Moscow ở phía trước mũi tàu: Xuyên đêm xuyên biên giới đến Nam Ninh

0
24
Hành khách chuyển hành lý xuống để làm thủ tục kiểm tra an ninh và xuất cảnh tại ga Đồng Đăng /// Ảnh: Đỗ Hùng

Trên miền biên viễn Đồng Đăng, lòng tôi chợt thấy bâng khuâng khi rời xa Tổ quốc giữa đêm khuya dưới cơn mưa phùn. Nhưng chặng đường trước mặt còn dài, với bao điều hấp dẫn mời gọi.

Hành khách chuyển hành lý xuống để làm thủ tục kiểm tra an ninh và xuất cảnh tại ga Đồng Đăng /// Ảnh: Đỗ HùngHành khách chuyển hành lý xuống để làm thủ tục kiểm tra an ninh và xuất cảnh tại ga Đồng Đăng – Ảnh: Đỗ Hùng

Ga Gia Lâm ở phía bên kia cầu Long Biên. Tòa nhà chính của ga nằm sát mặt đường, chẳng có vỉa hè gì cả. Tôi đến lúc 8 giờ 30 tối sau một cơn mưa tối tăm mặt mũi.

VIDEO: Chuyến tàu Gia Lâm – Nam Ninh

Tôi cẩn thận đặt vé trước một ngày dù đã đọc một bài báo trên mạng phân tích do đâu mà tàu liên vận Gia Lâm – Nam Ninh ế khách. Giá vé một chiều Gia Lâm – Nam Ninh là 741.000 đồng cho giường nằm thoải mái trong phòng bốn giường, máy lạnh. Giá như vậy thì không quá cao, chắc hẳn không phải là nguyên nhân chính khiến hành khách né tránh loại phương tiện này.

Tuyến đường sắt Gia Lâm – Lạng Sơn do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ trước. Hiện nay, nó là một trong những tuyến hiếm hoi trên lãnh thổ VN sử dụng đường sắt tiêu chuẩn khổ 1.435 mm. Từ năm 2009, tàu liên vận Nam Ninh – Hà Nội được đưa vào khai thác, do Cục Đường sắt Nam Ninh phụ trách, việc bán vé do Công ty đường sắt Hà Nội và phía đối tác thực hiện. Mỗi ngày có một chuyến tàu đi từ ga Gia Lâm sang Nam Ninh, xuất phát lúc 21 giờ 20 và tới Nam Ninh vào 10 giờ sáng hôm sau theo giờ địa phương, tức 9 giờ sáng tại VN. Chuyến tàu từ Nam Ninh đến ga Gia Lâm vào cuối buổi chiều mỗi ngày.
Theo lộ trình tôi đọc ở bảng thông tin nhà ga, tàu sẽ từ Gia Lâm, qua Bắc Giang, lên Đồng Đăng, sang Bằng Tường bên kia biên giới, tới Sùng Tả rồi đến Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị Choang Quảng Tây.
Tới 21 giờ, chúng tôi lục tục lên tàu. Cô nhân viên Bùi Lệ Anh ở ga Gia Lâm thấy tôi lỉnh kỉnh máy móc đã chạy lại giúp đỡ mang hành lý ra tàu. “Tàu này của Trung Quốc, nhân viên trên đó toàn người Trung Quốc cả. Bọn em chỉ làm ở nhà ga thôi”, cô nói trước khi chia tay. Tôi rất vất vả mới đưa được va li lên tàu bởi ở đây không có bục chờ thành ra sàn tàu cao gần ngang vai người.

Moscow ở phía trước mũi tàu: Xuyên đêm xuyên biên giới đến Nam Ninh - ảnh 2

Đi dọc hành lang khá rộng tới cuối toa, tôi chui vào buồng. Đó là một căn buồng bốn giường, rất rộng rãi, với gối, drap và chăn ấm chờ sẵn. Ở đấy có một anh chàng Trung Quốc đã ngồi sẵn. Tôi vào được một lúc thì anh nhân viên tới soát vé và giao cho chiếc thẻ giường nằm. “Anh đi Nam Ninh rồi có đi đâu nữa không?”, anh chàng hỏi bằng tiếng Việt. “Tới Nam Ninh tôi sẽ mua vé lên Bắc Kinh. Từ đó tôi sẽ sang Mông Cổ, rồi sang Nga, bằng tàu”. “Ồ, thế à? Vậy anh có vé tới Bắc Kinh chưa?”. “Chưa. Tới Nam Ninh tôi sẽ mua”. “Cũng được. Nhưng hôm nay trời mưa, có lẽ tàu này sẽ trễ. Nếu có gì cần trợ giúp anh cứ tìm tôi”. Tôi cảm ơn anh ta và nhảy lên giường của mình, gật đầu chào anh hành khách Trung Quốc giường bên cạnh. Anh ta đáp lại “xin chào”. Tôi mới hỏi anh ta nói tiếng Việt được không, anh ta bảo chút chút, “tôi nói tiếng Anh tốt hơn”.

Anh này là Zhou Yong Gang, 40 tuổi, có vợ và một con sống ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Anh tới VN làm ăn. Công việc của anh là đưa giày dép, túi xách Trung Quốc sang bỏ cho các đại lý, cửa hàng ở Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội. “Công việc làm ăn có tốt không?”, tôi hỏi. “Cũng được anh ạ. Tôi có nhiều bạn tốt ở VN”.
Tạm biệt đất mẹ
Lúc 1 giờ 04 phút sáng, tàu tới ga Đồng Đăng. Dưới cơn mưa phùn lất phất, chúng tôi phải xách hết hành lý xuống kiểm tra an ninh để làm thủ tục xuất cảnh. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh… mà tôi từng gặp của thời học sinh là đây. Miền biên viễn một thời đạn bom mà anh trai tôi đã trải qua những tháng năm tuổi trẻ, với sốt rét rừng, với đạn pháo thâu đêm là đây. Những đôi mắt mang hình viên đạn ngày ấy giờ đang ở phương nào? Ngày tôi băng mình qua biên giới trong đêm, tình cảnh đã rất khác, thách thức cũng khác, nhưng tâm trạng sao cứ bâng khuâng…
Từ khi soi hành lý cho tới lúc anh nhân viên xuất cảnh đóng dấu vào hộ chiếu chỉ mất chừng hai mươi phút do toàn bộ hành khách chỉ tầm ba mươi người. Sau khi lên tàu, chúng tôi chờ đợi thêm tầm hai tiếng nữa thì tàu mới chậm chạp lăn bánh. Lúc này Zhou đem bọc trái vải và dưa bở ra mời chúng tôi ăn. “Tôi phải ăn hết chỗ này chứ không được đưa vào Trung Quốc”, anh ta bảo. “Luật không cho mang vào”.
Một chốc sau tàu lại dừng và chúng tôi lại được thông báo mang hết hành lý xuống để làm thủ tục nhập cảnh ở Bằng Tường. Lại máy soi chiếu hành lý, lại trình hộ chiếu, đóng dấu nhập cảnh giữa đêm khuya. Ở khu vực làm thủ tục, tôi thấy những khẩu hiệu chữ vàng trên nền đỏ. Có một khẩu hiệu viết song ngữ Trung – Việt: “Yêu quý sinh mệnh, cự tuyệt ma túy”. Bên dưới là mấy anh lính rằn ri đứng canh gác. Do trong tờ khai nhập cảnh có mục “Địa chỉ của bạn ở Trung Quốc”, tôi bèn vào mạng để tìm địa chỉ khách sạn, đặng ghi cho chính xác nhưng ở đây đã mất sóng Viettel, thay vào đó là sóng China Mobile. Tôi bật thiết bị roaming và lên Google để tìm kiếm thì ôi thôi, “trang web không vào được”. Đến lúc này tôi mới chợt nhớ ra là ở Trung Quốc, các mạng phổ biến như Google, Facebook đều bị chặn. Tại cửa khẩu Bằng Tường, tôi đã có kinh nghiệm đầu tiên với Vạn lý Tường lửa.
Làm thủ tục xong đâu đấy, lại lên tàu, lại chờ đợi, tới 5 giờ 20 sáng theo giờ Bắc Kinh, tức 4 giờ 20 tại VN, tàu mới lại chậm rãi lăn bánh. Khoảng thời gian chờ đợi, làm thủ tục gần bốn tiếng đồng hồ với hai lần vác va li lên xuống là một trong những nỗi phiền toái chính khiến người ta tránh đi tuyến đường sắt này. Tôi từng đi tàu xuyên biên giới nhiều phen, qua những quốc gia chưa có liên thông về thị thực, chưa thấy nơi đâu phức tạp như ở đây. Tại biên giới giữa Áo và Thụy Sĩ, tất cả những gì tôi phải làm là ngồi trong toa của mình và trình giấy tờ cho nhân viên cửa khẩu. Tại biên giới giữa Ba Lan thì thời gian chờ đợi có lâu hơn, khoảng hai tiếng, nhưng chủ yếu là để các kỹ thuật viên tàu lửa đổi bánh tàu do sự vênh nhau giữa khổ đường sắt của hai nước chứ không phải do thủ tục nhiêu khê.

Buổi sáng đầu tiên của tôi trên đất khách, tàu chạy giữa ẩm ướt sương. Những ngọn núi lô nhô chạy dọc hai bên đường tàu như không bao giờ dứt, thi thoảng, vài cụm nhà nhỏ mọc lên giữa non xanh nước biếc. Zhou thông báo cho tôi những thị trấn sắp tới và đôi khi khó diễn đạt anh lại lấy ứng dụng phiên dịch trên điện thoại để diễn tả ý kiến của mình. Anh chàng cũng giúp tôi tìm kiếm vé tàu sớm nhất để nối chuyến tới Bắc Kinh.
Quá 10 giờ sáng, tàu đến ga Nam Ninh. Đây là ga tàu cũ có đường sắt tỏa đi khắp đất nước. Ở Nam Ninh còn có một ga tàu nữa, mới xây dựng, đó là ga Nam Ninh Đông rất to lớn và hiện đại. Phần lớn tàu cao tốc xuất phát từ Nam Ninh Đông, vốn ở cách ga chính khoảng 30 phút taxi, hết chừng 60 nhân dân tệ. Sau một hồi tính toán, Zhou dẫn tôi đi ăn mì. Tôi kêu một bát mì thịt heo 20 tệ, ăn xong no lặc lè mới đi mua vé. Tất cả các tàu cao tốc chạy tuyến Bắc Kinh – Nam Ninh đều đã khởi hành trước khi chúng tôi đến thành phố này, thế nên chúng tôi miễn cưỡng chọn một chuyến tàu thường xuất phát từ ga Nam Ninh Đông vào lúc17 giờ 54 cùng ngày.

Zhou đưa tôi ra đón taxi, thương lượng với ông tài xế xong đâu đấy mới trở vào ga để đón chuyến tàu đi tiếp về quê nhà Vũ Hán. “Anh cài WeChat vào, có gì liên lạc với tôi. Ở Trung Quốc thì có WeChat là ổn”, Zhou bảo tôi khi bác tài bẻ cần số chuẩn bị rời đi.
Trong khi ngồi chờ tàu, tôi tranh thủ xem qua hành trình sắp tới. Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Trường Sa, Vũ Hán, Trịnh Châu, Thạch Gia Trang và Bắc Kinh. Đường phía trước còn dài, những tên đất nghe như từ quá khứ, của Hán Sở tranh hùng, của Tam Quốc hay trong không gian tiểu thuyết hư ảo của Kim Dung. Sắp tới đây tất cả sẽ hiển hiện trước mắt tôi, lướt qua bên ngoài cửa sổ. 
(còn tiếp)

Nguồn: Thanhnien.vn