Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của rất nhiều các đoàn làm phim nước ngoài. Những danh thắng ở Việt Nam vốn đã là siêu phẩm của thiên nhiên, qua kĩ thuật hậu kì của Hollywood càng trở nên lung linh, huyền bí, thật sự bắt mắt và cuốn hút.
Ninh Bình, Quảng Bình, Vịnh Hạ Long trong Kong: Skull Island
Ngay sau khi được công chiếu, non nước Việt Nam hiện lên qua từng thước phim đã nhận được không ngớt lời ca ngợi từ báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.
Jordan Vogt-Roberts – đạo diễn Kong: Skull Island cho rằng, bối cảnh Việt Nam hoàn hảo về mặt thẩm mỹ với phong cảnh đẹp và siêu thực. Anh nhận xét đó là vẻ đẹp mà khán giả chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh trước đây.
Kong: Skull Island được kỳ vọng quảng bá cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Tại Ninh Bình, có tới 3 địa danh: Tràng An, đầm Vân Long và Tam Cốc- Bích Động được lựa chọn làm bối cảnh trong bộ phim bom tấn.
Nằm cách Hà Nội chưa đầy 100 km về phía Nam, Tràng An bao gồm một hệ thống các di sản bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Trong Kong: Skull Island, Tràng An hiện lên với hình ảnh thung lũng bí ẩn với hệ thống núi đá vôi chằng chịt, một vùng đất còn hoang sơ, đẹp lạ.
Khung cảnh tuyệt vời ở Tam Cốc- Ninh Bình xuất hiện trong nhiều cảnh quay của bộ phim bom tấn.
Khung cảnh Tam Cốc nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa của đá và nước. Những khối núi đá vôi bị phong hóa và bào mòn tạo thành nhiều hình thù độc đáo, luôn đem đến cảm giác thích thú cho du khách.
Đầm Vân Long lại mang vẻ đẹp non nước hữu tình. Mặt đầm trong xanh, nhìn rõ những thảm rong rêu bắt mắt dưới đáy. Cùng với đó là các núi đá vôi hùng vĩ, phần lớn đã bị nước bào mòn thành hệ thống hang động kỳ ảo.
Cũng xuất hiện trong phim Kong với nhiều cảnh quay hoành tráng, vịnh Hạ Long đã gây được ấn tượng mạnh với khán giả với phong cảnh tuyệt đẹp của hàng nghìn đảo đá vôi hùng vĩ.
Cảnh núi non Việt Nam hùng vĩ càng làm bộ phim sống động, hấp dẫn hơn.
Vịnh Hạ Long là điểm quay đầu tiên khi đoàn làm phim đến Việt Nam. Danh thắng này là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới, là một địa danh được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới đến 2 lần. Hình ảnh biển trời xanh ngắt với vô vàng những hòn đảo đá vôi sừng sững giữa biển trời, ẩn sau đó là những hang động kỳ vĩ đã trở thành một hình ảnh quá đổi quen thuộc của Vịnh Hạ Long.
Quảng Bình nổi bật trong bộ phim Kong: Skull Island với khung cảnh hùng vĩ cùng những hệ thống hang động rộng lớn và những cánh rừng xanh mướt, bờ hiển hoang sơ.
Hang Én, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long trong phim Pan
Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích đã quen thuộc với hàng triệu trẻ em trên thế giới, bộ phim Pan nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả tại thời điểm ra mắt. Hang Én, Ninh Bình và vịnh Hạ Long được đoàn làm phim của hãng Warner Bros chọn làm nơi quay một số cảnh trong bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 150 triệu USD.
Trước khi bấm máy 1 năm, đoàn làm phim đã tới Việt Nam, thăm dò và sử dụng camera bay điều khiển cùng các loại máy quay tiên tiến khác để thu lại những góc độ đẹp nhất của ba kỳ quan này.
Thời lượng những thắng cảnh này xuất hiện trên phim khá dài và chân thực đủ để bất kỳ ai từng biết đến hay đặt chân tới ba địa danh trên đều sẽ nhận ra.
Trong phim, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng Hang Én, hang động lớn thứ 3 trên thế giới ở Quảng Bình, cảnh núi non xanh tươi ở Ninh Bình, và những hòn đảo đẹp như cổ tích ở Vịnh Hạ Long. Hang Én với những cột thạch nhũ huyền bí được chọn làm bối cảnh cho một đoạn khá dài, cho khán giả hình dung quy mô và độ lộng lẫy của hang động nổi tiếng này.
Hang Én xuất hiện trong nhiều cảnh quay của Pan.
Mặc dù Pan không thành công về mặt thương mại nhưng bộ phim đã góp phần quảng bá du lịch Việt Nam vô cùng hiệu quả.
Hà Nội, Hội An, Ninh Bình, Sài Gòn trong Người Mỹ Trầm Lặng
Chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên, Người Mỹ Trầm Lặng của đạo diễn nổi tiếng Phillip Noyce ra mắt năm 2002 và được coi là một trong những phim xuất sắc nhất về chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ trầm lặng đánh dấu cột mốc lịch sử lần đầu tiên một phim của Hollywood đến quay ở Việt Nam
Ngoài mối tình tay ba kịch tính giữa cô gái Việt và hai người đàn ông ngoại quốc cùng những chi tiết khá chân thực về giai đoạn Mỹ thay Pháp vào Việt Nam, phim còn gây ấn tượng ở những cảnh quay tuyệt đẹp, nên thơ. Khoảng 50% số cảnh trong phim được quay chính tại Việt Nam, với những bối cảnh trải dài từ Bắc vào Nam.
Bộ phim đã mang lại thành công cho nam diễn viên chính Michael Caine với đề cử ở cả Oscar lẫn BAFTA, và hình ảnh Việt Nam trên phim được mang đến cho người xem một cách sống động và chân thực.
Đạo diễn Noyce đã chọn phố cổ Hà Nội để tái hiện lại khung cảnh Sài Gòn thập niên 50 với những biển hiệu bằng tiếng Pháp và những ngôi nhà cổ kính nhỏ xinh. Đoàn làm phim phải làm việc rất công phu, tỉ mỉ ở từng địa điểm trong thời gian 12 giờ mỗi ngày để thu lại những khung hình đẹp nhất.
Huế, Hạ Long trong phim Đông Dương
Năm 1989, đạo diễn Régis Wargnier của phim Đông Dương sang Việt Nam tìm bối cảnh cho bộ phim. Bộ phim được công chiếu năm 1992 và giành nhiều giải thưởng danh giá cho đạo diễn và diễn viên. Lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp, bộ phim xoay quanh chuyện đời, chuyện tình của những người Pháp sống và làm việc tại Việt Nam.
Đây là đoàn phim nước ngoài đầu tiên được phép vào quay trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng thành Huế. Thậm chí chính quyền địa phương còn cho phép đoàn làm phim tiến hành dàn dựng cảnh quay trong điện của Vua Bảo Đại.
Cảnh cung đình Huế trong phim Đông Dương.
Kinh thành Huế là kinh thành phong kiến cuối cùng ở Việt Nam còn giữ được gần như nguyên hiện trạng nên thường được sử dụng làm phim trường cho nhiều phim có nội dung về các vua chúa. Tuy nhiên, cách đây gần 30 năm, để một đoàn làm phim nước ngoài có giấy phép làm phim phía trong hậu cung, các nhà làm phim đã tốn không ít công sức.
Hạ Long cũng là địa danh được lấy làm bối cảnh trong bộ phim Đông Dương. Tại Hạ Long, đoàn làm phim dựng một phim trường ở khu vực Vụng Oản.
Sa Đéc trong phim Người tình
Bộ phim Người tình dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras kể về mối tình của bà hồi thiếu nữ với một thương gia người Hoa là Huỳnh Thủy Lê ở Nam Bộ Việt Nam cuối thập niên 1930.
Người tình được đạo diễn Jean Jacques Annaud chuyển thể thành phim và có đến 90% số cảnh quay của bộ phim nổi tiếng quay tại miền Tây Nam bộ Việt Nam, đặc biệt là ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc, Đồng Tháp) – nơi diễn ra cuộc tình say đắm của hai nhân vật chính. Sau chiến tranh, ngôi nhà đã được nhà nước Việt Nam tiếp quản, sử dụng là trụ sở cảnh sát. Hiện nay thu hút rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan.
Ngôi nhà cổ trong phim giờ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.
Hình ảnh trong phim dàn trải từ tỉnh lẻ Sa Đéc- nơi nước ngọt nhiều phù sa, xuống tận vịnh Thái Lan, qua sông Cửu Long, lên Sài Gòn, men theo những con lộ xanh rì rào tán dừa, hai bên là ruộng đồng phì nhiêu, rải rác những gương mặt nông dân nghèo mà rất yêu đời.
Sài Gòn được lột tả với khu vực riêng dành cho người châu Âu sang trọng. Thêm hình ảnh Chợ Lớn ồn ào, đa sắc màu của người hoa. Cảng Sài Gòn thì tấp nập, được ví như “bao lơn Thái Bình Dương” thời thịnh vượng. Nhờ có những bối cảnh ấy, chuyện tình cách đây hơn 60 năm trở thành cổ tích, đẹp như một tuồng cổ nhưng cũng không ngớt buồn.
Theo dantri.com.vn
Nguồn: Dulich.vtv.vn