Vừa kết thúc hành trình Con đường tơ lụa đi qua 11 quốc gia và vùng lãnh thổ kéo dài gần 4 tháng, tôi vẫn còn “say” hương vị cà phê của đế chế Ottoman khi lần thứ ba đặt chân đến thành phố di sản Istanbul.
“Ghé lại Istanbul chơi độ dăm ngày rồi hãy về nhà!” là những lời nhắn nhủ dễ thương của những bạn Nhật Bản mà tôi gặp trên đường đi khi họ biết tôi chưa chọn điểm kết thúc hành trình. Có quá nhiều điều để nói về thành phố di sản văn hóa thế giới này của Thổ Nhĩ Kỳ bởi Istanbul từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học lớn của thế giới hay những bộ phim nổi tiếng của Hollywood như theo cách diễn đạt của tác giả Sait Faik “Nếu đến Istanbul, hãy đưa tôi qua cả đôi bờ”… và cả những lời chê trách của Elif Shafak trong tác phẩm The Bastard of Istanbul…
|
Vài người bạn thân rồi sẽ hỏi: “Yêu Istanbul từ lúc nào?” và tôi sẽ nhanh nhảu trả lời: “Trong lần gặp nhau đầu tiên vào tháng 8.2010”. Rồi sẽ là câu hỏi tiếp theo như cách những người đang yêu hay thủ thỉ khi bên nhau “Yêu đặc điểm gì nhất?!” và tôi phải đắn đo hồi lâu: “Trên những nẻo đường dọc ngang, mỗi thành phố đều níu bước chân người lữ hành theo những kiểu cách đáng yêu khác nhau và tùy vào quan điểm cùng cảm nhận của từng người mà tình yêu đó có bền vững, thủy chung theo năm tháng hay không. Có lẽ… tôi đã yêu những giọt cà phê thơm của đế chế Ottoman”.
Không sóng sánh, đậm đặc như cà phê phin Việt Nam, thứ nước hòa tan màu nâu cánh gián của người Ottoman đã kể lại những câu chuyện thật hay và thơm như chất caffein vốn theo tôi lang thang qua từng con phố ở Istanbul …
Istanbul – nơi gợi lại ký ức xưa
Dọc ngang trong ký ức của tôi vẫn là đoàn xe tram (xe điện) nhỏ xinh nhiều sắc màu chầm chậm lướt qua eo biển mang tên Golden Horn nối liền quận Galata và quận trung tâm lịch sử Sultanahmet. Dù có thể bước lên những chiếc tram cọc cạch để vào phố cổ cho đỡ mỏi chân nhưng tôi vẫn thích đi bộ thong dong ngắm nhìn eo biển Golden Horn, ghé quán cóc dọc đường nhấm nháp chút hương thơm cà phê, rồi ngồi lơ đãng hiểu về ý nghĩa chữ “Istanbul”.
|
Khi xưa, với đoàn quân thiện nghệ tiến về phương Đông để mở rộng bờ cõi, vị Đại đế Alexandros của người Hy Lạp nhận thấy rằng eo biển nhỏ xinh chia Istanbul cổ xưa thành hai phần có hình dáng rất lạ kỳ, trông như cái đầu của loại thú hoang dã mang hai chiếc sừng dũng mãnh, mắt đăm đăm hướng về vùng đất Viễn Đông mà ông cũng chưa từng biết được dãy đất huyền bí ấy xa đến bao nhiêu dặm đường trường. Ông chỉ biết rằng doi đất mình đang đứng là cửa ngõ để đến được phương Đông và ông đặt tên là “Istanbul” có nghĩa “Con đường dẫn đến thành phố”. Golden Horn cũng là nơi xuất phát để cụm từ “Iskanderkun” có nghĩa “hai chiếc sừng trong một cơ thể” ra đời nhằm ca ngợi sức mạnh viễn chinh về phương Đông của vị đại đế này.
Ba lần đến Istanbul, tưởng chừng mọi thứ có vẻ quá thân quen đến mức nhàm chán, nhưng một Istanbul của đan xen sắc màu văn hóa mới – cũ vẫn làm cho tôi cảm thấy ngờ nghệch qua từng giọt cà phê thơm cho mỗi lần quay lại để rồi tôi càng hiểu được tại sao người Thổ ca ngợi thành phố cổ xưa đến mức thần thánh. Kể từ ngày vị đại đế Hy Lạp mở lối đến sau này, Istanbul vẫn được chọn là là kinh đô vàng son của hai đế chế hùng mạnh trong lịch sử nhân loại là Constantinople và Ottoman.
|
Cứ đi theo những đường xưa lối cũ còn vướng lại trong từng bức tường thành Istanbul cổ kính cũng đủ khiến tôi choáng ngợp. Tôi chưa từng được biết bể chứa nước ngầm Basilica Cistern được xây dựng trong lòng đất từ thế kỷ 3 – 4 bởi đế chế Byzantine, đẹp như một cung điện hoàng gia. Mẹ của Đại đế Constantine mến mộ Ki Tô Giáo nên ông đã chấp nhận Ki Tô Giáo là quốc giáo và áp đặt lên các vùng đất từng là chư hầu của mình với vết tích là những bức tranh mạ vàng ròng còn lưu lại trong giáo đường Hagia Sophia.
Đi theo những giọt cà phê Ottoman
Đến xứ Thổ, người lữ hành nảy sinh ra sở thích “kỳ lạ” như cách họ đã rong chơi theo những cánh hoa tulip từng gây sóng gió ở tại các quốc gia châu Âu. Người xưa đã ghi lại trong những cuốc sách cổ: “Hình như nó là loại hoa mọc dại ở vùng Trung Á và là quốc hoa của đất nước Iran. Khi mùa xuân đến, thời tiết ấm dần lên, những bông hoa dại kia nở thật đẹp dọc theo con đường tơ lụa đi qua vùng Trung Á”. Khoảng năm 1.000 SCN, người Thổ bắt đầu tiến dần về phía Trung Á để mở mang bờ cõi.
Nhìn thấy những cánh hoa dại đang nở lung linh dưới ánh mắt trời họ quyết định mang một số củ hoa về trồng thử tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ vài năm sau đó, những cánh hoa dại đó được người Thổ đặt tên là “tuliban” mà trong tiếng Thổ nó có nghĩa là “chiếc khăn choàng của người phụ nữ” và tuliban cũng chính thức trở thành quốc hoa của Thổ Nhĩ Kỳ. Sở dĩ, người Thổ đặt cho những bông hoa dại cái tên “tuliban” bởi vì cách vấn khăn trên đầu của người phụ nữ khi được lộn ngược lại thì rất giống hình dáng bông hoa đang nở.
|
Yêu mến Istanbul qua những câu kinh Quran từ thánh đường vào lúc bình minh hay khi hoàng hôn, để rồi những người lữ hành thường mến thốt lên: “Đã thật sự hành hương về xóm đạo!”. Người Nhật lại rỉ tai nhau trong ý tưởng “Đi theo những giọt cà phê Ottoman” như họ từng tâm sự với tôi qua ly cà phê Istanbul trong một quán cóc ven đường. Người Nhật cho rằng, sức mạnh của đế chế Ottoman không chỉ là kiến trúc, lãnh thổ … mà còn là giọt cà phê thơm, gần gũi hương vị của cuộc đời.
Nếu thủ đô Vienna (Áo), từng là nơi xuất phát những củ hoa “Tuliban” gây sóng gió tình trường cho giới mỹ thuật, thì cũng chính trong lòng dãy phố cổ xưa Schleifmühlgasse (Vienna), tầng lớp giàu có bị gây nghiện bởi loại nước uống màu nâu cánh gián. Năm 1683, đoàn quân viễn chinh đã mang những hạt cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia đến Vienna và lúc bấy giờ người Ottoman hay cả châu Âu sau đó chỉ biết thưởng thức loại nước quý hiếm bằng cách đâm nhuyễn hạt cà phê trong chiếc bát nhỏ, cho nước đun sôi vào, chờ bột cà phê chín lắng xuống đáy, rồi cứ bưng cả chén nhấm nháp thưởng thức từng chút một trên đôi môi.
Người sành điệu cà phê cứ thích được thưởng thức phong cách Ottoman cũ nhưng chẳng bao giờ nhạt nhòa với thời gian cùng viên kẹo dẻo thơm, mới thấm cái hồn của chất caffein.
Tình yêu tôi dành cho Istanbul qua giọt cà phê Ottoman không giấu diếm với bạn bè mà cứ thổ lộ hết lòng. Tôi vẫn chưa thể sành điệu như những người bạn Nhật Bản, nhưng biết đâu tình yêu đó có thể đưa ước mơ đi theo hương thơm cà phê Ottoman rồi sẽ thành trở thành hiện thực …
Nguồn: Thanhnien.vn