Rời Trung Nguyên, tôi xách va li bắc tiến khi hoàng hôn vừa buông
xuống quanh Bắc Kinh. Nửa đêm nơi miền quan tái, lòng trần vấn vương bao
cố sự. Long Môn khách điếm giờ ở nơi đâu?
Bạn trên Facebook nghe tin tôi sẽ đi từ Bắc Kinh lên Mông Cổ, bèn nhắn: “Anh có qua Nhạn Môn Quan nhớ gửi tới Tiêu Phong đại hiệp một chung rượu!”. Xin trả lời rằng tôi không đi qua Nhạn Môn Quan. Nơi Tiêu Phong trầm mình trong không gian tiểu thuyết Kim Dung có lẽ là Nhạn Môn Quan có thật bên tỉnh Sơn Tây.
Tôi thì lại từ Bắc Kinh qua Trương Gia Khẩu, lên Ô Lan Bố Sát (Ulanqaq) rồi tới Nhị Liên Hạo Đặc (Erenhot) ở sa mạc Qua Bích (Gobi) thuộc vùng Nội Mông, trước khi vượt qua biên giới để tiến vào Mông Cổ.
VIDEO: Lênh đênh xe khách xuyên sa mạc Gobi |
Chuyện này đến đây cần giải thích một chút. Số là chúng tôi từ Nam Ninh lên Bắc Kinh vào chiều muộn thứ ba, loay hoay từ ga Bắc Kinh Tây một hồi mới qua được ga Bắc Kinh, sau đó lại được chỉ dẫn ra khách sạn Quốc tế Bắc Kinh đối diện nhà ga để mua vé thì phòng vé đã đóng cửa.
Ngày thứ ba không mua được vé, ngày thứ tư thì phòng vé mở cửa lúc 8 giờ sáng, trong khi chuyến tàu đi Moscow đã khởi hành lúc 7 giờ 27 sáng. Trễ chuyến này có nghĩa là phải đợi thêm một tuần nữa, do tàu Bắc Kinh – Moscow tuyến xuyên Mông Cổ chỉ chạy một chuyến/tuần.
Còn một chuyến nữa, nhưng lại chạy tới Cáp Nhĩ Tân thuộc vùng Mãn Châu rồi sang Chita của Nga trước khi tây tiến về Moscow. Chạy tuyến này thì không qua sa mạc Gobi và thảo nguyên Mông Cổ đầy quyến rũ và thách thức. Tôi sử dụng phương án B: xe đò.
Đi xe đò xuyên đêm, đón bình minh giữa sa mạc Gobi và tới một địa phương gọi là Nhị Liên Hạo Đặc là trải nghiệm không tồi chút nào. Tôi bèn vào mạng tìm kiếm và cuối cùng lần ra được bến xe đò Mộc Tê Viên. Khi tôi tới, vừa bước vào cổng bến xe liền gặp ngay mấy người mời mọc: Ơ Liến, Ơ Liến? Ơ Liến là Erlian, tức Erenhot, mà tên phiên âm Hán – Việt là Nhị Liên Hạo Đặc, thành phố nằm giữa sa mạc Qua Bích, giáp giới với Mông Cổ.
Tôi nói với một người đàn ông ở bến xe rằng tôi đi “Ơ Liến” vào chiều tối, anh ta liền dẫn tôi tới một căn phòng xập xệ trong con hẻm sâu hút. Căn phòng có hai cái giường tầng, tường và nền ẩm mốc. Trong phòng, một nhóm người đang nằm ngồi la liệt, thoạt trông diện mạo biết đấy là người vùng Mạc Bắc. Một vài người có đường nét hơi giống người châu Âu, với mũi cao, lông mày hoe vàng; vài người khác có lẽ thuộc các tộc Mông Cổ hoặc là cháu con của các bộ tộc Nữ Chân, Khiết Đan thuở xa xưa. Những người này gò má cao nhưng bạnh ra, mũi thấp, mắt có đuôi nhọn và mặt nhìn chung hơi sưng. Có một chàng trẻ tuổi tên Nugai, người Mông Cổ tới Bắc Kinh học, nói tiếng Anh khá tốt, giải thích cho tôi rõ về vé xe và lịch trình. Theo đó, xe sẽ khởi hành tại Bắc Kinh vào 17 giờ 30, chạy theo quốc lộ 208 để lên Nhị Liên Hạo Đặc.
|
Xong đâu đấy, tôi về khách sạn xách va li ra để chuẩn bị đi. Anh nhân viên lễ tân thấy tôi đi vội, liền ra bắt taxi giùm.
Gã bán vé dùng bút ghi lên tờ vé là 17 giờ 30 xe chạy nhưng tôi phải ngồi trong cái phòng chờ xập xệ và chật cứng người ấy tới 19 giờ mới có thông báo xe đến. Trong lúc chờ, tôi ngồi giữa những người miền bắc mà phần đông trong số họ có lẽ là cháu con của Thành Cát Tư Hãn hiện đang sống rải rác một dải Nội Mông của Trung Quốc và trên phần lãnh thổ của quốc gia Mông Cổ hiện đại.
Giữa tận cùng khắc nghiệt
Rời Mộc Tê Viên, xe chạy một mạch tầm nửa đêm thì đến Trương Gia Khẩu ở Hà Bắc. Trương Gia Khẩu đối với tôi chỉ là một cái tên, nhưng với những con người Mạc Bắc đồng hành trong đêm u tịch này có lẽ mang nhiều ý nghĩa. Sau Trương Gia Khẩu là đến Nội Mông, Qua Bích, vùng sa mạc mênh mông của những con người phóng khoáng yêu tự do. Trương Gia Khẩu này cũng là nơi cha ông họ, vị đại hãn khét tiếng, đã giành trận thắng quan trọng trước quân Kim, trận Dã Hồ Lĩnh. Chỉ với 90.000 quân mà Thành Cát Tư Hãn đánh thắng đội quân Kim 450.000 người.
Xe chạy miệt mài, dù trong đêm nhưng tôi cũng nhận ra vùng núi non cây cối dần lùi lại phía sau, để xung quanh là không gian mênh mông, bằng phẳng chạy dài tới vô tận. Tôi tò mò nhìn trời nhìn đất một hồi thì ngủ thiếp đi, thức dậy tầm 4 giờ đã thấy bên ngoài ánh sáng của một ngày mới chan hòa.
Tới Ô Lan Bố Sát, đường phân thành hai nhánh, một qua Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot), thủ phủ vùng Nội Mông, nhánh còn lại là quốc lộ 208 lên Nhị Liên Hạo Đặc thuộc Tích Lâm Quách Lặc (Xilin Gol). Vùng này sa mạc Qua Bích mênh mông không một bóng cây, không một bóng người.
Theo số liệu thì sa mạc này dài đến 1.500 km và rộng 800 km, diện tích chừng 1,3 triệu km2, gần gấp 4 lần diện tích VN. Chỉ có cát khô, cỏ cháy và thi thoảng có chú thỏ dáo dác chạy hoặc chú điêu, có lẽ của Quách Tĩnh đại hiệp thuở xưa lưu lạc, vội vã bay lên khi nghe tiếng động cơ xe. Chạy cả tiếng đồng hồ mới thấy một bãi phong điện, khu nhà kho hoặc cụm dân cư nhỏ. Ở đây, các biển hiệu được viết bằng hai thứ tiếng: Hán và Mông Cổ.
Đại mạc là đây, Long Môn khách điếm chốn nào? Nơi đâu giữa mênh mông này từng in dấu chân lãng tử Sở Lưu Hương những lần lên Mạc Bắc? Hoa Tranh công chúa giờ là hạt cát nào giữa chốn bao la? Những bạo chúa, những tuyệt sắc giai nhân, những chiến binh kiêu dũng của lịch sử và của thế giới hư ảo giờ đã bị cơn bão cát vô tình của thời gian thổi về nơi nào?
Xe chạy về phía hoang vắng như cõi không người, tôi tự hỏi phía sau đường chân trời mà tầm nhìn hữu hạn của tôi vươn tới, một Nhị Liên Hạo Đặc là có thật được chăng? Con người ta làm sao có thể sống giữa tận cùng khắc nghiệt này?
Đến tầm trưa, Nhị Liên Hạo Đặc hiện ra cuối đường chân trời. Từ rất xa tôi đã nhận ra cặp khủng long hôn nhau được dựng làm cổng chào vào thành phố. Cặp khủng long khổng lồ với cái cổ dài vươn thẳng là loài “khủng long ăn cỏ” như tôi từng thấy trong phim Kỷ băng hà và Công viên kỷ Jura. Qua khỏi cổng chào với dòng chữ tiếng Anh “Erenhot of China” là những cảnh tượng như thời tiền sử. Xe chạy bon bon trên xa lộ và tôi nhìn ra hai bên cửa sổ thấy rất nhiều tượng điêu khắc hình khủng long. Tại huyện cấp thị Nhị Liên Hạo Đặc này, các nhà khảo cổ từng phát hiện hóa thạch nhiều loài khủng long nên người ta đã chọn khủng long làm biểu tượng của thành phố. Trong thành phố còn có một bảo tàng khủng long.
Xe chạy khoảng 30 phút nữa, đến lúc này tôi mới nhận ra đây đúng là một thành phố. Có đường sá thẳng tắp, có cửa hiệu, trung tâm mua sắm, bến xe, cửa hàng tiện lợi… Trên các biển hiệu người ta viết 3 hoặc có khi đến 4 ngôn ngữ: chữ Hán, chữ Mông Cổ truyền thống, tiếng Mông Cổ được viết theo hệ Cyrillic (giống tiếng Nga) và tiếng Anh.
Xuống xe, tôi tìm đường đến nhà khách Rurouni Youth Hostel. Tôi hỏi mấy anh cảnh sát người Hán đứng gác tại khu chợ, một hồi sau mới tìm tới nơi. Cái hostel (nhà nghỉ bình dân) này không giống hình dung của tôi về một Long Môn khách điếm giữa chốn cát bụi tù mù. Nó là một nhà trọ của thời đại toàn cầu hóa đúng nghĩa, với tiếng Anh khắp nơi.
Cô lễ tân tộc Mông Cổ ngạc nhiên khi lần đầu gặp một người VN giữa chốn bao la bát ngát. Hỏi ra một hồi, biết kế hoạch của tôi, cô bảo: “Anh nên điều chỉnh. Do ngày mai biên giới đóng cửa nên anh có hai lựa chọn: xuất cảnh ngay lúc này hoặc chờ tới ngày kia”. Tôi là kẻ lang thang rày đây mai đó thì thế nào chả được. Vậy là lên đường tiếp thôi. Tôi cảm ơn cô gái và trở lại bến xe mà quên mất hỏi tên em là gì.
Hôm nay tôi phải qua bằng được bên kia biên giới.
(còn tiếp)
Nguồn: Thanhnien.vn