Hiếm có hang động nào ở Việt Nam mà du khách có thể dừng xe ngay vệ đường rồi thong dong bước qua cửa động, tản bộ dưới lớp lớp nhũ đá lộng lẫy, như động Nhị Thanh.
Động Nhị Thanh là một hang đá tự nhiên dài khoảng 500m, có cửa trước, cửa sau thông ra 2 con đường lớn của Phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn.
Từ đường lớn, bước qua cổng, du khách thấy ngay phía bên trái một hồ nước, gọi là hồ Nhất Bích; do nước suối Ngọc Tuyền từ trong động chảy ra tạo thành. Men theo hồ Nhất Bích, đường vào cửa động Nhị Thanh bằng phẳng; chỉ cần rời chân khỏi mặt đường là đã bước vào bên trong lòng hang.
Tục truyền tên động Nhị Thanh do Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) đặt vào tháng 5/1779, khi ông được cử lên làm quan đốc trấn Lạng Sơn (1777 – 1780) và phát hiện ra nơi này. Thuở ấy, Ngô Thì Sĩ là bậc danh nhân đã ghi công lớn trong việc dẹp yên thổ phỉ, mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh. Còn động Nhị Thanh ở địa thế hoang vu, lau lách che kín; Ngô Thì Sĩ đã cho phát quang, mở rộng cho lộ hang động ra và tu sửa nơi này thành một điểm tu tập.
Động Nhị Thanh ngoằn ngoèo nhiều ngõ ngách, qua 5 nhịp cầu “Kiều” bắc qua con suối Ngọc Tuyền chảy giữa động; với hàng vạn nhũ đá lung linh ngoạn mục phía trên đầu.
Ngay cửa động, người xưa đã khắc chân dung Ngô Thì Sĩ trên hốc đá nhỏ ở độ cao 8m trong tư thế Kiết Già ngồi dựa vào vách đá giống như người thật của ông. Đây là bức chạm khắc chân dung có giá trị nghệ thuật độc đáo được tạo tác vào đá nhưng không làm mất đi vẻ mềm mại của thân thể. Ngày nay nhằm báo đáp công ơn của Ngô Thì Sĩ, nhân dân trong vùng đã cho xây dựng ban thờ ông ngay dưới bức phù điêu tạc chân dung ông.
Theo giới nghiên cứu, Động Nhị Thanh là hang đá vôi duy nhất ở Việt Nam có tạc văn bia. Trên vách động Nhị Thanh có hệ thống bia Ma Nhai với 20 văn bia của các danh nhân, thi sĩ nhiều thời kỳ; đủ mọi kích thước xen kẽ nhau. Nội dung bia chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và con người Xứ Lạng, ghi lại việc phát hiện, tạo dựng động Nhị Thanh và chùa Tam Giáo của các bậc tiền nhân, trong đó có bài “Nhị Thanh động phú” của Ngô Thì Sĩ viết năm 1779 cùng bài thơ tự tán của ông khi mới phát hiện và đặt tên cho động Nhị Thanh.
Đi thêm khoảng 100m, qua 2 chiếc cầu kiều bắc qua những khúc suối quanh co đã mở ra một không gian rộng lớn với nóc hang cao vút, có cửa thông thiên, phía trong có một thác nước đổ xuống theo khe đá hoà nhập cùng với suối Ngọc Tuyền chảy ngầm dưới nền Động, tạo nên những âm thanh huyền bí.
Dưới chân thác nước, Ngô Thì Sĩ cho tôn một thềm đất cao để làm sân khấu. Tại đây ông đã chọn làm nơi trung tâm vui chơi giải trí mùa lễ hội, sau này trở thành nơi hội họp biểu diễn văn nghệ của nhân dân trong những năm Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Trên nóc động có khe nhỏ ánh mặt trời rọi qua, được người dân gọi là hang Thông Thiên; du khách thường đứng lại để hứng những tia nắng từ trên cao.
Vòng sau cánh gà sân khấu qua khúc ngoặt là đến hang Giao Long, du khách lạc vào “vườn thạch nhũ”, chỗ rộng nhất đến 25m, chiều dài hút tầm mắt, trần và nền hang tương đối bằng phẳng có muôn hình nhũ đá với các hình thù khác nhau: hình con voi phục, hình rùa đang bò… Nhiều cột đá đứng bên mép suối đỡ lấy trần hang, nhiều nhũ đá rủ, mầm đá cao thấp như những bức rèm lớn vắt lên hai bên thành động, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Đi tiếp ra phía sau qua 3 cây cầu là đến cổng sau thông ra bên ngoài. Từ đây có thể quan sát thấy cửa động Tam Thanh với khoảng cách là 500 m.
Cạnh động Nhị Thanh, ở thế đất cao hơn hẳn, là chùa Tam Giáo- ngôi chùa nằm trong hang đá, không có mái và ẩn trong núi đá. Chùa thờ ba đạo (Đạo Phật – Đạo Nho – Đạo Lão), nên còn được gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên.
Chùa Tam Giáo. |
Di tích Nhị Thanh, gồm chùa Tam Giáo và động Nhị Thanh còn được gọi là “đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”, di sản văn hóa quí báu của Việt Nam đã được xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962.
Quảng Hạnh
Nguồn: Vietnamnet.vn