Đường làng xanh tươi cây trái – Ảnh: THU HUỆ
Đường làng xanh mát
Từ TP.HCM, có thể đi theo quốc lộ 1A đến Mỹ Tho, từ Mỹ Tho bạn tiếp tục đến Cái Bè. Ngoài ra cũng có thể theo quốc lộ 50 qua cầu Mỹ Lợi, đến Gò Công, Mỹ Tho và theo tỉnh lộ 864 qua Cai Lậy rồi đến Cái Bè .
Con đường bao quanh làng xanh mát cây trái, với khoảng sân trước nhà nào cũng có mai – những ngày cận tết đã lác đác nở hoa.
Cặp mé kênh, cây bàng lá đỏ hắt xuống sông trong nắng chiều. Những bờ rào, bờ dậu vàng rực hoa huỳnh anh.
Những mo cau rụng xuống đường làng, khiến một vài du khách đã “xin một vé đi tuổi thơ” ngồi trên mo cau cười hồn nhiên như trẻ nhỏ…
Những ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm rải rác trong các ấp An Bình Đông, ấp Phú Hòa, ấp An Lợi, ấp An Thạnh…Một số ấp nối với nhau như khu bàn cờ, trong bán kính khoảng 2km nên du khách chỉ cần một chiếc xe đạp hoặc đi bộ là có thể đi quanh làng…
Cây bàng nằm mé kênh – Ảnh: THU HUỆ
Hàng rào vàng rực hoa huỳnh anh – Ảnh: THU HUỆ
Những ngôi nhà cổ nằm trong vườn cây
Không như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) hay làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế), các ngôi nhà cổ thường nằm san sát nhau, nhà cổ ờ Đông Hòa Hiệp nằm rải rác, bao quanh là những vườn cây.
Nhà cổ ông Xoát mang dáng dấp kiến trúc phương Tây – Ảnh: THU HUỆ
Trong nhà cổ ông Xoát, trên những cánh cửa, những chi tiết điêu khắc được chạm trổ tinh tế
Theo bảng chỉ dẫn và cả hỏi thăm đường ít nhất ba người dân địa phương chúng tôi mới tìm được ngôi nhà cổ ông Xoát (ấp An Thạch). Đây là ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở Đông Hòa Hiệp, được xây từ năm 1818, đến nay là tròn 200 năm.
Mặc dù nhìn bên ngoài ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây nhưng bên trong lại mang dáng dấp nhà rường của Huế kết hợp lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 đang sinh sống trong ngôi nhà.
Nhà cổ ông Kiệt mang phong cách nhà cổ Bắc Bộ
Chuối, mít dựng bên chái nhà cổ ông Kiệt, mang đầy phong vị cuộc sống – Ảnh: THU HUỆ
Những cây cột, kèo trong nhà ông Kiệt được làm từ nhiều loại gỗ quý – Ảnh: THU HUỆ
Không lặng lẽ như nhà cổ ông Xoát, nhà cổ ông Kiệt (ấp Phú Hòa) nhiều người vào ra, con cháu sinh hoạt trong nhà cũng đông đúc hơn, mang đầy hơi thở cuộc sống.
Ngôi nhà này mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với 5 gian và 3 chái và rất nhiều cột, kèo làm bằng gỗ quý…, xây dựng từ năm 1838, được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” của Việt Nam…
Nhà cổ ông Tòng sau bờ rào hoa huỳnh anh – Ảnh: THU HUỆ
Nắng chiều hắt lên mái ngói nhà cổ ông Võ – Ảnh: THU HUỆ
Bộ tràng kỷ nhuộm màu thời gian của nhà cổ ông Võ – Ảnh: THU HUỆ
Tròng làng còn nhiều nhà cổ nữa. Mỗi ngôi nhà đều có dấu ấn riêng. Nhà cổ ông Tòng nấp sau hàng rào hoa huỳnh anh vàng rực và trước nhà nhiều cội mai già. Nhà cổ ông Võ với mái ngói thâm nâu, những bộ tràng kỷ đen bóng mang màu thời gian…
Đây là ngôi nhà cổ ông Ba Đức kết hợp kiến trúc cả phương Tây và phương Đông, được xây từ năm 1938 – Ảnh: THU HUỆ
Bên trong nhà cổ ông Ba Đức – Ảnh: THU HUỆ
Trải nghiệm homestay
Ở Đông Hòa hiệp có một vài khách sạn, nhà nghỉ. Nhưng nếu muốn trải nghiệm nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ, bạn có thể liên hệ trước với gia đình nhà ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… Những ngôi nhà này cổ này đều có dịch vụ du lịch homestay…
Hiện nay Đông Hòa Hiệp có 7 căn nhà cổ từ 150 – 220 năm và 29 ngôi nhà từ 80 – 100 năm.
Ngoài làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế) Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) được Tổng cục Du lịch và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JAICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn