Đón được một chiếc taxi sau gần cả giờ đồng hồ chờ ở đường Trần Phú (Nha Trang), tôi và cả nhà mừng rơn.
Càng mừng hơn nữa khi anh lái xe vui vẻ thông báo, vì nghe khách nói giọng Nha Trang nên mới mở đồng hồ taxi tính tiền. Còn bằng không, sẽ là chạy theo giá thỏa thuận!?
Nha Trang làm du lịch
Giá thỏa thuận tức là giá cao hơn bình thường. Nói cho nhanh là giá “chặt chém”. Một cuốc xe ngắn trong nội thành Nha Trang chỉ vài cây số có thể sẽ hét giá hai trăm ngàn. Anh lái xe không ngại kể: “Hai trăm không đi thì thôi, cho chờ đến tết Công-gô. Ngày thường khách láo lắm. Ngày tết hét giá cho chừa”.
Cuốc xe của tôi sáu lăm ngàn. Tự vui vì mình không lọt bẫy “chặt chém” của anh lái xe đồng hương. Nhưng rồi cứ băn khoăn mãi chuyện anh lái xe thản nhiên tuyên bố chuyện “chặt chém” du khách như thể một phương cách hợp tình hợp lý để trả đũa chuyện khách khó tính những ngày thường. Cái sự thản nhiên ấy đáng nói hơn gấp nhiều lần so với con số chênh lệch về giá tiền.
Tôi bỗng liên hệ cái sự thản nhiên ấy với những vụ hàng quán “chặt chém” du khách đầy tai tiếng ở Nha Trang mà báo chí từng phản ánh. Khi những người làm dịch vụ sắm cho mình cái lối nghĩ thản nhiên “chặt chém” khi có cơ hội, thì đó rõ ràng là biểu hiện của sự tàn phá môi trường nhân văn do tác động quá tải của du lịch.
Mà Nha Trang quá tải thật. Đến mức bạn bè tôi ở Nha Trang nói vui, đặc sản Nha Trang bây giờ là nhà cao tầng và xe 45 chỗ. Những khúc đường nhỏ và ngắn gần biển ngày xưa giờ chen chúc các khu nhà cao tầng. Khúc đường Nguyễn Thị Minh Khai quê mùa ngày nào giờ như thể một con phố trung tâm Sài Gòn, ngộp thở với nhà cao tầng, xe 45 chỗ chen chúc chạy, mỗi lần có chiếc rẽ là để lại một đám kẹt xe phía sau. Mấy đứa cháu trong nhà thì luôn nhắc mỗi lần tôi định đi đâu đó, là đừng ra phía đường biển để tránh dính kẹt xe.
Tôi hẹn bạn bè quen đến ăn sáng ở một quán cà phê. Gọi được món thì đã là may, đến nỗi tôi phải tự mình đứng dậy đi tìm lấy đũa muỗng mà tự phục vụ. Cà phê sáng hóa cà phê trưa. Lớp cũ hẹn gặp, tôi có nhã ý hẹn các bạn ra quán, nhưng nghe từ các bạn ấy thông điệp của dân thổ địa: “Ra quán mấy ngày lễ tết là dính chặt chém ngay”.
Có cái quán bánh căn nho nhỏ bên lề đường Lê Đại Hành, có menu song ngữ tiếng Việt tiếng Hoa hẳn hoi. Nhìn giá bán cái muốn ngất luôn. Ôi trời, chắc là cô chủ quán quen bán cho khách Trung Quốc, nên chẳng mấy bận tâm đến lời bình giá của khách Việt.
Nha Trang 2
Người Nha Trang chính gốc dường như có xu hướng dịch về phía tây thành phố để sinh sống, để sinh hoạt. Coi như có một Nha Trang 2 hình thành ở phía tây trục đường Lê Hồng Phong. Còn phía đông thì “nhường” cho Nha Trang 1 làm du lịch. Có một Nha Trang 2 vẫn còn đủ bình yên để sống. Bữa tối của gia đình tôi ở một nhà hàng phía tây thành phố nhẹ nhõm và thoải mái, không chen lấn xô bồ, không giá cả “chặt chém” chộp giật.
Coi như đó là sự tái phân bố dân cư của thành phố ven biển này trước làn sóng phát triển du lịch. Làn sóng ấy đặt ra một thách thức lớn về quản lý quy hoạch và đô thị ở thành phố nhỏ ven biển nam Trung bộ này. Nha Trang 1 đang đối mặt với tương lai rõ ràng của một đô thị “nén”, chật chội và xô bồ, chịu tác động dữ dội của làn sóng du lịch, đẩy giá cả lên cao ngất, đẩy đường sá vào cảnh kẹt xe, đẩy dịch vụ vào cảnh quá tải, đẩy không gian phố biển vào cảnh ngộp thở nhà cao tầng. Và đáng nói hơn, đó có thể sẽ là nơi dung dưỡng những kịch bản biến đổi tính cách nhân văn của người dân địa phương khi họ bước vào kinh tế dịch vụ trong cảnh xô bồ.
Nha Trang 1 hay Nha Trang 2 xét cho cùng đó là chuyện bình thường của yêu cầu phát triển quỹ đất và tái phân bố cư trú trong bối cảnh du lịch phát triển. Nhưng liệu từ đó có dẫn đến kịch bản phân hóa “người Nha Trang 1” hay “người Nha Trang 2” hay không mới là vấn đề nên suy nghĩ. Dù được hưởng chút lợi từ cái sự ứng xử dễ thương của anh lái xe taxi biết loại trừ người đồng hương Nha Trang ra khỏi trò chơi “chặt chém”, tôi vẫn cứ băn khoăn suốt về cái sự thản nhiên tuyên bố “chặt chém” của anh lái xe. Lời tuyên bố như thể một biến đổi thích nghi hợp thời cuộc của tính cách con người trong thời du lịch Nha Trang phát triển.
Cái sự biến đổi thích nghi hợp thời cuộc ấy liệu có là một chỉ báo cho sự biến đổi nhân văn đáng lo lắng trong tính cách vui vẻ, hòa đồng, dễ thương và thiệt tình của người Nha Trang ngày nào?
Nguồn: Thanhnien.vn