Thừa Thiên – Huế Những cây hoa rực rỡ xuất hiện khắp các nẻo đường ngoại ô, gợi vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất cố đô mỗi dịp xuân về.
Một gia đình nghệ nhân làm hoa giấy cho vụ Tết.
Nghề làm hoa giấy truyền thống tại làng Thanh Tiên có từ hơn 300 năm nay. Ngôi làng thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nằm dọc hạ lưu sông Hương, cách TP Huế khoảng 7 km.
Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên gồm có hoa lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ và tường vi. Điểm chót của cành hoa giấy Thanh Tiên là lá lúa, tượng trưng cho nghề làm nông đặc trưng tại địa phương. Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân địa phương hạ hoa giấy cũ xuống, đốt đi và sau đó thay thế hoa giấy mới.
Người dân vác những cây hoa giấy ra chợ lúc sáng sớm.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Trực (Huế) chia sẻ, qua bộ ảnh anh mong muốn giới thiệu một nét văn hoá tại địa phương, đồng thời mong muốn nghề truyền thống này được nhân rộng và lưu giữ.
Sản phẩm hoa giấy làng Thanh Tiên chuyên cung cấp cho người dân Huế để trang trí bàn thờ Trang Ông, Trang Bà, ông Táo trong nhà hoặc đình, miếu vào dịp Tết.
Hoa giấy tại đây có hai loại chính, một dùng để thờ cúng, có nhiều màu sắc, còn lại là sen giấy để trang trí và bán cho du khách. Hoa cúng được tiểu thương đến làng thu mua rồi đem bán khắp các chợ trong vùng.
Người dân vận chuyển những chồng hoa trên bến đò ngang Bao Vinh. Phía sau là dãy nhà cổ Bao Vinh, thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà.
Người Huế gọi nơi này là bến đò ngang bởi khách lên đò chỉ qua lại giữa Bao Vinh với làng Tiên Nộn, làng Sình hay làng Thanh Tiên ở bên kia sông.
Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Văn Trực
Nguồn: Vnexpress.net