“Chúng tôi cũng cần được đi du lịch. Nghe điên rồ thật nhưng chúng tôi thực sự muốn nghỉ dưỡng”, một phụ nữ người Thái Lan cho biết.
Jakkrit Yompayorm, người dẫn chương trình truyền hình kiêm phát thanh viên Thái Lan, không cảm thấy điều gì khác biệt trong lúc đặt vé tới Mỹ để tiêm vaccine Covid-19, cho đến khi anh thực sự đặt chân lên máy bay.
“Tôi cứ như một đứa trẻ lần đầu đi máy bay vậy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ rất nhiều”, Jakkrit nói với VICE.
Jakkrit không phải người duy nhất băng qua biên giới quốc tế để tìm kiếm địa điểm tiêm chủng. Từ Thái Lan đến Mexico và các nước châu Âu, giới nhà giàu đang đặt các chuyến du lịch kiêm tiêm chủng ở Mỹ.
Phát thanh viên Jakkrit tiêm vaccine tại bang Virginia (Mỹ). Ảnh: Jakkrit Yompayorm. |
Du lịch kết hợp tiêm chủng
Đây là lần đầu tiên Jakkrit bay ra khỏi địa phận Thái Lan kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Ngó nghiêng xung quanh từ ghế ngồi, anh thấy chẳng có mấy ai trên cùng chuyến bay với mình.
Khi máy bay cất cánh, người đàn ông 34 tuổi không chỉ hồi hộp vì sắp được tiêm vaccine Covid-19, mà còn vô cùng hào hứng với chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên trong thời gian dài.
Ngày 8/5, anh được tiêm vaccine Pfizer tại bang Virginia (Mỹ), sau đó ở lại chơi một thời gian. Hiện loại vaccine này chưa có ở Thái Lan. Trong những tháng gần đây, xứ Chùa vàng cũng vất vả để tăng cường việc tiêm chủng trong nước.
Theo một số báo cáo, tùy vào từng tiểu bang ở Mỹ sẽ yêu cầu hoặc không yêu cầu giấy tờ tùy thân chứng nhận tư cách công dân.
Theo Wall Street Journal, hàng trăm người Thái đang đặt các chuyến “du lịch vaccine” tới xứ cờ hoa – nơi du khách chi trả khoảng 2.400 USD/người để dành 10 ngày ở bang California. Đây là một lựa chọn hấp dẫn đối với những ai muốn kết hợp nghỉ dưỡng với nhu cầu tiêm vaccine.
Không ít người Thái Lan tận dụng cơ hội này để du lịch, thưởng ngoạn sau thời gian dài ngồi nhà. Ảnh: iStock. |
Ngày 17/5, Anucha Burapachaisri, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, cho biết các nhà chức trách nắm được rằng công dân Thái Lan đang sang châu Âu và Mỹ để tiêm vaccine.
“Chúng tôi khuyến cáo rằng bất kỳ người Thái Lan nào có ý định du lịch nước ngoài, đặc biệt là tới EU và Mỹ để tiêm chủng, nên kiểm tra kỹ về quy định nhập cư và các biện pháp y tế công cộng của quốc gia đó trước”, ông chia sẻ với VICE.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thà đối mặt với chặng đường di chuyển dài dằng dặc và những trở ngại tiềm ẩn ở nước ngoài hơn là chờ đợi vaccine ở quê nhà.
Bee, một phụ nữ 34 tuổi người Thái, cho biết cô quyết định sang Mỹ cùng bạn vì “chẳng biết đến bao giờ mới đến lượt tiêm vaccine” ở quê nhà. Xứ Chùa vàng hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á – chỉ khoảng 1% dân số được nhận vaccine cho đến nay.
“Hơn nữa, chúng tôi cũng cần được đi du lịch. Nghe điên rồ thật nhưng chúng tôi thực sự muốn du ngoạn”, cô cho biết.
Nhóm bạn của Bee dự định sẽ khởi hành tới Miami (bang Florida) vào cuối tháng 5 – nơi họ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí, đồng thời tham dự lễ hội âm nhạc hiphop với sự góp mặt của các nghệ sĩ A$AP Rocky, Travis Scott và Post Malone.
Bee cho biết lịch hẹn tiêm chủng của cô đã được xác nhận. Giống như phát thanh viên Jakkrit, cô sẽ tiêm vắc-xin Pfizer.
Chờ đợi mòn mỏi
Hiện xứ Chùa vàng phải đối diện với làn sóng Covid-19 mới mặc dù quốc gia này từng ngăn chặn dịch bệnh thành công vào năm 2020 bằng các biện pháp nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 17/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 lên tới hơn 111.000 người, với 565 ca tử công, theo Bangkok Post.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Thái Lan hiện thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Sakchai Lalit/AP. |
Chỉ tính riêng trong đợt lây nhiễm mới nhất, trung bình Thái Lan ghi nhận 2.000 ca dương tính mới mỗi ngày – con số lớn hơn gấp nhiều lần so với năm vừa qua.
Nhiều công dân nước ngoài sinh sống và làm việc ở Thái Lan cũng nhanh chóng tìm cách trở về quê hương bởi chung lý do: không tin tưởng vào kế hoạch triển khai vaccine của xứ Chùa vàng. Kevin Cummings (66 tuổi) là một trong số đó.
“Tình trạng thiếu hụt vaccine và việc làm tại quốc gia này so với lộ trình tiêm chủng đơn giản ở Mỹ khiến chúng tôi phải nghĩ suy, cân nhắc. Chúng tôi thực sự hy vọng có tín hiệu tích cực ở Thái Lan, chứ không phải tồi tệ hơn, nhưng có ai lường trước được điều gì đâu?”, ông nói.
Khi đại dịch tiếp tục kéo dài sang năm thứ hai, bản thân Jakkrit cũng cảm thấy mệt mỏi vì “chỉ biết loanh quanh căn hộ”. Đó là lý do thôi thúc anh đặt vé từ thủ đô Bangkok (Thái Lan) tới Mỹ.
Sau khi được tiêm chủng, nam phát thanh viên không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, mà còn khuyến khi người dân Thái Lan ra nước ngoài tiêm vaccine như anh nếu có điều kiện kinh tế.
“Vaccine là vũ khí duy nhất giúp chúng ta chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn cả nếu mọi người có quyền chọn được tiêm loại vaccine họ cảm thấy tin tưởng nhất”, anh chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn