Trong một số lễ hội tại Việt Nam, người dân thường tổ chức chém lợn hay đâm trâu để tạ ơn trời và thần linh đã ban phát cho mùa màng tốt tươi.
Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh
Thường vào ngày 6 Tết hàng năm, người dân ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đổ về sân đình để chứng kiến lễ rước và chém lợn tế thần truyền thống dịp đầu xuân.
Tục truyền có một vị tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hàng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất.
Vào ngày này, người dân chọn hai con lợn và người chủ nuôi hợp tuổi, có gia cảnh tốt để giao nhiệm vụ chăn nuôi, chờ đến ngày tế lễ. Do tôn thờ ngày lễ long trọng này, người dân gọi là hai “ông ỉn” và được nhốt trong cũi hồng rước đi vòng quanh làng với các phường trống, kèn, cờ, táng lọng cùng các đội múa, đội tế lễ, đội dâng hương… Khi đoàn tế lễ đi qua, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức.
Ông ỉn được diễu khắp làng trước khi đưa về sân đình làm lễ tế. Ảnh: Hoàng Hà |
Sau màn “trình diễn” khắp làng, lễ rước trở lại sân đình. Vị Tướng làm lễ phất cờ, hai đao thủ được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi ra tay chém hai “ông ỉn” tế thánh. Hai chú lợn nhanh chóng bị chém đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia lễ hội.
Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu… Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân hoặc du khách tranh nhau sờ vào tiết lợn dây đầy trên sân để cầu may. Lợn tế thánh được chia cho mọi người trong làng với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc.
Lễ hội chọi trâu Hải Phòng
Hàng năm, vào ngày 8 tháng 9 âm lịch, người dân ở khắp nơi lại nô nức kéo về Đồ Sơn, Hải Phòng để xem chọi trâu. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn.
Từ trước đó một năm, người nuôi trâu phải lựa chọn những con trâu to khỏe và nuôi dưỡng, chăm sóc rất công phu để chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu. Trâu chọi phải được nuôi ở chuồng riêng, tách biệt và kín đáo. Đặc biệt, trâu chọi không bao giờ được nhìn thấy trâu nhà, cốt là để khôi phục bản năng hoang dã, đơn độc. Sân đấu thường là một bãi đất rộng, với hàng nghìn người theo dõi.
Những con trâu lao vào nhau trong lễ hội chọi trâu 2013. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng |
Sau khi huấn luyện, con nào được chọn làm trâu chọi sẽ được gọi một cách tôn kính là “ông trâu”. Trước giờ thi đấu, trâu được dẫn ra sân để làm quen với không khí.
Mở đầu lễ hội là Lễ tế thần Điểm Tước (vị thủy thần và cũng là thành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn). Sau đó là phần hội chọi trâu. Tại sới chọi, trâu được dẫn ra có người che lọng và múa vờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng thoát ra ngoài sới. Hai trâu lao vào nhau thi đấu trong tiếng hò vang của hàng nghìn khán giả.
Kết thúc, trâu nào đoạt giải nhất sẽ được rước giải về đình làm Lễ tế thần. Theo quan niệm truyền thống, cuộc rước này phải có đông đủ người dân Đồ Sơn, kể cả chủ trâu thua cuộc. Việc làm này như biểu thị cho sự đoàn kết, vô tư, cùng đồng lòng, đồng sức. Theo tập tục, các trâu tham gia chọi, dù thắng hay thua đều phải giết thịt để cúng thần.
Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hóa tâm linh, tinh thần thượng võ, táo bạo và lòng quả cảm của người dân miền biển Đồ Sơn. Đây cũng là sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố Hải Phòng.
Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy, bà con dân tộc ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ hội đâm trâu nhằm tạ ơn giàng (trời), các vị thần đã cho mưa thuận gió hòa, phù hộ cho dân làng làm ăn được mùa, con cháu khoẻ mạnh. Lễ hội thường được tổ chức trước nhà rông, nhà cộng đồng, hoặc dưới một tán cổ thụ hay bãi đất trống trong buôn làng. Tiếng cồng chiêng tưng bừng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Bắt đầu khai hội thường vào giờ Sửu xế chiều. Các chàng trai trong làng chít khăn đỏ, mặc áo lễ “Blan” hoặc áo ló chui đầu, không tay, có thêu hoa văn sặc sỡ hai bên vạt áo, đóng khố trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh. Các sơn nữ mặc áo “Phia”, một kiểu áo lễ của nữ giới, váy hoa, đầu chít khăn trắng cùng ban cồng chiêng đứng bên già làng, còn gọi là “Riu Yang” (thầy cúng).
Một con trâu đực được lựa chọn cẩn thận từ trước đó, được dẫn ra buộc chặt vào cột Gưng (là một cây gỗ quý to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu). Sau lời phát biểu của già làng, chủ tế buổi lễ, cồng chiêng nổi lên và những nam thanh nữ tú cùng nhảy múa theo điệu nhạc.
Lễ hội đâm trâu của người Tây Nguyên được tái hiện tại Llàng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà |
Trong nhịp trống, cồng chiêng, những chàng trai bắt đầu đâm trâu. Sau đó, thịt trâu được xẻ đều cho từng nhà trong buôn làng, còn lại sẽ dùng để nấu cỗ ăn uống chung tại nhà rông. Đầu trâu được gác lên một cây cột, sáng hôm sau sẽ làm lễ rước đầu trâu lên nhà rông, cặp sừng sẽ được giữ lại và treo trên vách.
Trong suốt ngày và đêm này, mọi người sẽ nhảy múa theo tiếng chiêng. Ngoài ra còn có các hoạt động thi thố tài năng bằng đấu vật, đánh roi… để tranh giành bùa do già làng tặng. Theo suy nghĩ của người dân, sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội.
Anh Phương tổng hợp
Nguồn: Vnexpress.net