẻ em cũng tỏ ra khoái chí.
Ngắm hoàng hôn tại đền Uluwatu và xem show Kecak dance
Đền Uluwatu có tên gọi đầy đủ là Pura Luhur Uluwatu, được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, nằm cách thị trấn trung tâm Kuta chừng 50 km. Ngôi đền chính nằm chênh vênh trên vách núi đá cao gần 100 m so với mặt nước biển, được chạm khắc từ đá san hô đen, mang nét đặc trưng kiến trúc của Bali với các tầng mái lợp lá cọ đen nhánh chồng xếp lên nhau.
Vào buổi chiều, đặc biệt là thời điểm mặt trời sắp lặn, nơi đây đông nghẹt người. Các vị trí sát mép bờ vực không còn một chỗ trống. Hàng nghìn du khách từ các nước khi tham quan địa danh này đều đổ ra đây ngắm mặt trời lặn. Giống như các ngôi đền khác ở Bali, mọi khách đều phải mặc lịch sự và quấn sarong theo phong tục địa phương khi qua cổng.
Uluwatu nằm trong rừng sát biển. Đứng giữa khoảng không gian bao la xanh mát, ngắm những con sóng dội vào các vách đá và cùng theo dõi mặt trời từ từ khuất dần phía ngoài khơi tại đây là trải nghiệm tuyệt vời.
Đặc biệt, đây cũng là nơi nổi tiếng có nhiều khỉ, những con khỉ ở đây rất nghịch ngợm bởi quen với khách du lịch. Những món đồ xách tay hay điện thoại nếu không cẩn thận du khách sẽ bị khỉ giật rồi chạy mất.
Ngay tại đền Uluwatu, du khách được xem một vở kịch múa dân gian xây dựng trên cơ sở truyền thuyết Ramayana của đạo Hindu có tên gọi Kecak. Show diễn kể về một hoàng tử Rama vào rừng săn hươu vàng. Vợ chàng là công chúa Sita ở nhà bị quỷ Rawana bắt cóc. Nhờ sự giúp đỡ của thần linh, hoàng tử đã đánh thắng quỷ Rawana và đưa Sita trở về Kecak.
Trong một vòng tròn sân khấu và khán đài nhỏ ven biển, 50 người đàn ông mình trần quấn sarong ngồi xếp vòng tròn chia thành hai bên cánh quay lưng lại khán giả tự tạo nên dàn nhạc từ miệng của mình. Toàn bộ những gì tạo nên vở kịch, từ giai điệu, âm thanh đều do dàn đồng ca này tạo nên. Khi cần, họ trở thành bầy khỉ, thành làn sóng biển, thành lửa, rừng cây… tất cả do những cử động uyển chuyển từ đôi tay và thân hình những ca sĩ, nhạc công kiêm vũ công.
Âm nhạc được các vũ công tạo ra từ giọng hát theo các bè trầm bổng, bằng những âm thanh vỗ nhịp tay, hoặc dùng tay vỗ vào đùi, ngực, bụng tạo nên những tiếng động khác nhau. Sân khấu không có ánh sáng từ những bóng đèn điện, ngoại trừ hai bóng đèn nhỏ hỗ trợ ở góc khuất. Toàn bộ vở diễn diễn ra dưới ánh sáng của lửa. Thỉnh thoảng, một số diễn viên lên mời khán giả xuống diễn cùng và đùa vui đem lại những tràng cười sảng khoái. Chẳng cần hiểu tiếng địa phương, tìm hiểu trước về vở kịch và xem các diễn viên biểu diễn bằng hành động đủ để cảm thấy đây là một show diễn thú vị.
Vở diễn kéo dài khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, từ lúc mặt trời bắt đầu xuống dần cho tới khi màn đêm bao phủ. Hấp dẫn nhất là khi các diễn viên trong vai quỷ và thần linh thực hiện màn nhảy múa trên đống lửa giữa sân khấu. Họ bước chân trần và lăn lộn qua đống lửa. Dù được đánh giá là không ăn thua gì so với người Pà Thẻn ở Việt Nam nhảy lửa nhưng đối với các du khách châu Âu, đây là tiết mục vẫn rất được thán phục.
Chơi xích đu kiểu Bali ở ruộng bậc thang Tegalalang
Ruộng bậc thang Tegalalang ở Ubud nổi tiếng với khung cảnh của những cánh đồng lúa được xây theo kiểu subak – một loại kỹ thuật canh tác ruộng đất của Bali. Tegalalang được đánh giá là một trong ba ruộng bậc thang đẹp nhất tại Ubud, có bề dày lịch sử hơn 2.000 năm. Không có độ cao hùng vĩ như Hoàng Su Phì ở Việt Nam nhưng điểm nhấn ở đây là những con đường đất được đắp men theo xuyên suốt các thửa ruộng và khách du lịch có thể đi dạo dọc theo những con đường quanh co uốn lượn, cảm nhận hơi thở xanh mát, trong lành.
Đây cũng là một trong những điểm thể hiện rất rõ “chất” kinh doanh du lịch tài tình của người Bali, khi nhiều hoạt động “sống ảo” mà ta thường thấy qua các bức hình giới thiệu về Bali đều xuất hiện. Nào là xích đu bay giữa không trung, tổ chim, zipline, đạp xe thăng bằng trên không… tất cả đều có ở đây.
Trò chơi xích đu có hai dạng là đu đôi (hai người trên một băng ghế) và đu đơn. Với mỗi lần chơi tầm mười phút, du khách được trải nghiệm hai lượt gồm hai tư thế hướng mặt vào trong và quay ra ngoài. Đẩy xích đu là những thanh niên khoẻ mạnh, họ dùng hết sức mình để làm sao chiếc xích đu bật lên không trung cao nhất có thể. Ngồi bên trên, ban đầu người chơi có cảm giác mình như bị bắn ra lao xuống vực từ trên bờ, nhưng khi trấn tĩnh lại thì đó là những giây phút khá thú vị. Nó không giống bất kỳ trò chơi cảm giác mạnh nào khác trên thế giới.
Đoàn chúng tôi lúc đầu ai nấy đều thích thú xếp hàng lần lượt chờ tới lượt chơi, nhưng khi ngồi lên, một vài người đã hét toáng tỏ ra sợ hãi, mắt nhắm chặt. Điều làm người chơi e ngại là những chiếc xích đu này trừ một đầu néo vào cột trụ, đầu dây còn lại được cột vào thân cây dừa. Cảm giác có chút phiêu lưu nhè nhẹ vẫn đọng lại trong lòng mỗi người.
Mỗi ngày, những chiếc xích đu ở đây vẫn có hàng trăm người leo lên chơi, trong đó phần lớn là du khách quốc tế. Giá cho vé xích đu đơn là 250 rupiah, đôi là 350 rupiah, tương đương 500.000-700.000 đồng tiền Việt. Các chị em gái cần “đầu tư” để có một tấm hình đẹp có thể thuê trang phục váy dài ngay tại cổng vào với khá nhiều kiểu dáng gợi cảm và gam màu hút mắt. Chi phí tầm 200 rupiah cho một lần thuê đồ và có thể yêu cầu đổi kiểu nếu bộ đang mặc thử chưa ưng ý.
Đắm mình vào nắng gió trên đảo Nusa Lembongan
Được mệnh danh là quốc gia vạn đảo, việc đi tàu khám phá một hòn đảo của Bali (Indonesia) là việc cần thiết phải đưa vào lịch trình. Bali có một cụm đảo Nusa gồm có 3 đảo nhỏ và vừa là Nusa Penida, Nusa Lembongan (lớn thứ 2) và Nusa Ceningan nằm ngoài khơi bờ biển phía đông Bali.
Phương tiện mà chúng tôi khởi hành là một du thuyền lớn có sức chứa hơn 100 người. Sau 60 phút ngắm cảnh, thưởng thức nắng gió trên boong tàu, nghe biểu diễn nhạc sống với những giai điệu sôi động, cuối cùng, hòn đảo nhiệt đới có vẻ đẹp quyến rũ, thanh bình cũng hiện ra trước mắt.
Lembongan nhìn từ trên cao mới thấy rất nhiều khu resort. Nó thực sự hợp với nghỉ dưỡng hơn là khám phá. Ở đây cũng có nhiều dịch vụ trò chơi biển như những hòn đảo khác, nhưng trò được ưa chuộng và phổ biến là đi thuyền chuối có ca-nô kéo như ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), chỉ khác là thuyền ở đây ngắn hơn, chở ít người hơn và sau khi chơi xong về đến gần bờ người lái không cố tình hất du khách lật nhào xuống nước như ở Cát Bà. Tốc độ của thuyền chuối Lembongan khá cao, đạt tới 60-70 km/h. Lần lượt từng nhóm khách Tây ngồi lên trải nghiệm cảm giác mạnh, lượn nhiều vòng. Đứng từ trên cao mới thấy từng đoàn thuyền lao vun vút tạo nên những vệt sóng vẽ hình trên mặt biển khá đẹp mắt.
Khác xa với khu trung tâm Denpasar của Bali, Nusa Lembongan yên tĩnh hơn. Nơi đây có nhiều sinh vật biển đa dạng sinh sống, có nhiều rạn san hô đầy màu sắc, chủng loại tha hồ cho du khách lặn biển trải nghiệm. Nhìn từ trên cao, hòa lẫn với màu xanh ngọc bích của nước biển là màu đen chìm dưới đáy của rêu và những rạn san hô kỳ thú.
Đoàn chúng tôi lựa chọn ăn trưa buffet hải sản nướng ngay trên đảo. Các món ăn được mọi người gắp đặt vào một chiếc đĩa mây, lót lớp lá chuối bên trên trông vô cùng thân thiện với thiên nhiên. Những ly nước cam được bưng ra để chào đón đoàn khi vừa đặt chân đến đảo cũng được mọi người đem ra chụp hình “sống ảo”.
Trong bữa ăn trưa, nhóm nhạc sống trên tàu giờ lại qua từng bàn biểu diễn ca khúc đặc trưng theo từng quốc gia của nhóm du khách. Họ có sự nhận diện và để ý các nhóm khách quá tốt. Tại bàn chúng tôi, họ đánh lên giai điệu vui tươi của bài hát “Sài Gòn đẹp lắm”, “Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”… khiến ai nấy trong bàn đều lắc lư, tay gõ nhịp và ngân nga hát theo.
Nguồn: News.zing.vn