Danh sách sau đây sẽ đưa bạn dạo quanh các tỉnh miền Trung qua những món đặc sản hấp dẫn được nhiều du khách yêu thích.
1. Bánh canh cá lóc (Quảng Trị)
Chỉ với bánh canh, thịt cá lóc, chút hành ớt, người Quảng Trị đã làm nên một món ăn dân dã rất độc đáo, lại có tính hàn giúp giải nhiệt, phù hợp điều kiện sống quanh năm khô hạn của vùng đất này.
Sợi bánh canh làm từ bột gạo tẻ và bột gạo lứt nên có vị dai đặc trưng. Thịt cá lóc luộc chín, lóc xương, rim vàng ươm. Xương cá được tận dụng giã nhuyễn cho vào nồi nước dùng để tạo vị ngon ngọt tự nhiên. Hương vị của tô bánh canh bốc khói nghi ngút, thơm mùi hành, cay nồng ớt bột thật đậm đà khó quên.
Bánh canh cá lóc, Quảng Trị. Ảnh: Mun. |
2. Cơm hến (Huế)
Xưa kia, người ta làm cơm hến để tận dụng cơm canh còn lại của hôm trước. Thời vua Thành Thái, món ăn được tiến cung và dần trở thành đặc sản nổi tiếng của ẩm thực xứ kinh kỳ. Cơm hến đúng nghĩa phải dùng cơm nguội để qua đêm, nhằm giữ độ giòn của rau và hương thơm các loại gia vị.
Hến xào kèm măng khô và thịt ba chỉ cắt sợi. Rau sống là thân chuối hoặc bắp chuối xắt thật mảnh, trộn lẫn với môn, bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ. Nước luộc hến nóng hổi có thêm chút gừng giã nhuyễn, màu trắng đùng đục được chan vào. Cùng với ruốc sống, đậu phộng, mè rang, da heo chiên giòn, tóp mỡ và cả bánh tráng nướng bóp vụn, tất cả tạo nên món cơm hến trứ danh bao đời nay.
3. Bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da (Đà Nẵng)
Điểm đặc biệt nhất ở món ăn này là dùng loại thịt heo có hai đầu da. Thịt luộc vừa tới, trắng thơm, mỡ trong và da mềm không bị khô. Khi ăn, bạn đặt miếng bánh tráng phơi sương lên dĩa bánh ướt, vuốt nhẹ để miếng bánh ướt dính vào bánh tráng rồi mới cho vào rau sống các loại. Chén mắm nêm để chấm được thêm gừng, sả, ớt, chanh càng làm món ăn đậm đà hương vị khó quên. Bạn sẽ thấy người ta thường dọn lên bánh tráng mè nướng để ăn kèm cho vui với món đặc sản này.
4. Cao lầu (Hội An)
Cao lầu là một món ăn độc đáo từ tên gọi cho đến cách chế biến. Thành phần món ăn gồm sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, xá xíu ít nước xắt lát, rau sống và sốt lấy từ nước luộc thịt.
Sợi mì được làm công phu theo quy trình gạo thơm ngâm nước tro, lọc kỹ, xay, bòng, rã nước, nhồi, hấp nhiều lần rồi phơi khô. Khi ăn, mì được tráng qua nước sôi để giữ độ dai, giòn.
Vị sần sật của sợi mì tươi, giòn rụm của sợi mì cắt vuông chiên giòn hòa cùng vị mềm thơm của xá xíu và vị đa dạng của nhiều loại rau như húng lủi, rau đắng, cải con sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm ẩm thực vô cùng đặc biệt.
Cao lầu là đặc sản Hội An. Ảnh: Châu Ngọc. |
5. Cơm gà Tam Kỳ (Quảng Nam)
Cơm gà dùng loại gà thả vườn thịt chắc mềm, da giòn đem luộc chín rồi xé phay. Người ta dùng nước luộc gà nấu cơm nên hạt cơm thơm ngon hấp dẫn. Món cơm gà Tam Kỳ ăn kèm với rau răm, rau thơm, hành tím ngâm chua, đu đủ, nhất là không thể thiếu chén muối ớt chanh hay chén nước mắm pha tỏi ớt, chanh, đường vừa sánh vừa cay.
6. Bún chả cá Quy Nhơn (Bình Định)
Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của người dân phố biển Quy Nhơn. Tuy chỉ đơn giản là tô bún nước trong ăn kèm với chả cá, sức hấp dẫn của món này rất đáng kể.
Đó là vì chả cá được làm từ các loại cá tươi ngon như cá thu, cá mối, cá cờ… Nước dùng không phải nấu từ xương heo mà là từ xương cá, cho thêm hành tím, quả thơm nên trong veo, ngọt thơm không tanh.
Đặc biệt, khi ăn bún chả cá phải kèm với tương ớt và đủ loại rau gồm xà lách, giá, rau thơm, húng quế, bắp chuối, rau muống chẻ mới đúng điệu.
7. Bánh canh hẹ Phú Yên
Sợi bánh canh bột gạo mềm dai không bở, thịt cá giã nhuyễn, làm thành miếng to hấp chín rồi chiên vàng. Nước dùng nấu từ cá nên ngọt thanh.
Cũng là món bánh canh chả cá quen thuộc nhưng người Phú Yên đã tạo điểm nhấn cho món ăn bằng màu xanh cùng vị thơm nồng của hẹ. Tô bánh canh màu sắc hài hòa, lại dậy lên mùi thơm hấp dẫn khiến không thực khách nào có thể chối từ.
Đây là món ăn sáng quen thuộc mà du khách nhớ thử qua khi du lịch đến xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”.
Bánh canh hẹ, Phú Yên. Ảnh: Ngaht. |
8. Gỏi cá mai (Ninh Thuận)
Cá mai trông tương tự cá cơm, mình trơn, dẹp, có một lớp vẩy bạc bao quanh. Để thực hiện món gỏi cá mai, kỳ công nhất ở khâu rút xương và lấy giấy thấm thật khô từng con cá. Sau đó cá được làm tái chín bằng me, chanh hoặc giấm để thịt chuyển từ màu trắng trong sang trắng đục.
Tiếp đến, rắc lên cá một lớp thính, trộn cùng các loại rau như cà rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ, đậu phộng rang, rưới thêm chút nước mắm tỏi ớt.
Bạn sẽ khó thể chối từ món gỏi cá mai cuốn bánh tráng với xà lách, khế chua, dưa leo, chuối chát, rau thơm.
9. Lẩu thả (Phan Thiết)
Cá mai, cá suốt hoặc cá đục được lóc xương, nhúng qua nước cốt chanh rồi tẩm ướp gia vị. Cạnh dĩa cá là bẹ bắp chuối xếp cầu kỳ các nguyên liệu khác gồm thịt ba chỉ luộc, trứng chiên, xoài, dưa leo, khế, xà lách, rau thơm… cắt sợi nhỏ.
Nồi nước lẩu hòa quyện giữa xương hầm, tôm xay, cà chua chín đỏ. Khi ăn, bạn thả cá vào nước dùng cho chín mềm, gắp bún tươi vào tô, thêm các nguyên liệu khác vào.
Đặc biệt đừng quên chan thứ nước sốt độc đáo làm từ chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn để thưởng thức trọn vẹn món ăn đặc sắc này.
Nguồn: News.zing.vn