37 năm gắn bó với nghề ở ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Lê Tiến Dũng được nhiều người biết đến là nghệ nhân khắc chữ lâu năm nhất ở đất Sài Gòn.
Từ một sinh viên của Đại học Kiến Trúc (Hà Nội), ông Dũng theo tiếng gọi của Tổ quốc nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Đầu những năm 80, ông quyết định ở lại gắn bó và mưu sinh tại Sài Gòn. Trải qua 37 năm cùng nghề khắc chữ, chứng kiến nhiều thăng trầm của thành phố, ông cảm thấy tự hào vì là người góp phần lưu giữ kỷ niệm của biết bao người.
Khách thuê khắc chữ đa dạng, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội. Ông Dũng luôn tận tâm để làm vừa lòng khách.
Khách thuê khắc chữ đa dạng, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội. Ảnh: Mỹ Phượng. |
Ông từng khắc lên những món quà lưu niệm mà UBND TP. HCM tặng Tổng thống Bush hay Tổng thống Obama nhân chuyến thăm của họ sang Việt Nam. Ông cũng khắc chữ thuê theo đơn hàng của các nguyên thủ quốc gia hay công ty, tập đoàn lớn. Tuy nhiên, kỷ niệm mà ông nhớ nhất lại là với hai cặp khách nước ngoài.
Ông Dũng kể, cặp vợ chồng Anh – Nhật đã làm ông hết sức ấn tượng. Chuyện xảy ra đã hơn 10 năm, khi ấy vợ chồng họ tới Việt Nam du lịch và cần tìm người khắc chữ lên những món đồ lưu niệm. Thông qua rất nhiều người, đôi vợ chồng tìm đến góc nhỏ nơi ông Dũng thường ngồi. Họ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp khiến ông bối rối và và chỉ suy luận được theo ngôn ngữ cơ thể của họ. Cảm mến sự tài hoa của ông Dũng, người chồng liền ghé vào nhà sách Lê Lợi để mua một tấm bảng và cây bút. Anh viết ngắn gọn 2 dòng thông tin của ông Dũng bằng tiếng Anh lên tâm bảng rồi treo trước hộp đồ nghề của ông. Nhờ đó, khách nước ngoài nhận ra ông Dũng dễ dàng hơn.
Ông Dũng cảm kích nói: “Tôi khắc chữ giúp khách chỉ lấy 10.000 – 20.000 đồng một lần, nhưng khách nhiệt tình tìm đến và giúp đỡ mình như thế chính là món quà lớn nhất dành cho người làm thuê”.
Ông Dũng có thể khắc chữ lên rất nhiều chất liệu với 8 cây bút tự chế. Ảnh: Mỹ Phượng. |
Một lần khác, ông Dũng ngạc nhiên khi một du khách Hà Lan mang theo rất nhiều đồ lưu niệm đến. Người này lấy vợ Việt và nhiều lần sang thăm Việt Nam. Tuy nhiên, đó là lần anh trở lại cùng vợ và các con với yêu cầu đặc biệt dành cho người khắc chữ lâu năm nhất Sài Gòn. Anh lần lượt mang ra từng món đồ đã mua ở những địa điểm gắn bó với gia đình ở Việt Nam, và nhờ ông Dũng khắc chữ lên đó.
Ông Dũng chia sẻ: “Những kỷ vật không hề đắt tiền, có thể tìm thấy ở nhiều nước châu Á nhưng chúng đặc biệt khi gắn với những nơi mà du khách từng đặt chân đến”. Cũng bởi vậy mà ông luôn tâm niệm phải khắc bằng cái tâm thực sự để xứng đáng với ý nghĩa của món đồ.
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và tài hoa nhưng đồ nghề khắc chữ của ông Dũng lại rất đơn sơ, gồm 8 chiếc bút, một cây thước kẻ, và vài cây bút nước. Ông tự mày mò và chế tạo ra những chiếc bút hợp kim phù hợp với từng chất liệu: sắt, nhựa, inox, gỗ, tranh cát, tranh sơn mài, nanh heo, thạch anh,… để đáp ứng với thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Ông luôn tâm niệm phải tạo ra những nét chữ đẹp nhất để xứng đáng với ý nghĩa của món đồ. Ảnh: Mỹ Phượng. |
Không chỉ nhận khắc thuê ở góc nhỏ ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Dũng còn thường xuyên khắc đồ lưu niệm cho các sự kiện và tổ chức ở khắp Sài Gòn. Vì khối lượng công việc khá nhiều, cộng thêm mong muốn có người tiếp nối nghề của mình, ông Dũng đã truyền nghề cho con trai duy nhất đang theo học ngành Marketing.
Hiện nay, ngoài ông Dũng còn ông Nguyễn Hải Xuân và ông Nguyễn Tiến Thắng là 3 người hành nghề khắc chữ lâu năm ở Sài Gòn. Bên cạnh trách nhiệm mưu sinh, ông Dũng còn luôn ý thức về việc giữ gìn và nâng cao tay nghề để lan tỏa giá trị văn hóa. Ông tâm niệm: “Là người gắn bó với nghề lâu năm nhất ở thành phố này, tôi luôn nhắc nhở mình phải làm sao cho vừa lòng khách. Họ nhớ tới nghề của mình, cũng là nhớ đến đến mảnh đất Sài Gòn nhiều bao dung”.
Xem thêm: Cụ ông 86 tuổi dịch thư ở bưu điện Sài Gòn
Mỹ Phượng
Nguồn: Vnexpress.net