Mùa hè mát mẻ và mùa đông ấm áp, những ngôi nhà trình tường suốt bốn mùa đã che chở cho đồng bào Mông chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt trên cao nguyên đá.
Dọc con đường Hạnh phúc (quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua Yên Minh lên Đồng Văn, Mèo Vạc, bên cạnh khung cảnh hùng vĩ, điệp trùng của núi non khiến nhiều người choáng ngợp là nét đẹp mộc mạc, thanh bình của những ngôi nhà trình tường trên cao nguyên đá.
So với nhà trình tường của người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Dao… nhà trình tường của người Mông có những đặc trưng riêng rất dễ nhận ra. Trước tiên là hàng rào đá bao quanh nhà. Không gạch vữa, xi măng, hàng rào của những ngôi nhà trình tường hoàn toàn được dựng lên từ đá núi.
Tường rào đá bao quanh một ngôi nhà trình tường ở Phố Cáo, Hà Giang. |
Từ những viên đá nhọn hoắt, muôn hình vạn trạng nằm la liệt, ngổn ngang, bà con người Mông lượm nhặt rồi mang về xếp chồng lên nhau. Điều tài tình là chẳng gọt giũa hay cần một chất kết dính nào mà viên nào viên ấy lèn lên nhau khít đều chằn chặn, tạo nên bức tường kiên cố, vững chãi. Tường rào đá dựng chỉ cao nửa người, chủ yếu là để phân tách đất nhà với vùng đất đồi nương phía bên ngoài. Kề ngay tường rào, trước cửa nhà là lối vào với cánh cổng gỗ trên có mái che.
Bước qua lối cổng hẹp, người ta dễ dàng cảm nhận được không gian tách biệt phía bên trong so với cuộc sống ở ngoài dù chỉ cách một hàng rào đá. Được dựng sát nền đất chứ không xây trên nền móng cao như nhiều dân tộc khác, những bức trình tường của nhà Mông làm hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ.
Tuy nhiên, cấu trúc trình tường độc đáo ấy vẫn tạo được sự chắc chắn cho ngôi nhà, đồng thời làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông, lại có thể chống được thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt.
Không gian sinh hoạt của gia đình được gói gọn quanh tường rào. |
Để tạo nên những bức trình tường độc đáo ấy, người Mông thường chọn lại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng chừng nửa mét. Sau đó đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Trong quá trình này, người lạ và phụ nữ không được đến.
Dù to hay nhỏ, nhà trình tường của người Mông thường có ba gian. Trình tường xong, cây cột cái và cây đòn được đưa ngay lên nóc nhà sau khi chặt từ rừng mà không đặt xuống đất. Hai cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông, nhất là trong tang ma. Cuối cùng là khâu lợp mái. Cùng với tường đất, mái lợp bằng ngói hoặc tranh giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm.
Trong 3 gian nhà trình tường ấy, người Mông bố trí gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Phía trên là sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái nhà, đặt cối xay ngô, giã gạo…
Tấm vải đỏ treo ở cửa chính để trừ tà. |
Ngoài cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải đỏ, nhà còn có thêm cửa phụ và cửa sổ thoáng khí làm bằng gỗ hoặc thân trúc, mai già. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Chếch với cửa chính và tuỳ thuộc vào hướng gió người Mông đặt làm chuồng gia súc. Tất cả đều được gói gọn trong phạm vị hàng rào đá.
Mộc mạc là vậy nhưng điều làm nên nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng cho những ngôi nhà trình tường của người Mông chính là những cây đào, cây mận được trồng ngay bên cạnh, khi thì trước cửa, lúc lại bên hiên nhà. Mùa xuân đến, màu xám của rào đá và đen nâu của tường đất bỗng nổi bật sắc hồng hoa đào và trắng muốt của hoa mơ, hoa mận. Tất cả như hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá, khiến bất cứ ai ngang qua cũng phải dừng chân ghé lại ngắm nhìn.
Bài và ảnh: Vy An
Nguồn: Vnexpress.net