Ngày hội văn hoá Tây Bắc trong Tết Mường Thanh

0
8
polyad

Tháng 3 về, những cành ban rừng lại được chuyển đến 50 khách sạn Mường Thanh ở khắp các vùng miền của đất nước để tổ chức Tết.

Nếu đã một lần được đắm say trong không gian Tết Mường Thanh, bạn sẽ lại bị hối thúc tìm về đây mỗi dịp tháng 3. Đây là cơ hội để bạn được thăng hoa với lời ca tiếng nhạc và men rượu nồng nàn cùng các chàng trai, cô gái Mường Thanh trong trang phục truyền thống của đồng bào Thái.

Tết đặc biệt của người Mường Thanh

Tháng 3 gõ cửa, hoa ban khoe sắc khắp các cung đường, triền núi. Khắp nơi chim ca lảnh lót, hòa vào tiếng suối róc rách, tiếng cười rộn rã, hân hoan của mọi người, mọi nhà. Thời khắc đẹp nhất của Tây Bắc – quê hương của thương hiệu Mường Thanh, tạo hứng khởi cho hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn Khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam cùng sum vầy, tụ hội. Do đó, ngày 12/3 được coi là ngày Tết đặc biệt của người Mường Thanh.

polyad

Cô gái Thái bên hoa ban

Cứ như thế, kể từ năm 2014, tháng 3 chạm ngõ là những cành ban rừng lại được xếp gọn gàng trên các chuyến xe Bắc – Nam xuôi ngược đến với 50 khách sạn Mường Thanh ở khắp các vùng miền của đất nước. Điều thú vị là trong ngày này, cán bộ, nhân viên Mường Thanh được ăn Tết bên nhau, để cùng tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, bản sắc thương hiệu. Họ sẽ cùng trang trí cây hoa ban ở đại sảnh, treo lên đó những nét đẹp văn hóa Mường Thanh.

Các cô gái Mường Thanh ngày này sẽ mặc trang phục áo cóm truyền thống của người Thái với màu trắng kết hợp xanh, đen may bó sát cơ thể, hàng khuy bạc trắng cùng váy dài quấn suông và chiếc khăn piêu rực rỡ sắc màu. Tô điểm cho nét đẹp thanh tân dịu dàng đó là nụ cười nồng hậu.

Bản sắc trên mâm cỗ Tết

Giữa không khí tươi vui ấy, nhấp chén rượu táo mèo hay sâu chít, bất giác, có thể bạn sẽ lịm đi trong sự ngọt ngào. Quả táo mèo (hay sơn tra) được trồng trên những vùng núi cao, thấm đẫm gió ngàn và sương giá, ăn vào hơi chua chua, chát chát nhưng khi ngâm rượu lại ngọt lịm bờ môi. Còn đặc sản rượu sâu chít hoa ban nhấp ngụm nhỏ cũng đủ lan toả hương thơm, vị ngọt dịu, ngậy.

polyad

Mâm cỗ Tết Mường Thanh.

Nhưng đó chưa phải tất cả những gì khiến bạn ngạc nhiên trong mâm cỗ ngày Tết Mường Thanh. Trước tiên phải kể tới món xôi chim dẻo thơm được bày trong cái ếp tre. Vị béo ngọt của thịt chim câu sẽ giúp khơi dậy mọi giác quan của thực khách. Món mọ cáy (hay mọ gà) không chỉ bổ dưỡng mà còn mang ý nghĩa cầu mong năm mới sức khỏe dồi dào, được làm từ thịt gà bỏ xương và om với gạo nếp nương giã nhuyễn. Món còn hấp dẫn bởi các gia vị như mắc khén, hoa chuối rừng tạo độ thơm ngon, sánh quyện, cay tê.

Trong khi đó, món Pà Khính Boong (cá lu gác bếp) lại mang ý nghĩa mong muốn một năm mới an nhàn không vất vả như những khi ta nằm trên võng nghỉ ngơi. Cá chuối được tẩm ướp rồi treo lên gác bếp lu đi lu lại trên bếp lửa cho khô và thấm gia vị rồi mới đem hấp chín, khi ăn vừa ngọt lại vừa mềm, đậm đà hương vị. Tiếp đến, món vịt om hoa chuối nóng hổi lại gây ấn tượng nhờ vị bùi của hoa chuối hòa quyện vào vị ngọt của thịt vịt và vị cay cay của mắc khén, ớt giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân.

Món lạp trâu Thái tượng trưng cho sức mạnh của người đàn ông trong gia đình. Nó được chấm cùng nước măng chua, hài hòa với vị ngọt của thịt, vị giòn của bì trâu khiến bất cứ ai cũng phải chảy nước miếng khi nhớ về. Không kém phần hấp dẫn, món thịt lợn hun khói bắt mắt, dai dai, ngọt lịm theo từng miếng nhai hòa với vị cay của ớt, vị thơm của mắc khén. Riêng món nộm lúc lắc cá suối có vị đắng nhẹ, giòn và màu xanh đặc trưng, khiến mâm cỗ Tết Mường Thanh thêm sinh động, trọn vẹn, đủ đầy hương sắc từ vị chua, đắng dịu, thơm, ngọt đến vị bùi.

Món rau rừng đồ cách thủy rồi nộm với riềng, ớt xanh thanh mát, lạ miệng giúp  các món ăn cân bằng, thực khách không hề có cảm giác ngán. Tương tự, món canh da trâu nấu lá vón vén với vị chua dịu và ngọt thanh, sẽ làm tăng vị giác, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể.

Một coong xôi tím nóng hổi và cơm lam dẻo dai, thơm mùi ống tre gai nướng, ăn cùng muối vừng hay cá nướng, thịt khô cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Mường Thanh. Món bánh khẩu sén được làm từ gạo hay sắn có nhiều màu sắc bắt mắt dùng ăn tráng miệng giòn và thơm, làm cho hương vị ngày tết thêm đậm đà và ấm cúng.

Tất cả món ăn ấy đều được làm từ nguyên liệu sạch, chế biến cầu kỳ theo phương thức truyền thống của đồng bào Thái, gửi gắm bao yêu thương của người Mường Thanh tới thực khách. Chẳng thế mà mâm cỗ ấy đã khiến bất cứ ai được thưởng thức đều phải tan chảy và thăng hoa, xuýt xoa khi nhớ về.

polyad

Mường Thanh Điện Biên Phủ

Không phải ngẫu nhiên, người Mường Thanh lại chế biến mâm cỗ Tết kỳ công như vậy. Bởi bao năm nay, Tập đoàn Mường Thanh nhất quán đi theo con đường bảo tồn văn hóa và bản sắc thương hiệu, bản sắc dân tộc. Bà Lê Thị Hoàng Yến – Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh chia sẻ: “Chúng tôi cần sự khác biệt và phải khác biệt để có thể phát triển bền vững. Sự khác biệt ấy của Mường Thanh đến từ cái tên của mình – từ nguồn cội văn hóa Tây Bắc”.

“Tết Mường Thanh” đang dần đi vào cuộc sống của mỗi cán bộ, nhân viên tập đoàn như một ngày hội, ngày Tết thứ hai của mình sau Tết Nguyên Đán. Đó cũng chính là cách họ khẳng định Tập đoàn khách sạn này là ngôi nhà thứ hai của mình vậy.

Kim Ngân

Nguồn: Vnexpress.net