Bất ngờ, ngạc nhiên, thậm chí hàng loạt câu hỏi hoài nghi được giới chuyên gia, phóng viên kinh tế đặt ra từ trước cuộc họp của Tổng cục Thống kê về con số 7,46%.
Bất ngờ, ngạc nhiên, thậm chí hàng loạt câu hỏi hoài nghi được giới chuyên gia, phóng viên kinh tế đặt ra từ trước cuộc họp của Tổng cục Thống kê về con số 7,46%. Từ 6 năm nay, ngưỡng tăng trưởng này chưa lặp lại.
Con số này cao gần gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của năm 2017. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP quý I là 5,15%, quý II là 6,28% thì quý III đã vọt lên 7,46%.
Tại cuộc họp báo sáng 29/9, có người còn nêu câu hỏi lạc quan với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, rằng liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 có thể vượt mục tiêu 6,7%.
3 ngày trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được ADB điều chỉnh còn 6,3% trong năm 2017, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có điều chỉnh dự báo theo hướng giảm tại khu vực châu Á.
Trước ADB, một số tổ chức quốc tế khác cũng đã điều chỉnh giảm với chỉ số dự báo tăng trưởng của Việt Nam, về mức 6,3% so với mức 6.5% trước đó, bao gồm Ngân hàng Thế giới WB và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF.
Câu chuyện mục tiêu tăng trưởng 6,7% Quốc hội giao cho Chính phủ đã là chủ đề bàn thảo nhiều năm qua, với mỗi kỳ Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế – xã hội.
Ngay trong năm 2017 này, đã có thời điểm Chính phủ dành phiên họp riêng, Quốc hội dành thời lượng thảo luận trên nghị trường, để bàn có hay không việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trước thực tế tăng trưởng GDP quý I/2017 xuống thấp nhất trong vài năm trở lại đây, chỉ 5,15%.
Trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ, với kết quả quý I, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. “Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 – 6,5%”.
Thế nhưng, cả Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. “Đặt mục tiêu 6,7% để là có cơ sở phấn đấu” – ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã nói như vậy.
Mục tiêu tăng trưởng GDP là áp lực hay động lực cũng là câu hỏi được báo giới đặt ra với vị lãnh đạo Tổng cục Thống kê sáng 29/9. Người đứng đầu Tổng cục Thống kê lập tức đáp lời: mục tiêu đó với cơ quan thống kê “không phải là áp lực”.
“Tại cuộc họp với Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia hôm 28/9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh các bộ ngành hoàn toàn tôn trọng số liệu thống kê của chúng tôi. Chúng tôi là cơ quan độc lập, không chịu bất kỳ áp lực gì”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông khẳng định các dự báo của Tổng cục Thống kê dựa trên các số liệu kinh tế có cơ sở và là kết quả của việc chạy mô hình theo chuẩn mực quốc tế. Ông nhấn mạnh nhiều lần về tính khách quan trong các chỉ số kinh tế – xã hội mà đơn vị này đưa ra.
Thế nhưng, “mục tiêu tăng trưởng là áp lực cho chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”, ông Lâm nói. Theo vị này, mục tiêu 6,7% cũng là động lực với nền kinh tế, với Chính phủ.
Một loạt chính sách đã được Chính phủ đề ra để khơi thông nguồn lực thông qua cải thiện môi trường kinh doanh.
Tổ công tác của Thủ tướng rốt ráo làm việc với từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, để “đặt hàng” những vấn đề mà Chính phủ và Thủ tướng quan tâm, yêu cầu từng đơn vị triển khai. Chính phủ cũng rà soát việc giải ngân ở từng đơn vị, nhắc nhở các đơn vị chậm trễ, xem xét các vướng mắc, từ đó gỡ khó.
Nhiều cuộc làm việc của Thủ tướng với các doanh nghiệp, tư nhân và nhà nước, trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng như đại diện cộng đồng này, để lắng nghe và giải đáp các thắc mắc.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh sau khi chỉ số tăng trưởng GDP công bố, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải thích cho người dân trước một số ý kiến nghi ngờ tăng trưởng cao. Phó thủ tướng cho rằng nếu xét kỹ thì có căn cứ rõ ràng. “GDP đạt cao là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa”.
Điều đáng chú ý, theo ông Lâm, là con số tăng trưởng cao đi liền với chất lượng tăng trưởng, khi các chỉ số phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy mọi thứ đang tốt lên.
Theo tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, song song với việc tính toán tốc độ tăng trưởng, đơn vị này có quan tâm và tính toán các chỉ số về vốn, năng suất lao động, chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp), cũng như tỷ suất vốn đầu tư/GDP. Đây là các chỉ số cho phép đo một phần về chất lượng của tăng trưởng.
Theo đó, Tổng cục Thống kê ghi nhận chỉ số TFP tăng cao hơn so với năm 2016. Ngoài ra, các chỉ số năng suất lao động, vốn đầu tư so với GDP có thay đổi theo chiều tích cực.
“Đầu tư cũng là một kênh tăng trưởng, một đồng vốn đầu tư tăng thêm sẽ đi luôn vào giá trị công trình, nên tăng đồng nào cũng là góp vào tăng GDP đồng đó”, ông Lâm phân tích. Trong khi đó, Chính phủ từ đầu năm đặt chỉ tiêu vốn đóng góp 34% vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, thực tế con số này đạt thấp hơn, vốn không đổ dồn vào bất động sản, xây dựng như trước.
“Nền kinh tế phát triển đã ít phụ thuộc hơn vào vốn, là chỉ số tích cực”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, quý III đã xuất hiện nhiều điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt các ngành sản xuát linh kiện điện tử. Quý III, Samsung có note 8 làm tăng trưởng xuất khẩu tăng nhanh thúc đẩy tăng trưởng chung của Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Tăng trưởng trong ngành thủy sản trên 5% cũng là một điểm sáng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cho thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu từ cây lúa sang thủy sản.
Khu vục dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý III tăng cao tăng 9,2%.
Theo Tổng cục Tống kê, với xu hướng tăng trưởng kinh tế quý IV thường cao, cùng sự phát triển kinh tế trong quý III, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% là có khả năng đạt được.
Đơn vị này đề xuất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, cần tập trung vào một số vấn đề như ổn định thị trường tài chính tiền tệ, kiểm soát lạm phát, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên…
Ngoài ra cần tăng cường công tác phòng chống bão lũ, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến nông nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công được giao một cách đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí. Ổn định thị trưởng bất động sản.
Cần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước, kiểm soát nhập khẩu, duy trì tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đăng cai APEC.
Nói với Zing.vn, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng tốc độ tăng trưởng cao trong quý III là tín hiệu đáng mừng. Ông cũng lạc quan rằng Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7%.
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý sự lạc quan với tốc độ tăng trưởng đi kèm thận trọng, khi động lực chính phát triển kinh tế của đất nước đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi các doanh nghiệp này làm ăn tốt lên thì chỉ số kinh tế sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi họ làm ăn không tốt, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi tháng 5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn: “Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó nhưng có thể”.
TS. Lê Đăng Doanh nhắc đến chỉ số GNI (Gross national income – Thu nhập quốc dân) để nói về chất lượng tăng trưởng. Theo đó, đây là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia, cho thấy mức thu nhập thực tế của quốc gia, không tính đến việc các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn được bao nhiêu tại Việt Nam. Theo đó, chỉ số này cần được Chính phủ quan tâm hơn là chỉ tiêu GDP.
Từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang, cho biết để đạt được tăng trưởng Chính phủ đã phải đánh đổi một số yếu tố của kinh tế vĩ mô. Nền tảng vĩ mô đã ổn nhưng dựa vào những yếu tố có thể đạt được tăng trưởng trong ngắn hạn như đầu tư nước ngoài và khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, để đạt được bền vững lâu dài thì vẫn còn là dấu hỏi.
Chính phủ đã có nhiều sự thay đổi về chính sách nhưng sẽ tác động trong trung hạn, khi được vận hành ổn định, khó có thể tác động vào tăng trưởng trong năm nay. Ông Giang cũng nhấn mạnh đến nội lực nền tảng, động lực phát triển cho nền kinh tế là khu vực tư nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
“Cần cởi bỏ các điều kiện kinh doanh để môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng. Có như như vậy nền kinh tế mới có sự tăng trưởng ổn định lâu dài”, ông Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng những ngành quan trọng có giá trị gia tăng lớn cho đất nước như sản xuất hàng hóa, kinh doanh tiêu dùng vẫn chưa phát triển như Chính phủ kỳ vọng.
“Những dạng tăng trưởng chúng ta mong muốn, có tính căn cơ, tạo giá trị cao mới ở mức khởi động. Cần chờ đợi thêm để đạt hiệu quả thực sự cho nền kinh tế”, ông Hiển cho biết thêm.
Nguồn: News.zing.vn