Tết Nguyên đán không phải là ngày mừng đón năm mới của nhiều dân tộc ở Việt Nam như Chăm, Khmer, Mông…
Nhiều dân tộc có ngày Tết riêng khác ngày Tết Nguyên đán người Việt Nam vẫn biết, bạn có thể tìm hiểu trên hành trình khám phá văn hóa dọc đất nước.
Tết của người Khmer
Người Khmer sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Trong năm, người Khmer có nhiều lễ hội, trong đó Chol Chnam Thmay là lễ mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer. Năm nay, ngày lễ này rơi vào 14-16/4, theo Dương lịch.
Chùa Dơi nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ảnh: Má Lúm. |
Họ cũng gói bánh chưng, bánh tét, đi lễ chùa, chúc tụng lẫn nhau trong dịp này. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông thường ngày đầu mọi người tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp và chọn giờ đẹp mang theo lễ vật vào chùa làm lễ rước lịch “Maha Sangkran”. Ngày thứ hai làm lễ dâng cơm cho các sư sãi và tổ chức lễ đắp núi cát, tượng trưng cho vũ trụ, mưa gió thuận hòa. Ngày cuối họ làm lễ tắm tượng Phật.
Ngày này nhiều trò vui cũng được tổ chức như đốt đèn trời, đánh quay lửa… Đêm xuống, trai gái trong phum, sóc tụ tập về sân chùa, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí, múa dù-kê, rô-băm, lâm-thôl…
Tết của người Chăm
Bình Thuận, Ninh Thuận và An Giang là những nơi tập trung đông cộng đồng người Chăm ở Việt Nam. Một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc này là tháp Chăm. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của họ, trong đó có hai lễ lớn nhất được coi như Tết là Păng-Katê và Păng-Chabư.
Người Chăm cúng lễ Katê trên tháp thiêng
Người Chăm cúng lễ Katê trên tháp thiêng. Video: Tư Huynh.
Lễ hội Păng-Katê cử hành vào ngày 1/7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 Dương lịch). Đây là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa nên tổ chức vào buổi sáng. Lễ hội Păng-Chabư cử hành vào ngày 16/9 theo lịch Chăm tức (khoảng tháng 2, tháng 3 Dương lịch). Tết này tổ chức lễ cúng hoàng hậu, công chúa Chăm nên tổ chức buổi chiều.
Theo tài liệu của bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), lễ đầu năm theo lịch Chăm gọi là Rija Nưgar, diễn ra trong 2 ngày. Sau lễ chung của làng, cũng có các gia đình về tổ chức đơn giản hơn ở nhà riêng, tương tự như các ngày Tết Nguyên đán của người Kinh.
Tết của người H’mông
Người H’mông tập trung sinh sống ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Họ ăn Tết năm mới truyền thống từ đầu tháng 12 âm lịch, thường sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng theo cách tính lịch cổ truyền của người H’mông, phù hợp với nông lịch truyền thống. Ba ngày đầu năm mới là những ngày Tết chính, bếp luôn được giữ đỏ lửa.
Những đứa trẻ người Mông say sưa với trò chơi quay, dưới tán những cây mận nở hoa chi chít. Ảnh: Giang Huy. |
Món nhất định phải có là bánh dày to, làm từ gạo nếp nương, tượng trưng cho Mặt trăng. Bên cạnh bàn thờ chính, người H’mông bày các công vụ lao động như cuốc, thuống, dao, rựa… đã dán giấy đỏ. Đây là cách gia chủ tri ân các công cụ lao động đã giúp họ một năm được mùa.
Các trò chơi truyền thống được tổ chức từ ngày 4 Tết, gồm đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… Mọi người sẽ mặc những bộ váy, áo đẹp nhất để đi chơi Tết. Không gian sinh hoạt chung của người H’mông khi đó sẽ không thể thiếu tiếng khèn.
Nguồn: Vnexpress.net