Ngất ngây hương rượu Bắc Hà

0
11

Bắc Hà – xứ sở đẹp như huyền thoại, với những điệu xoè bốc lửa, những bát rượu ngô sóng sánh, những cô gái thừa hưởng nước da hồng hào của xứ lạnh, luôn xúng xính bộ váy áo truyền thống, những chàng trai mặc áo ngắn để lộ bộ ngực gồ như đá tảng. 

Tới nơi đây, du khách sẽ lạc vào rừng mận tam hoa ngút ngàn, sẽ được biết đến chợ Bắc Hà rực rỡ sắc màu thổ cẩm và sẽ còn biết bao điều cần khám phá. Song, tới vùng đất đầy nắng và gió này, du khách không thể không nhắc tới câu ca cửa miệng đầy ấn tượng: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Dốc Trung Đô dài tới 14 cây số với nhiều đoạn quanh co, gấp khúc, gần như quanh năm chìm trong sương mù. Còn đến khu bán rượu ở chợ Bắc Hà, du khách như lạc vào “chợ” rượu. Có hàng chục hàng bán rượu. Người bán thường là những phụ nữ Mông, già có, trẻ có. Trước mặt họ, những can rượu đủ loại, cái nút bằng lõi ngô, cái quấn giấy bóng, cái nào cũng chứa đầy rượu mà sự phát tán của thứ nước cay nồng đủ làm những người không quen uống rượu vào đến đây đều ngây ngất. Ta nhìn vào hàng nào, lập tức cái chai trong tay người bán lắc nhẹ, thứ rượu trong vắt trong chai sủi bọt, những tăm bọt bám chặt vào thành chai thay cho lời quảng cáo thứ rượu đặc biệt. Dù mua hay không, người bán vẫn rút nút chai rót rượu ra một chén nhỏ đặt vào tay bạn. Dẫu sành hay không sành, bạn vẫn phải đưa chén rượu lên miệng. Mùi thơm gắt sực lên khiến bạn phải thận trọng, song khi giọt rượu đầu tiên chạm vào đầu lưỡi thì cảm giác nóng bừng lan toả khắp cơ thể làm bạn cảm thấy những giọt rượu chắt ra từ đá này cũng nồng nhiệt chẳng kém gì người làm ra nó.

Rượu ngô Bắc Hà nhiều nơi trong vùng nấu được, nhưng rượu ngon nhất vẫn là nấu ở Bản Phố. Đây là một xã nép dưới chân dãy núi đá, cách thị trấn Bắc Hà chừng sáu cây số; chen lẫn núi đất là người Mông sinh sống, họ canh tác chủ yếu là trồng ngô. Từ cây ngô, nghề nấu rượu và chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo. Nguyên liệu nấu rượu ngô của người dân Bản Phố gồm ngô, men và nước. Cũng như các xã khác trong vùng, do địa hình phức tạp, nguồn nước hiếm, khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa và ánh nắng mặt trời thuận lợi nhất là vào mùa hạ. Điều kiện tự nhiên đã gây khó khăn cho việc trồng lúa, song bù lại, khí hậu, đất đồi nơi đây lại phù hợp với cây ngô. Cây ngô dùng để nấu rượu của đồng bào là ngô vàng địa phương. Đây là loại ngô truyền thống thường được gieo trồng ở những mảnh nương cheo leo trên núi đá, rễ bám vào hốc đá, thân, lá uống sương đá để lớn lên.

Cũng như các loại rượu chưng cất từ ngũ cốc, rượu Bắc Hà là loại dung dịch etylic do men chuyển hóa từ tinh bột ngô thành rượu. Nó có tính cay nóng, ngấm vào kinh phế tùy vị, tâm bào… Nếu dùng liều lượng vừa phải, rượu Bắc Hà có tác dụng thông khí huyết, kích thích hoạt động thần kinh, kích thích tiêu hóa, thông kinh hoạt lạc (cấm dùng với người mắc bệnh gan, viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm phê quản mãn tính, bệnh lao, hen, suyễn, bệnh tim mạch). Do có tác dụng như vậy nên cùng với những hoa thơm, quả ngọt, rượu Bắc Hà đã theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước. Rượu Bắc Hà ai đã uống một lần thì nhớ mãi không quên.

Theo Tổng cục du lịch

Nguồn: Dulich.vtv.vn