Người Hàn yêu nhau qua sợi mì?

0
7
Đoàn khách VN tham quan tại công viên Tumuli - nơi tọa lạc của quần thể 23 lăng mộ trong số 200 lăng mộ được tìm thấy ở Gyeongju /// Ảnh: Hà Mai

Những nam thanh, nữ tú Hàn Quốc luôn lịch sự cúi đầu chào khách nhưng lại ‘phùng mang trợn mắt’ khi ăn khiến không ít người thắc mắc. Ít ai ngờ, điều này lại bắt nguồn từ quan niệm hết sức dễ thương, hết sức… Hàn Quốc.
 

Đoàn khách VN tham quan tại công viên Tumuli - nơi tọa lạc của quần thể 23 lăng mộ trong số 200 lăng mộ được tìm thấy ở Gyeongju /// Ảnh: Hà MaiĐoàn khách VN tham quan tại công viên Tumuli – nơi tọa lạc của quần thể 23 lăng mộ trong số 200 lăng mộ được tìm thấy ở Gyeongju – Ảnh: Hà Mai

Vì sao người Hàn ăn ‘phùng mang trợn mắt’ ?
Đoàn khách gồm 18 người từ TP.HCM đáp chuyến bay của Vietnam Airlines đến sân bay Busan vào khoảng 7 giờ sáng một ngày đầu tháng tư. Ở Hàn Quốc lúc này đang độ cuối xuân, nhiệt độ khoảng 6 độ C. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một cửa hàng mì udon – món ăn quốc hồn quốc túy của người Hàn Quốc. Trời lạnh, người mệt sau hơn 5 giờ ngồi trên máy bay, nghĩ đến tô mì nóng hổi ai cũng háo hức.
Quán mì nhỏ nằm ngay mặt đường, gần khu công nghiệp Busan, dưới chân ga tàu điện cao tốc. Không gian trang trí như trong những bộ phim Hàn Quốc mà nhiều thế hệ người Việt “nằm lòng”. Thậm chí nhìn không gian có thể hình dung ra cảnh nhân vật nữ và nam chính vừa hút từng sợi mì, vừa “phùng mang trợn mắt” cười nói vui vẻ. Và cảnh này được tái hiện ngay quán mì nơi chúng tôi tới cũng như ở khắp các quán hàng mà chúng tôi có dịp ghé chân. Hóa ra cảnh họ hút mì “rột rột” và phùng mang trợn mắt khi ăn trong phim không phải để tạo ấn tượng như tôi nghĩ.

Anh Đỗ Đình Thành, hướng dẫn viên dẫn đoàn của Vietravel, giải thích người Hàn ăn cái gì cũng nhét đầy miệng, thịt to không cắn, mì dài không cắt. Bởi họ quan niệm sợi mì tượng trưng cho sợi dây hạnh phúc. Cắt đôi sợi mì là chia rẽ hạnh phúc lứa đôi. Thế nên một miếng thức ăn, dù to nhỏ, dài ngắn thế nào, đối với người Hàn cũng tượng trưng cho hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, người Hàn ăn là đưa trọn miếng vào miệng để nuốt trọn hạnh phúc.
Cũng vì không biết quan niệm này, một số chàng trai Việt Nam hẹn hò cùng các cô gái Hàn Quốc nhưng mối tình tan vỡ ngay từ buổi đầu tiên do cô gái cuốn cho chàng trai một cuốn thịt quá to, anh này cắn đôi và thế là… chia tay.
Tại Bảo tàng Văn hóa truyền thống quốc gia ở thủ đô Seoul có trưng bày mô hình một đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc. Trên bàn ăn, trong những món ăn, những thứ mà người Hàn tin rằng tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi dài lâu, không thể thiếu mì udon. Sợi mì tượng trưng cho hạnh phúc và cũng là nguồn cội của kiểu ăn “đút cả thế giới vào miệng” mà không nhiều người hiểu gốc gác, lý do.

Người Hàn yêu nhau qua sợi mì? - ảnh 2

Sử Việt tại Hàn Quốc
Điểm mới trong hành trình khám phá con đường di sản xứ sở kim chi của Vietravel là tỉnh Gyeongsangbuk, nơi bảo tồn các truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời và tiêu biểu nhất của người Hàn Quốc. Với du khách VN, Gyeongsangbuk là điểm đến hết sức đặc biệt bởi đây chính là nơi lưu lạc của hoàng tử triều Lý nước Đại Việt Lý Long Tường – Hoa Sơn Tướng quân nước Cao Ly, cũng là ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn ngày nay ở Hàn Quốc.
Câu chuyện dòng họ Lý gần một thế kỷ vọng cố hương đã gây xúc động cho nhiều người VN. Lớn lên khi triều Lý suy vong, triều Trần dần thay thế, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý vượt biển sang Cao Ly lánh nạn truy sát. Được vua Cao Ly ưu ái phong tước hiệu, thực ấp, lúc 80 tuổi Lý Long Tường vẫn cùng nhân dân Cao Ly đánh bại 2 cuộc xâm lăng của Mông Cổ.
Từ đó, dòng họ Lý Hoa Sơn (Hwasan) thành lập. Các thế hệ sinh sống, lập nghiệp qua nhiều đời và sản sinh ra những hậu duệ kiệt xuất trong lịch sử Hàn Quốc. Con cháu đời sau của Lý Long Tường vẫn đau đáu cội nguồn. Hậu duệ đời thứ 36 của dòng họ Lý Long Tường, ông Lý Tường Tuấn năm 2003 lần đầu tiên về quê cha đất tổ và trong 3 năm sau đó đã quay lại VN tới 30 lần. Đầu năm 2006, ông thành lập văn phòng đại diện Golden Bridge tại Hà Nội và đến tháng 9.2006 Golden Bridge chính thức khai trương công ty tại Hà Nội với số vốn ban đầu hơn 1 triệu USD. Đã có rất nhiều con cháu đời sau của Lý Long Tường trở về VN, trở thành cầu nối giữa VN và Hàn Quốc trong kinh doanh và cả tình hữu nghị.

Cũng chính vì nguồn gốc lịch sử này, người Gyeongsangbuk nói riêng cũng như người Hàn Quốc nói chung rất có thiện cảm và trân trọng du khách Việt. Ông Choi Hyung-seok, Giám đốc tiếp thị Tổng cục Du lịch tỉnh Gyeongsangbuk, cho biết để thúc đẩy du lịch giữa hai nước, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự án xây dựng quần thể du lịch tưởng niệm dòng họ Lý Hoa Sơn tại huyện Bonghwa, tỉnh Gyeongsangbuk với kinh phí khoảng 38 triệu USD. Dự kiến xây dựng từ năm 2019 và khánh thành năm 2023.

Nên với du khách Việt đến Gyeongsangbuk không chỉ có phong cảnh hữu tình, có núi Beakdudeagan và dòng sông Nakdong tuyệt đẹp; trải nghiệm 3 loại hình văn hóa lịch sử tiêu biểu của người Hàn Quốc gồm văn hóa Phật giáo thời kỳ vương triều Silla, văn hóa Gaya và văn hóa Nho giáo; mà còn để hưởng thụ tình cảm nồng ấm của người Gyeongsangbuk nói riêng và người Hàn nói chung với người Việt.
Thông thường, muốn đến Gyeongsangbuk phải bay tới thủ đô Seoul rồi từ đây di chuyển bằng xe buýt tốc hành (4 tiếng) hoặc tàu hỏa (5 tiếng). Tuy nhiên, hiện nay Vietnam Airlines đã xây dựng đường bay thẳng đầu tiên từ TP.HCM đến Busan. Từ Busan, du khách sẽ chỉ mất khoảng 1 giờ 40 phút đi ô tô trên con đường trải đầy hoa anh đào để đến Gyeongsangbuk.

Nguồn: Thanhnien.vn