Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

0
11
Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Bến Tre Trải qua hơn chục năm mới hoàn thiện, nhà cổ Huỳnh Phủ có nội thất làm từ gỗ quý với những đường nét trạm trổ tinh tế.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Tọa ở xã Đại Điền (Thạnh Phú, Bến Tre), nhà cổ Huỳnh Phủ là kiến trúc độc đáo bậc nhất vùng Tây Nam Bộ. Ngôi nhà do ông Hương Liên, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm, người gốc Huế xây dựng trong 14 năm, từ  1890 đến 1904 mới hoàn thành. Năm 2011, ngôi nhà được xếp hạng là di tích quốc gia. Phía trước sân là bức bình phong đặc trưng theo lối kiến trúc xưa ở Huế.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Ngôi nhà hiện thuộc sở hữu của vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Thu, cháu đời thứ 6 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm. “Ngày xưa ông cụ cùng vợ và 9 người con vào đây lập nghiệp. Đến đoạn này thì bao nhiêu mái chèo thuyền đều gẫy hết, không đi được. Lúc đó nghe văng vẳng như câu hò ru con: Cây khô tưới nước cũng khô. Người nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo. Vậy là ông cụ quyết định dừng chân ở vùng đất này, sinh cơ lập nghiệp rồi xây dựng lên ngôi nhà”, cô Lê Thị Hai, vợ ông Huỳnh Ngọc Thu, kể về nguồn gốc của căn nhà.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Khác với nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê hay những ngôi nhà nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ, nhà cổ Huỳnh Phủ trông bề thế hơn với toàn bộ nội thất gỗ. Ngôi nhà hiện có 48 cột tròn dựng từ gỗ lim và căm xe nguyên khối. Cô Lê Thị Hai nói: “Bộ liễn ốp vào cột được làm từ một cây to. Thường những nhà cổ khác có liễn được làm trên miếng ván ngang treo lên cột. Chỉ duy nhất Huỳnh Phủ có liễn ốp cột”.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Tất cả hoa văn trang trí trong nhà được điêu khắc, trạm trổ công phu với những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống vùng sông nước Nam Bộ. Theo kể lại, ông Hương Liên không trả công nghệ nhân theo ngày mà trả theo dăm bào. Mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc (thời điểm này một giạ lúa bằng 1,8 cắc bạc). Tuy trả công cao, nhưng để đảm bảo chất lượng, mỗi ngày thợ không được làm quá một chén dăm bào.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Nhà cổ Huỳnh Phủ hầu như không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng trải qua một thời gian bị mối mọt, tác động của thời tiết nên công trình xuống cấp. Nền nhà bị sụp lún, góc móng nhà nứt nẻ, một số đòn tay, đầu kèo bị mối mọt ăn gặm nhấm. Đến năm 2013, ngôi nhà được trùng tu, quá trình mất hai năm để hoàn thành.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Sau khi trùng tu gia đình đã gom lại những viên ngói còn nguyên, chắc để lợp ở gian giữa làm kỉ niệm. Ngày trước, tất cả ngói lợp nhà đều được in hoa văn ở phía dưới.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích trên 500 m2, rộng khoảng 17 m, dài 25 m. Nhà được cất theo kiểu nhà xuyên trính, hình chữ nhật, ba gian hai chái. Trước đây cả gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu đều sinh sống trong ngôi nhà do tổ tiên để lại. Sau này nhiều khách tham quan ghé thăm nên gia đình dọn ra căn nhà bên ngoài. Nhà cổ Huỳnh Phủ giờ là nơi thờ cúng và phục vụ khách tham quan.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Ngoài kiến trúc gỗ độc đáo, ngôi nhà vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị cao như: Bộ trường kỷ khảm xà cừ được nhập từ Pháp về hơn 100 năm trước, hai chiếc giường gỗ quý… tất cả vẫn còn nguyên vẹn, không bị hư hại, mối mọt.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Toàn bộ công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh, nhà cho người làm công đều được xây ngoài diện tích của ngôi nhà. Những công trình này đã hư hỏng, chỉ còn lại phần móng.

Nhà cổ kiến trúc Huế đặc biệt ở miền Tây

Theo cô Lê Thị Hai, có nhiều người chơi đồ cổ đến trả giá căn nhà với giá trị cao nhưng gia đình không bán mà giữ lại làm kỉ niệm cho con cháu. Hiện tại nơi này không thu phí tham quan hay bán vé, khách đến thăm sẽ được người nhà dẫn đi giới thiệu, kể câu chuyện của ngôi nhà cũng như gia đình họ Huỳnh. Để trang trải cho cuộc sống và gìn giữ ngôi nhà, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Thu mở một quán nước nhỏ ở cạnh nhà cổ, canh tác thêm rau màu.

Nguồn: Vnexpress.net