Bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn được trưng bày trong hai tháng tại bảo tàng Dân tộc học.
Từ ngày 2/8 đến 1/10, bảo tàng Dân tộc học Hà Nội đón du khách đến tham quan bộ sưu tập 35 bức ảnh mang tên “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn. Đây đều là những bức chân dung nổi tiếng của anh về các dân tộc ở Việt Nam. Các nhân vật chụp trong ảnh đều mặc trang phục truyền thống, thể hiện phong tục tập quán và những kiến thức cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác.
Réhahn cũng mời một số người xuất hiện trong bộ sưu tập đến dự triển lãm. Họ là người Cơ Tu và H’mong đã cho anh cảm hứng trong hành trình đi sáng tác nghệ thuật khắp Việt Nam.
Bộ trang phục truyền thống bằng vỏ cây của dân tộc Cơ Tu. |
Ông Briu Liếc, người trao tặng bộ trang phục truyền thống bằng vỏ cây của người Cơ Tu cho nhiếp ảnh gia Réhahn, chia sẻ: “Thật là một sự trùng hợp khi 79 năm về trước, ông Le Pichon người Pháp đã viết cuốn sách đầu tiên về dân tộc Cơ Tu, nay có anh Réhahn, cũng là một người Pháp, ra sức quảng bá và bảo tồn văn hoá người Cơ Tu”.
Năm 2008, Réhahn đến Sa Pa lần đầu tiên để chụp phong cảnh, nhưng sau khi gặp người H’mong và Dao ở đó, anh đã vô cùng phấn khích khi biết được Việt Nam có 54 dân tộc. Réhahn bắt đầu đi dọc đất nước để tìm gặp họ. Trong suốt hành trình 6 năm theo đuổi dự án này, anh đã gặp được 48 trên tổng số 54 và các nhóm nhỏ ở Việt Nam và sưu tầm trang phục truyền thống của họ, trưng bày ở phòng triển lãm miễn phí “Di sản vô giá” ở Hội An.
Bộ sưu tập “Di sản vô giá”
“Tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để giúp người dân tộc nhận ra và động viên họ giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống của mình là cho họ nhìn thấy sự yêu thích và quan tâm của những người bên ngoài cộng đồng. Tôi vẫn còn 6 nhóm dân tộc cần gặp để hoàn tất bộ sưu tập. Dự án tiếp theo và cũng là ước mơ của tôi đó là đưa được 54 nhóm dân tộc về Hội An tổ chức lễ hội với trang phục truyền thống, các điệu múa, bài hát, trình diễn các kỹ thuật thêu, dệt vài, nhuộm vải…”, Réhahn chia sẻ.
Nguồn: Vnexpress.net