Nhiều hoạt động tại lễ hội văn hóa dân gian đường phố

0
9
polyad

2.000 nghệ nhân cùng hàng chục nghìn người dân và du khách trải nghiệm không gian văn hóa lễ hội đậm chất truyền thống tại Việt Trì, Phú Thọ.

Thành phố Việt Trì vừa tổ chức lễ hội văn hóa dân gian đường phố mang tên “Việt Trì – thành phố lễ hội về với cội nguồn”. Đây là hoạt động nằm trong đại lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2016.

Lễ hội có sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân dân gian trong vai trò diễn viên quần chúng cùng hàng chục nghìn người dân và du khách gần xa. Tính chất độc đáo của lễ hội dân gian thể hiện rõ qua những vẻ đẹp mộc mạc dung dị từ bao đời.

polyad

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì 2016 hướng đến những mục tiêu thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, vùng miền và đất nước, khắc họa lại ký ức văn hóa của dân tộc bằng tất cả sự trân trọng, nghiêm cẩn, với nhiều cảm xúc tôn nghiêm.

Khởi động chương trình là màn múa lân sư tử và rồng đặc sắc… Sau không khí vui tươi rộn ràng khai hội là tiết mục biểu diễn tập thể, xe mô hình với nhiều biểu tượng gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng, là những sản vật, tuồng tích có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Tổ… Những nghệ nhân dân gian, người dân đủ mọi lứa tuổi cùng tham gia thể hiện chân chất, bình dị như cuộc sinh hoạt lao động, tín ngưỡng qua bao năm tháng của họ với thiên nhiên, đất trời để giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.

polyad

Xe mô hình mang biểu tượng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” khơi gợi lại ký ức một thời dựng nước sơ khai, thể hiện lòng ngưỡng vọng, sự biết ơn, ghi sâu nhân tâm trí đức các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Huyền sử cha Rồng Lạc Long Quân – mẹ Tiên Âu Cơ và sự tích trăm trứng nở trăm người con, từ bao đời in đậm trong tâm thức dân tộc Việt. Người dân và du khách có dịp hồi tưởng về giai đoạn lập quốc, thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh cổ đại mà tổ tiên đã gây dựng, cha ông bồi đắp gìn giữ, con cháu đời đời biết ơn, ghi khắc và phát triển.

Câu chuyện bánh chưng – bánh dầy, hình tượng “Trời tròn – đất vuông” gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt. Những sản vật đậm đà hương vị, ẩn chứa các giá trị văn hóa, tâm linh và triết lý nhân sinh sâu sắc.

Lễ hội, sản vật từ quê hương đất tổ cũng thể hiện đậm nét như Hát Xoan (còn gọi là hát cửa đình), tục rước Giải, lễ hội cướp bông – ném chài, lễ Tịch Điền, đặc trưng của cư dân lúa nước, bơi chải, cá tiến vua Anh Vũ “đệ nhất ngư”, trái hồng Hạc Trì.

Tất cả những hoạt động này đều thể hiện lòng tự hào của những người con Việt Trì Phú Thọ, đất Văn Lang xưa, là truyền thống từ nghìn đời của cha ông mãi lưu truyền. Kết thúc lễ hội là khát vọng về một thành phố Việt Trì năng động, trẻ trung, tràn đầy sức sống.

Những người dự hội bày tỏ cảm xúc thành kính, tự hào về nguồn cội: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba. Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”…

polyad

Dọc đường công viên Văn Lang, không khí lễ hội hào hứng, trống hội và tiếng nhạc bát âm âm vang, hình ảnh các bô lão, nam phụ lão ấu và dân làng nghiêm trang, dung dị trong những động tác nhẹ nhàng tái hiện lại tích xưa. Nhân dân và du khách khắp gần xa đứng hai bên đường, khắp các ngả đường, cùng hòa chung trong không khí ngưỡng vọng về cội nguồn, hành hương về đất Tổ.

Anh Thành (Phú Thọ) chia sẻ: “Đi theo đoàn rước với những đội kiệu của làng xã tiêu biểu đất Tổ, màu sắc rực rỡ, lộng lẫy cờ, hoa, trang phục truyền thống, tôi xúc động tìm về với cội nguồn dân tộc và những giá trị văn hóa đầy bản sắc được gìn giữ, lưu truyền từ nghìn đời nay. Yêu quá quê hương đất nước mình, tôi càng cảm thấy không chỉ là sự tự hào mà còn thúc đẩy những việc làm thiết thực, góp phần cùng quê hương gìn giữ đời đời những giá trị văn hóa, giữ gìn đời đời giang sơn tổ quốc”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên có từ hàng nghìn đời nay, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội góp phần tôn vinh truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống kẻ thù gìn giữ và xây dựng tổ quốc. Đây còn là dịp chứng tỏ tính cố kết của cộng đồng, là minh chứng cho nét đẹp văn hóa nghìn đời của ông cha ta.

Người dân đã được trải nghiệm một không gian văn hóa vừa thân quen, vừa mới mẻ. Cảm nhận đó mang lại cho người dự lễ hội những tình cảm mới, thanh thản và thân thuộc. Họ cầu mong những điều mong ước tốt lành, tâm niệm đất nước bình yên, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình an khang, thịnh vượng.

Lễ hội được diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì, phòng Văn hóa thể thao thành phố Việt Trì, ê kíp sản xuất của Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Lạc Việt mang lại cảm xúc tốt đẹp, tự hào về những di sản văn hóa quý giá mà cha ông để lại từ truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Đức Hướng

Nguồn: Vnexpress.net