Ông Nguyễn Minh Lý, Phó chánh thanh tra Sở Du lịch TP HCM mong người dân hiểu vai trò của an ninh trong phát triển du lịch, từ đó chung tay phòng chống tội phạm.
Phóng viên Zing.vn có cuộc trò chuyện với ông Lý sau khi xảy ra vụ nữ du khách người Ai Cập bị cướp túi xách tại quận 1.
– Ông đánh giá như thế nào về thực trạng cướp giật đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài tại TP HCM hiện nay?
– Tôi được biết việc cướp giật diễn ra với cả du khách trong và ngoài nước. Sở Du lịch không đủ cơ sở để nhận định hay đánh giá thực trạng. Chúng tôi chỉ có thể nói, như bất kỳ thành phố du lịch nào, việc cướp giật sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố và tâm lý của du khách.
Ali Aldoh (người Ai Cập) bị cướp túi xách ở TP HCM hôm 12/3. Ảnh: L.T. |
– Sở Du lịch có phản ánh tình trạng cướp giật đối với du khách lên các cơ quan chức năng? Họ phản ứng như thế nào?
– Tình trạng cướp giật trên đường phố nói chung và cướp giật của du khách nhận được nhiều sự quan tâm của ban lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng và hệ thống chính trị, đặc biệt là Công an Thành phố.
Thời gian vừa qua, lãnh đạo thành phố đã chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng này. Công an thành phố đã nhiều đợt tấn công, phá một số băng nhóm trộm cướp và tiêu thụ đồ gian nên cũng giảm thiểu số vụ xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, ở một số vụ việc cụ thể vì một số lý do khách quan như ngôn ngữ, thiếu chứng cứ, thời gian lưu trú của du khách ngắn… nên chưa xử lý triệt để.
Thanh niên xung phong cũng là một lực lượng quan trọng góp phần hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh, an toàn về tài sản và tính mạng cho du khách.
– Sở Du lịch tiếp nhận thông tin phản ánh việc du khách bị cướp giật từ những nguồn nào?
– Chúng tôi tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh: khách đến trực tiếp tại trụ sở, công an, báo chí, trang mạng, công ty lữ hành và tổng đài du lịch 1087…
Khi có bất kỳ vụ việc trộm cắp, mất tài sản, du khách nên liên hệ ngay với công an, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi lưu trú để các đơn vị này có thể tiếp nhận và xử lý, không cần trình báo lên Sở.
– Sở có từng đưa ra những thông tin cảnh báo du khách?
– Như các thành phố du lịch lớn trên thế giới, chúng tôi cũng thực hiện nhiều clip an toàn du lịch hướng dẫn cho du khách. Hiện các clip này đã chuyển về các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, taxi trên địa bàn TP HCM để các đơn vị này chuyển tải đến du khách.
Vào các đợt cao điểm, chúng tôi gửi văn bản nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, cơ sở lưu trú để họ chú ý cũng như có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Việc vận hành Trung tâm thông tin và hỗ trợ du khách cũng là một trong các biện pháp của ngành du lịch.
Trong các khóa tập huấn của các đơn vị kinh doanh du lịch, chúng tôi cũng lồng ghép một vài buổi huấn luyện nghiệp vụ, biện pháp đối phó hay xử lý tình huống du khách bị cướp giật. Đây là yếu tố cần thiết để các đơn vị hay hướng dẫn viên có thể làm chủ tình hình khi có tình huống không may, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
– Theo ông, nên đối phó và xử lý tình trạng cướp giật như thế nào?
– Trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự là chức trách của ngành công an. Họ đã có nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp giật trên đường phố. Từ đó, tình hình an ninh trận tự trên địa bàn thành phố, nhất là tại các địa bàn trọng điểm du lịch như quận 1, quận 3, quận 5 cũng đã có chuyển biến tốt.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho du khách, ngành du lịch cho rằng cần có sự chung tay của cộng đồng và sự phối hợp của các đoàn thể. Cụ thể là công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân về vai trò của an ninh trong phát triển du lịch, về chung tay phòng chống tội phạm, có như vậy mới có thể xây dựng TP HCM thành điểm đến an toàn – hấp dẫn – thân thiện cho du khách.
Nguồn: News.zing.vn