Nhà thờ Cam Ly có tuổi đời hơn 50 năm, được xây dựng với vật liệu chính là gỗ và đá, mang nhiều nét văn hóa Tây Nguyên.
Nhà thờ Cam Ly nằm trên một ngọn đồi ở đường Nguyễn Khuyến (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) có kiến trúc theo hình tháp giống như mái nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Nhà thờ còn có tên khác là Sơn Cước, do linh mục người Pháp Boutary – nhà truyền giáo hoạt động trong cộng đồng người thiểu số, chủ trì xây dựng từ năm 1960 đến 1968.
Công trình tôn giáo này kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống của người dân tộc và nét kiến trúc phương Tây. Quanh nhà thờ là vườn hoa nhỏ giữa những cây thông cao vút.
Kết cấu chịu lực chính của nhà thờ là hệ khung cột bê tông cốt thép; tường đá dày 40 cm, cao 2 m.
Mái nhà cao hơn 17 m được lợp ngói, theo hình nhà tháp giống cấu trúc nhà rông. Để lợp mái có độ dốc lớn như vậy, những người thợ dùng 80.000 viên ngói phẳng có đục lỗ để luồn dây kẽm buộc chặt vào nhau.
Chóp mái của nhà thờ nhọn, khi nhìn thẳng gợi tưởng đến hình mũi tên vút lên trời cao, nhìn ngang giống như lưỡi rìu. Hình ảnh này tượng trưng cho các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân tộc.
Ở tiền sảnh có hình cọp và phượng hoàng. Cọp tượng trưng cho sức mạnh, phượng hoàng mang nghĩa thông thái. Đồng bào Tây Nguyên luôn cảm thấy an toàn khi có cọp canh gác và phượng hoàng cảnh báo từ xa.
Ngoài ra, những con thú này cũng có ý nghĩa tôn giáo. Người nguyên thủy có bản năng hoang dã như cọp nhưng khi hoàn thiện bởi Chúa, sẽ khôn ngoan tựa phượng hoàng.
Bên trong giáo đường là không gian hình chữ nhật đơn giản với diện tích 324 m2. Phần trần kết cấu với hàng nghìn thanh gỗ đan xen, lối đi lát bằng đá.
Cung thánh trang trí đơn giản với bàn thờ làm bằng gỗ thông lấy từ đỉnh Lang Biang, đã hong khô hơn 15 năm trước khi chế tác. Dưới chân thánh giá treo 3 đầu trâu – con vật cung cấp sức kéo trong sản xuất và là vật tế lễ thần linh khi được mùa của người dân tộc.
Không gian bên trong gây ấn tượng thị giác với các ô cửa sổ kính màu theo hình hoa văn dân tộc, gồm các hình tam giác, vuông… Người ta quan niệm hình tam giác tượng trưng cho Yàng – đấng tối cao của đồng bào, cũng là chúa Jesus. Hình vuông thể hiện vũ trụ, Trái đất là trung tâm và mọi thứ xoay quanh Trái đất.
Những bức tranh về muông thú, núi rừng được trang trí trên tường bên trong giáo đường. Trước đây, nhà thờ dành cho đồng bào dân tộc nhưng giờ mở rộng, khách được tham quan tự do. Có gần chục nữ tu trông coi nhà thờ và hơn 60 em nhỏ được nuôi dạy tại đây, có em mồ côi hoặc được mẹ gửi vào.
Quỳnh Trần
Nguồn: Vnexpress.net