Thiên nhiên đã ban tặng cảnh quan độc đáo, có một không hai cho Quảng Ngãi và Phú Yên. Hai vùng đất này đang trong quá trình trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Từ Lý Sơn…
Theo ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cuối năm 2019 tỉnh Quảng Ngãi đã trình UNESCO xem xét công nhận Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu.
Đến nay, các việc phải làm như khảo sát, điều tra, phân tích, thống kê, nhận dạng các giá trị di sản đã hoàn tất. Dự kiến công viên địa chất toàn cầu ở Quảng Ngãi có diện tích 2.500 km2 đất liền và 2.600 km2 mặt biển, trải dài trên địa bàn 10 huyện, thành phố, với hơn 1 triệu dân.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) cho biết văn hóa Sa Huỳnh được đánh giá là nền văn hóa tiêu biểu thuộc thời sơ kỳ đồ sắt, có địa bàn phân bố khắp dải đất miền Trung, một phần Nam bộ, các đảo và quần đảo nam Biển Đông.
Ông Khôi cũng cho biết văn hóa Sa Huỳnh không khép kín mà giao lưu rộng rãi với văn hóa Đông Sơn phía bắc, văn hóa thời đại kim khí Đông Nam bộ, giao lưu mạnh mẽ ở hình thức táng tục bằng chum gốm.
Nếu Sa Huỳnh có nền văn hóa đặc sắc thì đảo Lý Sơn được thiên nhiên tạo ra hàng chục ngàn năm trước sau những đợt phun trào núi lửa, với diện mạo vô cùng kỳ vĩ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nam (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản), di sản địa mạo Lý Sơn không chỉ là các dạng địa hình độc đáo, tạo nên thắng cảnh, kỳ quan, phản ánh điều kiện cổ địa lý, sự phát triển bề mặt trái đất ở một khu vực, mà còn đảm bảo giá trị nghiên cứu khoa học, giáo dục, thưởng ngoạn của con người.
Nhiều nghiên cứu cho rằng có 5 núi lửa đã tắt tạo thành địa hình Lý Sơn ngày nay, dân gian gọi là ngũ linh: Hòn Tai, Hòn Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Hòn Thới Lới. Ngoài ra, chúng còn tạo ra các gành đá bazan dạng cột, các bậc thềm sông, thềm biển tuyệt đẹp như Bình Châu, Mỹ Khê, Hóc Mó, Sa Huỳnh, Châu Me…
Hoạt động “công viên núi lửa” ngày ấy còn tạo ra các dãy núi nhô ra biển, hình thành những cảnh quan kỳ thú như Gành Yến, mũi Ba Làng An, Thạch Ky Điếu Tẩu… “Các di sản diện mạo Lý Sơn không chỉ có giá trị cấp quốc gia, mà còn giá trị quốc tế, góp phần đưa công viên địa chất Lý Sơn tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu”, ông Nguyễn Xuân Nam nhận định.
|
… Đến Gành đá đĩa
Trong năm 2019, các chuyên gia của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cũng đã tiến hành khảo sát những tiềm năng để hình thành công viên địa chất ở Phú Yên.
Qua đó, các chuyên gia khẳng định nhiều địa điểm ở Phú Yên được đánh giá là có tiềm năng tiến hành thực hiện công viên địa chất như: Gành Đá Đĩa, khu vực các xã An Định, An Nghiệp, An Lĩnh (huyện Tuy An); khu vực Mũi Điện (huyện Đông Hòa).
Ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhận định: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là Phú Yên có nhiều điểm đến rất tốt. Ở đây có nhiều giá trị cộng hưởng với nhau về địa chất, tự nhiên, lịch sử, văn hóa.
Đến đây, bạn có thể tìm hiểu về những ngọn hải đăng được xây từ thời Pháp; các kiểu loại đá granite, quá trình phong hóa đá… Phú Yên có nhiều điểm có thể liên kết lại để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và trong tương lai có thể hình thành được công viên địa chất”.
Trong khi đó, Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, đánh giá: “Gành Đá Đĩa vốn nổi tiếng với vẻ đẹp cảnh quan vào bậc nhất của Việt Nam. Ở đây có rất nhiều khối đá với đủ hình dạng, kích thước.
Danh thắng này hiện trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách. Nếu trở thành một khu công viên địa chất, chúng ta có thể tìm hiểu và giới thiệu thêm nhiều nội dung về kiểu loại đá, nguồn gốc hình thành, tuổi đá… Khu vực gành Đá Đĩa còn có bãi biển rất đẹp nên sẽ là điểm đến lý tưởng và quan trọng của công viên địa chất”.
Với những lợi thế đó, tỉnh Phú Yên đang nỗ lực trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Cùng với đó là thực hiện nghiên cứu chuyên sâu để có những luận chứng khoa học trước khi đề xuất công nhận một số khu vực là công viên địa chất.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết: “Để hình thành một công viên địa chất và hướng tới được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì có rất nhiều yêu cầu và nhiều bước tiến hành. Trước hết, chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá lại một cách cụ thể tài nguyên về địa chất và các điều kiện đi kèm.
Phú Yên có rất nhiều khu vực đá có hình khối, kích thước đẹp trải dài từ thị xã Sông Cầu cho đến khu vực Mũi Điện (huyện Đông Hòa). Bên cạnh đó, Phú Yên còn có hệ san hô rất độc đáo dưới biển và các vách đá ở khu vực miền núi. Ngoài các yếu tố địa chất, Phú Yên có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Đây cũng là điều kiện để hình thành công viên địa chất”.
Theo ông Bảy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ Khoa học – Công nghệ cho thực hiện một đề tài cấp nhà nước để nghiên cứu đánh giá lại giá trị di sản, địa chất. “Đây sẽ là căn cứ khoa học để đề xuất công nhận một số khu vực của tỉnh Phú Yên là công viên địa chất toàn cầu.
Qua đó, giúp Phú Yên gia nhập chuỗi giá trị các điểm đến du lịch địa chất, mở rộng hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong thời gian tới”, ông Bảy kỳ vọng.
Công viên địa chất là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. |
Tin liên quan
- Về miền Tây vi vu Tết Canh Tý, thư thái ‘chốn cảnh tiên’ đẹp ngỡ ngàng
- 7 quán cà phê cho người Sài Gòn ngồi chơi dịp Tết năm mới 2020
- Người Sài Gòn đi chợ hoa Bến Bình Đông 2020: Hoa tươi, người bán ‘héo’
Nguồn: Thanhnien.vn