Đa số những bức ảnh này đều gây tranh cãi trong cộng đồng mạng bởi các chi tiết cắt ghép phản ánh sai thực tế.
Amelia Liana, một blogger thời trang và làm đẹp, từng bị cư dân mạng chỉ trích khi đăng tải bức ảnh chụp tại tòa nhà Rockefeller Center nhìn ra toàn cảnh New York (Mỹ). Trong tấm hình, nhiều người đã tinh ý phát hiện sự biến mất của toà Tháp Tự Do. Các chuyên gia hình ảnh của tạp chí Times đã chỉ ra rằng bức ảnh của blogger này đã sử dụng thủ thuật cắt ghép với phần phông nền là hình ảnh cũ của New York trước khi xây dựng Tháp Tự Do vào năm 2013. Ảnh: Amelia Liana.
Ngoài ra, bức ảnh chụp Liana ngồi trên một chiếc giường với tầm nhìn toàn cảnh London (Anh) cũng được cho là gian lận. Nhiều người cho rằng blogger này đã thường xuyên “mượn” ảnh của người khác để làm phông nền cho tấm hình của mình. Ảnh: Amelia Liana.
Tupi Saravia, blogger người Argentina, cũng từng bị chỉ trích vì sử dụng hiệu ứng chỉnh ảnh quá đà. Những người theo dõi trang cá nhân của Saravia đã phát hiện ra rằng đám mây xuất hiện trong các tấm ảnh mà cô đăng tải đều có hình dạng và kích thước giống nhau. Ảnh: Tupisaravia.
Cách đây không lâu, vợ đại gia Minh Nhựa cũng bị tố cắt ghép ảnh của một blogger người Australia để sống ảo. Cụ thể, dân mạng đã phát hiện ra loạt ảnh mà cô đăng tải với phông nền là khách sạn Burj Al Arab Jumeirah, khách sạn Park Hyatt Sydney, sân bay Changi, hồ Tekapo ở New Zealand… đều trùng tông màu, góc chụp, ánh sáng với những bức ảnh của một tài khoản nổi tiếng tên là Taramilktea. Ảnh: Rose_pham_mina, Taramilktea.
Một bức ảnh chụp ngọn núi phủ tuyết có hình con voi được đăng tải trên tài khoản Mirekis7 khiến dân mạng đặt nghi vấn đề độ xác thực của địa điểm trong tấm hình. Một số người cho rằng chủ nhân bức ảnh đã sử dụng Photoshop để tạo ra hình ảnh trên. Ảnh: Mirekis7.
Mới đây nhất, bức ảnh ghép cầu Vàng Đà Nẵng với ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai) của một du khách người Mỹ cũng tạo nên nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng. Bên cạnh những lời khen dành cho sự sáng tạo, không ít người đã chỉ trích nặng nề về hành động cắt ghép ảnh sai thực tế của tác giả. Ảnh: Rogerbstillz.