Mùa thu ở Ladakh: Hành trình trải nghiệm của 1 phụ nữ Việt đến nơi đẹp tựa ‘thiên đường ẩn giấu’ ở Ấn Độ

0
27

Người ta thường chỉ biết đến Ấn Độ với Taj Mahal lộng lẫy, tới những khu đường phố đông đúc, xô bồ nhưng đầy màu sắc văn hoá đặc trưng của đất nước Tây Á này. Nhưng đã bao giờ, bạn nghĩ đến một Ấn Độ trầm lắng, hoang sơ với những thung lũng bao la, dòng sông xanh như ngọc vắt qua triền núi với những rặng cây lá vàng khi mùa thu tới? Đó là một Ấn Độ của Zanskar, của Ladakh, của một bà mẹ bỉm sữa chinh phục hành trình đầy chông gai này ngay khi em bé của mình mới hơn 1 tuổi. Và dưới đây, chính là những ghi chép của chị Hồng Ngọc – một người phụ nữ đã ngoài 30 nhưng đã kịp dắt túi cho mình những chuyến đi khắp thế giới, từ những đô thị xa hoa nhất cho đến những cung đường hoang vắng nhất.

Vậy là thêm một giấc mơ mùa thu ở Zanskar và Ladakh được thực hiện. Chuyến đi này quả thực gặp rất nhiều chông gai. Tôi nhớ mình lên kế hoạch từ cuối năm 2016, khi đó em bé của tôi mới được 2 tháng, trong 1 lần nằm nhà chăm con thấy các bạn đi Ladakh mùa thu lá vàng quá đẹp, cộng với việc đọc về Ladakh được mệnh danh là tiểu Tây Tạng (mà thực tế ngày xưa nó là Tây Tạng mà) tôi quyết tâm mùa thu năm sau mình cũng phải tới Ladakh một chuyến.

Thế là tôi hì hục đọc và sàng lọc thông tin để làm lịch trình, tháng 12 tôi bấn đến mức book vé luôn cho tháng 9/2017, book cốt để cho mình đỡ bị cuồng chân ấy mà. Thế nhưng đến tháng 7 năm nay nhà tôi có một chút việc ngoài ý muốn nên tôi gần như đã phải hủy chuyến đi. Cũng rất nhiều lúc tôi thấy chán và buồn nhưng tôi tự an ủi mình là không sao, Ladakh không đi vẫn còn đó. Tôi vẫn lo hết mọi lịch trình, liên hệ với agent cho nhóm mình. Đồng thời tôi cũng bấm hủy vé nội địa, chuyển tên vé của mình cho người khác. Nhìn mọi người trong nhóm làm visa, đặt khách sạn ở Delhi, chuẩn bị đồ ăn, thuốc thang tôi cũng có tí ghen tỵ, nhưng vẫn tự an ủi thôi coi như duyên chưa tới đi vậy.

5 ngày trước ngày bay, tôi thu xếp được mọi thứ và lại có thể lên đường. Thế là tôi chỉ còn 5 ngày chạy cuống cuồng đặt lại các thể loại vé, làm evisa, mua sắm đồ, sắp xếp tất cả mọi thứ ở nhà để chuẩn bị đi. Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ chả biết mình có đi được không, phải ngồi lên được cái máy bay sang Delhi, tôi mới tin tôi có duyên để đi chuyến này.

Ladakh và Zanskar mùa thu đẹp khủng khiếp, mỗi tội tất cả mọi nơi đều không có thịt, không có thịt trời ơi. Chỉ duy nhất ở Leh có thể mua được gà đông lạnh và 1 hôm mua được 2 kg thịt dê về nấu cho cả nhóm ăn. Còn ra khỏi Leh và đặc biệt là Zanskar, tôi thấy tiền không có giá trị gì vì có tiền cũng không mua được thịt mà ăn. Chỉ có rau, trứng, mì tôm, ruốc, đồ hộp và cà ri trong suốt chuyến đi.

Leh sáng sớm và khi nhìn từ trên cao.

Leh sáng sớm và khi nhìn từ trên cao.

Cảnh vật trên đường đi.

Cảnh vật trên đường đi.

Chuyến đi này nhóm tôi có 10 người. Chúng tôi ở Leh 3 ngày, sau đó đi tới hồ Pangong nổi tiếng bởi đó là nơi quay những cảnh cuối trong bộ phim 3 Idiots một thời làm mưa làm gió và sau đó đi hồ Tso Moriri.

Ladakh rất dễ đi, không cần giấy phép như đi Tibet mặc dù nó được coi là Tiểu Tây Tạng trên đất Ấn, rẻ và rất đẹp. Mỗi tội đường xá rất xấu, quãng đường 200km mà tôi phải đi từ 6 sáng tới 7h tối mới tới nơi, xóc long sòng sọc và ê hết các cơ quan đoàn thể. Nhưng cảnh đẹp trên đường đi rất xứng đáng cho bao nhiêu công sức, sức khỏe, mệt nhọc để bỏ ra tới đây.

Chuyến đi này nhóm tôi có 10 người. Chúng tôi ở Leh 3 ngày, sau đó đi tới hồ Pangong nổi tiếng bởi đó là nơi quay những cảnh cuối trong bộ phim 3 Idiots một thời làm mưa làm gió và sau đó đi hồ Tso Moriri. Sau khi quay lại Leh một ngày để nghỉ ngơi chúng tôi đi tới Zanskar – nơi được mệnh danh là trái tim của Ladakh, có thể nói ai chưa tới Zanskar thì coi như chưa tới Ladakh một cách trọn vẹn. Zanskar là nơi rất vắng vẻ, ít người, chính vì thế những gì hiện đại chưa tới đây được nhiều, phong cảnh và con người rất hoang sơ, gần gũi và đẹp. Đặc biệt nhất là chúng tôi tự đi bộ tới tu viện Phugtal, tu viện cổ nhất ở vùng Ladakh, nằm biệt lập trong một vách đá ẩn sâu trong những dãy núi và chỉ có đi bộ mới tới được đây.

Hồ Pangong tuyệt đẹp!

Hồ Pangong tuyệt đẹp!

Xem thêm: Các khách sạn tại Ladakh

Chúng tôi đã hoàn thành chuyến đi rất vui vẻ, nhất là lúc cả nhóm vào bếp của khách sạn ở Leh, Padum nấu nướng vì không chịu nổi đồ ăn có cary. Bây giờ tôi đang ngồi viết lại những dòng này, 17 ngày trôi qua nhanh như một giấc mơ. Tôi nhớ sáng hôm qua tỉnh dậy ở Sringar, nhớ da diết cảm giác sáng dậy, trời mờ sương, lạnh lạnh, ngoài kia lá vàng và lại leo lên xe lắc lư đến một tu viện, một cái hồ, một địa điểm nào đó, lại nhớ cảm giác xuýt xoa ồ lên mỗi khi thấy một cái làng lung linh dưới những tán cây lá vàng, khi thấy hồ xanh như ngọc, khi thấy những ngọn núi tuyết của rặng Zanskar sừng sững hay khi thấy dòng sông băng vĩnh cửu trên đường đến Padum.

Tu viện Thiksey với kiến trúc độc đáo.

Tu viện Thiksey với kiến trúc độc đáo.

Tu viện Matho.

Tu viện Matho.

Tu viện Hemis.

Tu viện Hemis.

17 ngày, tôi đã lắc lư trên chiếc xe Tempo Traveller không biết bao giờ, đi qua bao nhiêu con đường nhựa, con đường đầy sỏi đá mà một bên là núi đá, một bên là vực sâu cheo leo, đi qua bao nhiêu hàng stupa cầu nguyện. Có những lúc hàng mấy chục cây số không có lấy một bóng cây, một bóng người, không làng mạc, chỉ có những dãy núi tuyết sừng sững ngạo nghễ, những hàng cây lá vàng dưới nắng và trời xanh lấp loáng.

Bây giờ nhắm mắt lại là những hình ảnh về con sông Tsarap xanh như ngọc, những đàn bò Yak nhởn nhơ gặm cỏ trên đường, những đàn cừu và dê béo múp đang chạy trên sườn núi.

Bây giờ nhắm mắt lại là những hình ảnh về con sông Tsarap xanh như ngọc, những đàn bò Yak nhởn nhơ gặm cỏ trên đường, những đàn cừu và dê béo múp đang chạy trên sườn núi.

Rồi tôi nhớ những lúc cả bọn đi trên đèo, xe nghiêng ngả thì cả lũ lại rú lên rồi dồn về phía kia của xe để xe cân bằng không dễ bị lật. Trên xe, bạn lái xe luôn bật nhạc Ấn Độ vui nhộn, ầm ĩ, rồi có những lúc chúng tôi cũng mở nhạc của mình để không khí trên xe được thoải mái, tiếng nhạc hòa với tiếng lạo xạo của bánh xe đi trên đường đá, với những tiếng nói cười rôm rả khiến cả chặng đường dài ngồi trên xe đỡ bị buồn chán.

Lúc ở Padum, sau khi đi trek về thấy mệt mỏi, gian khổ vì thiếu đồ ăn, đường xấu, gian khổ nghĩ chắc một đi không trở lại chỗ này đâu. Rồi tự lẩm bẩm ở nhà chăn ấm nệm êm, máy lạnh chạy phà phà, ăn thịt suốt ngày không muốn, lại chạy đến cái chỗ khổ sở, đầy bụi, thịt không có mà ăn, hở tí là đau đầu shock độ cao, hở tí là không thở được. Thế nhưng bây giờ lại rất nhớ những ngày chả phải suy nghĩ vướng bận gì, cuộc sống thật đơn giản, mở mắt ra là chỉ việc nghĩ lịch trình hôm nay đi đâu nhỉ, sáng nay hostel cho ăn gì, bôi kem dưỡng ẩm Himalayas, rồi bôi kem chống nắng, lên xe của Kunga sẽ mở nhạc gì cho hợp cảnh ngày hôm nay hay buổi tối có trà Masala uống cho ấm bụng không.

Nói thật, mình thấy cuộc sống của mình thật nhiều điều để nhớ khi có những khoảnh khắc như thế. Lúc đó tôi nghĩ chắc chỉ đi tới đây 1 lần nhưng bây giờ thì không chắc, rất có thể tôi sẽ quay lại sớm, biết đâu đấy.

Bây giờ nhắm mắt lại là những hình ảnh về con sông Tsarap xanh như ngọc, những đàn bò Yak nhởn nhơ gặm cỏ trên đường, những đàn cừu và dê bép múp đang chạy trên sườn núi, cảnh vắt sữa dê và lùa dê ra cánh đồng ở ven hồ Tso Moriri, những nụ cười hồn hậu của những người dân Ladakh, những tu viện đầy mùi dầu bơ, mùi trà Masala nóng hổi mỗi sáng sớm, bầu trời trong xanh không một gợn mây… vẫn in rõ trong tâm trí tôi. Dường như hồn tôi vẫn ở nơi đó chưa quay lại cuộc sống hiện thực. Hẹn một ngày không xa, Julley Ladakh.

Hồ Tso Moriri nước xanh ngắt!

Hồ Tso Moriri nước xanh ngắt!

Khung cảnh xung quanh hồ Tso Moriri.

Khung cảnh xung quanh hồ Tso Moriri.

Xem thêm: Các khách sạn tại Ấn Độ

Camnangdulich.vn – Nguồn: Kenh14

Nguồn: News.zing.vn