Suốt 15 ngày rong ruổi thảo nguyên Mông Cổ, tôi đi qua đủ mọi loại địa hình từ đường nhựa đến đường đất sình lầy, đá sỏi, sông suối và đối mặt với nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt.
MÔNG CỔ, BẢN HÙNG CA CỦA THẢO NGUYÊN BẤT TẬN
Suốt 15 ngày rong ruổi khắp thảo nguyên Mông Cổ, tôi đã đi qua đủ mọi loại địa hình từ đường nhựa đến đường đất sình lầy, đá sỏi, sông suối và đối mặt với nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa xối xả, gió buốt, thậm chí có cả một trận bão tuyết giữa mùa thu.
Mông Cổ hào sảng, phóng khoáng, kiêu hùng, man dại…
Mông Cổ dịu dàng, thanh khiết, kiều diễm, nguyên sơ…
Tất cả những đối lập tưởng chừng không thể cùng tồn tại đó làm nên bức tranh Mông Cổ không thể tìm thấy ở nơi đâu khác trên thế gian này.
Men lối mùa vàng đến làng tuần lộc
Tôi chui ra khỏi căn lều lạnh ngắt, củi trong lò đã cháy hết. Ngoài đồng, cỏ trên nền đất nằm im dưới lớp băng buốt giá. Đêm qua, ngoài trời nhiệt độ tụt xuống âm 10 độ C.
Hừng đông, dải mây rực đỏ vắt ngang các tầng không như đang thiêu đốt vùng trời phía xa. Lặng im, đỉnh núi tuyết trắng xóa sừng sững in hằn vào đường chân trời. Nắng lên, dải sáng lấp lánh màu mật bắt đầu xuyên qua rừng thông, nhảy nhót trên lớp da mịn màng của đàn tuần lộc.
Bên trong rừng thông, đàn tuần lộc đứng yên trong lớp sương mỏng, bồng bềnh và chậm rãi trườn qua những nhánh thông vàng rực. Những cặp sừng thanh mảnh duyên dáng vươn cao, trên nền của mùa vàng đang ngập lối đi.
Con tuần lộc đầu đàn với cặp sừng uy nghi và bệ vệ đang mải cào đất bằng móng tìm thức ăn, trong khi hai con cái với bộ lông trắng muốt bẽn lẽn núp phía sau một tàng cây, còn em tuần lộc nhỏ xíu thì lim dim đôi mắt to tròn khẽ cuộn mình trong một đám cỏ dưới chân. Chỉ ít phút nữa thôi, sau khi tuần lộc được vắt sữa, cả đàn sẽ được đưa ra đồng ăn cỏ và chỉ trở về khi trời đã quá trưa.
Nắng đầu ngày vàng như mật trên những lối mòn dẫn qua các chóp lều truyền thống của người nuôi tuần lộc. Chói chang là vậy nhưng nắng vẫn không thể khỏa lấp cái lạnh đang thấm vào mỗi tế bào cơ thể qua từng lớp áo của tôi.
Tôi may mắn vì đến Mông Cổ đúng lúc làng tuần lộc Đông Tsaatan di chuyển chỗ ở cho mùa thu. Do đó, thay vì phải cưỡi ngựa tám tiếng nếu đi vào mùa hè, quãng đường di chuyển chỉ còn ba tiếng mà thôi.
Dù vậy, con đường vào làng quả thực rất gian nan nếu không có sự giúp sức của đàn ngựa. Đầm lầy cỏ lún, nước buốt lạnh dưới chân, và bùn văng đầy những cặp chân chắc khỏe của các chú ngựa.
Mặc dù tôi đã vài lần cưỡi ngựa trước đó, nhưng ở Mông Cổ thì đây là lần đầu tôi được tự điều khiển chú ngựa của mình đi theo hành trình. Rẽ trái, rẽ phải, phi nước đại, rồi dừng lại… Những kỹ thuật đơn giản này được chỉ dẫn bởi người hướng dẫn viên Mông Cổ, một thanh niên biết cưỡi ngựa từ khi lên năm tuổi. Rồi cứ thế, tôi một mình một ngựa băng qua đầm lầy, vượt núi, xuyên rừng thông.
Những người như tôi lặn lội đường xa đến Tsaatan không chỉ sống cùng bộ lạc du mục cùng tuần lộc cuối cùng trên hành tinh, mà còn để “lánh xa” khỏi thế giới ồn ào bởi nơi làng tuần lộc nằm mãi trong rừng sâu, cách xa khỏi văn minh loài người. Do đó, đây là nơi không hề bị thương mại hoá du lịch, với những nét truyền thống lâu đời và thiên nhiên tinh khiết đến vô cùng.
Người nuôi tuần lộc mỗi năm di chuyển đến 5 lần theo mùa, chủ yếu vì cần khí hậu lạnh và thức ăn để tuần lộc có thể sống. Vào mùa đông, nhiệt độ ở nhiều nơi mà người làng Tsaatan sống có thể xuống tới âm 35°C, nhưng đó lại là thời điểm mà tuần lộc khoẻ mạnh nhất. Khi tuyết phủ dày ngập lối và ngựa không thể đi, tuần lộc sẽ là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất trong mùa đông.
Người nuôi tuần lộc sống bằng cách bán da tuần lộc cho các nhà buôn, làm đồ lưu niệm bằng sừng tuần lộc, và thỉnh thoảng đón một vài đoàn khách du lịch đến từ phương xa, những người muốn tận mắt chạm vào loài động vật tưởng chỉ có trong truyền thuyết và trải nghiệm lối sống “lạ lùng” giữa thế kỷ 21 hiện đại được trang bị đến “tận răng”.
Người nuôi tuần lộc ở đây “lạ” như thế nào? Ở đây không có điện, không có Internet, không có tắm nước nóng. Họ tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
“Nhà” của họ là những túp lều truyền thống hở trên chóp nhọn, nơi cột khói từ lò sưởi giữa lều phả lên trời mỗi đêm. “Giường” của họ là những thanh gỗ thông gác trên nền đất lạnh. “Bếp” của họ chính là chiếc là sưởi nóng ấm giữa lều.
Khung cảnh mỗi sáng thức dậy của họ là rừng thông đang chuyển mình lộng lẫy, âm thanh ồn ào duy nhất là tiếng tuần lộc kêu rột rột và tiếng suối chảy róc rách ngày đêm, nỗi lo lắng duy nhất là đám khách du lịch nhiều chuyện có thể lỡ làm tuột mất một chú tuần lộc ngoài đồng.
Ở làng Đông Tsaatan có một nhân vật nổi tiếng mà ai cũng biết là cô Zaya, một người phụ nữ đã từ bỏ hoa lệ của thế giới văn minh nơi nước Mỹ xa xôi để sống như một người nuôi tuần lộc thực sự. Zaya sinh ra ở Ulaanbaatar nhưng lớn lên ở Mỹ từ năm sáu tuổi.
Mối duyên với làng tuần lộc nảy sinh khi cô làm việc cho một tổ chức phi chính phủ và cùng đoàn chuyên gia đến Tsaatan để nghiên cứu. Chỉ ngay lần đầu tiên ấy, cô đã ấn tượng mạnh với lối sống độc đáo của người nuôi tuần lộc, và cảm mến luôn chàng trai Tsaatan, người khiến cô ba năm sau từ bỏ mọi tiện nghi của thế giới nơi cô sống, chỉ để trở thành một thành viên của bộ lạc tuần lộc, và bắt đầu đời sống du mục cùng họ suốt chín năm qua.
Trong nắng sáng ấy, bên bìa rừng thông vàng rực rỡ, chúng tôi cùng ngồi tranh luận với nhau xem giữa mình và họ, ai “sướng” và ai “ khổ” hơn ai.
Tôi cười và bảo rằng ai sướng ai khổ tôi không biết. Nhưng hai ngày sống ở làng tuần lộc, tôi bắt đầu “nghiện” bầu không khí tinh khiết của rừng, nghiện lối sống đơn sơ của người nuôi tuần lộc, và nghiện luôn cả những thứ “không” của làng Tsaatan.
Đó là không bao giờ phải lo cúp điện vì không có điện, mà nhờ đó tôi có thể nhìn thấy cả một bầu trời Hằng hà sa số những vì sao và cả dải ngân hà rực rỡ; không bị tiếng chuông điện thoại làm phiền, nhờ đó tôi được trở lại thời wifi lẫn 4G chưa được phát minh và mọi người thay vì cắm mặt vào điện thoại thì quây quần bên bếp lò cùng trò chuyện; không phải mở Facebook ra xem người ta lại đang nảy lửa sa đà vào những cuộc tranh cãi bất tận gì mà nhờ đó tôi quên mất mình thuộc về thế giới hiện đại đảo điên ngoài kia.
Và đó là hai ngày hạnh phúc nhất tôi có được suốt chuyến road trip dài đằng đẵng ở Mông Cổ.
Trên lưng ngựa trong băng giá ngắm hồ Khuvsgul
Rong ruổi đường trường tới gần làng tuần lộc Đông Tsaatan, xe chúng tôi phải dừng lại bên hồ Khuvsgul. Zolo, người bạn Mông Cổ kiêm hướng dẫn viên của chúng tôi bắt buộc phải đẩy lịch đi hồ lên trước vì nếu không đến sớm, tourist camp (khu cắm trại truyền thống kiểu Mông Cổ) sẽ đóng cửa.
Đã đi du lịch Mông Cổ, bạn phải xác định đó sẽ là một chuyến road trip dài đằng đẵng với hằng trăm cây số đường trường mỗi ngày. Thời tiết nơi đây cũng thay đổi liên tục đến chóng mặt.
Suốt 15 ngày rong ruổi khắp thảo nguyên Mông Cổ, tôi đã đi qua đủ mọi loại địa hình từ đường nhựa đến đường đất sình lầy, đá sỏi, sông suối; và băng qua đủ mọi loại thời tiết từ nắng nóng đến mưa xối xả, gió buốt và cả một trận bão tuyết giữa mùa thu!
Do đó, ngoài một người hướng dẫn viên am hiểu, bạn cần một bác tài lái chắc tay, thông thuộc địa hình. Lý tưởng nhất vẫn là có một nhóm cùng đi từ Việt Nam, nếu không muốn đi tự túc và mắc kẹt lại một thành phố chỉ để tìm bạn đồng hành cho điểm đến kế tiếp.
Từng du học ở Việt Nam và nói tiếng Việt rất tốt, Zolo cho hay trong các nhóm khách du lịch Việt Nam đến Mông Cổ năm nay, nhóm của tôi là nhóm cuối cùng và là nhóm duy nhất Zolo dắt vào làng tuần lộc mùa thu.
Mông Cổ khắc nghiệt hơn tôi tưởng. Mùa hè là mùa đông đúc nhất vì thời tiết dễ chịu nhất. Ngành du lịch Mông Cổ đúng nghĩa là “làm vài tháng để ăn cả năm” vì một năm 12 tháng nhưng chỉ làm du lịch được tối đa bốn tháng là cùng.
Trên khắp cả nước, các khu cắm trại đồng loạt mở cửa vào ngày 1/6 hàng năm và thường đóng vào giữa tháng 9. Đến sớm hơn hoặc trễ hơn, bạn bắt buộc phải cắm trại ngủ lều ngoài trời. Rất nhiều khu cắm trại đón chúng tôi như những vị khách cuối cùng trong năm, và chỉ chờ để phục vụ chúng tôi xong thì thu dọn, cất lều vào kho. Sau đó, họ chờ qua hết mùa đông buốt giá đến mùa xuân rồi tới hè để lại mở ra đón khách tiếp.
Chính vì Mông Cổ khắc nghiệt như vậy, nên ngay cả mùa thu đẹp đến thế nhưng cũng rất ít người chọn đi. Đêm tôi đến hồ Khuvsgul, nhiệt độ tụt thẳng xuống âm 3 độ C. Sáng hôm sau, đường ống dẫn nước từ hồ đóng băng và cả đám khách du lịch loạn lên vì không có nước…đánh răng. Thường từ tháng 1-4 hàng năm, mặt hồ đóng băng và xe hơi tha hồ lao đi trên hồ.
Nhưng hồ Khuvsgul thì lộng lẫy hơn cả trên những tấm postcard, dù bạn đến vào mùa nào. Lang thang bên bờ hồ trong một sáng nắng rát, bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng bị choáng ngợp trước sự hùng vĩ của hồ Khuvsgul.
Dưới nắng lấp lánh, mặt gương hồ trải ra bất tận, màu nước hoà lẫn vào màu trời. Nếu không có những đỉnh núi tuyết phía xa, người ta chắc chắn sẽ tưởng nhầm mình đang đứng trước đại dương mênh mông. Là hồ nước ngọt rộng và sâu nhất Mông Cổ, Khuvsgul dài 136 km, rộng 36 km và là nơi chứa hơn 1% nước ngọt của hành tinh.
Ở Khuvsgul, thú vị hơn cả là cưỡi ngựa lên núi để ngắm nhìn thiên nhiên kỳ vĩ. Một người một ngựa, tôi men theo lối đường mòn dưới những tán thông già lên đỉnh núi. Trên lưng ngựa, tôi mê mải ngắm nhìn những dải màu vàng cam rực rỡ đang đổ lên các rặng thông già, và nghe tiếng chim chóc lảnh lót trong nắng chiều. Bên mép vực, chú ngựa cứ ung dung chậm rãi men theo lối mòn lên núi.
Từ trên đỉnh núi, khung cảnh hồ Khuvsgul đẹp tuyệt vời. Ngất ngưởng trên lưng ngựa chưa đủ, tôi thực sự ngất ngây vì sự hoà quyện của màu xanh ngọt ngào của nước hồ, màu xanh ngát của trời cao vời vợi, màu trắng tinh khiết của tuyết, và màu rừng thông cứ lộng lẫy ánh vàng đang rung lên khi một cơn gió lùa qua.
Lúc xuống ngựa, gió trên đỉnh núi buốt giá đến từng chân tóc. Nắng vẫn ngọt ngào trên đầu, nhưng tuyết dưới chân đã lẫn vào trong cỏ, phủ đầy trên đá. Khung cảnh vừa kỳ vĩ, khoáng đạt, vừa thanh khiết, dịu dàng ấy khiến tôi bối rối trong khoảnh khắc vụt qua, trước khi một luồng xúc cảm đổ ập tới khiến sống mũi tôi cay xè.
Nếu kỷ niệm là một dòng chảy, ký ức về 15 ngày road trip ở Mông Cổ của tôi hẳn là dòng sông xuôi dài bất tận lên đến tận trời.
Đó là khi man dại với bầu trời lúc rạng đông đỏ au màu máu, lúc thấy mình nhẹ tênh với khóm cúc dại tím man mác bên đường, là khi vỡ òa với đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa soi bóng bên mặt gương hồ mênh mông, lúc lại đứng lặng nhìn bầy trâu yak bình yên ăn cỏ bên dòng suối, là khi cưỡi ngựa lên đỉnh cao gió lạnh buốt và tuyết đóng băng dưới chân, lúc dắt tuần lộc ra đồng gặm cỏ trong ráng chiều ngọt như mật.
Câu chữ không thể miêu tả hết được cảm xúc của những ngày trôi đi dưới bầu trời xanh ngắt rộng lớn đến vô cùng đang đổ xuống một cơn mưa tuyết, giữa thảo nguyên mênh mông không nhìn thấy điểm dừng đang vang lên thanh âm của một chú ngựa phi nước đại, giữa cánh rừng thông vàng trải dài rực rỡ dưới chân dãy núi tuyết đang tắm mình trong màu nắng lộng lẫy cuối ngày…
Tôi chỉ biết là mình đã khóc đôi khi, khóc ngon lành như đứa trẻ lên ba khi không thể kiềm chế được những cơn xúc động chuyển thành giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi khóc trước sự hào sảng mà dịu dàng của thảo nguyên, sự man dại và kiều diễm của những đỉnh núi, sự kiêu hùng mà dịu dàng của những chú ngựa… Tôi khóc và mỉm cười trước sự tự do không gì trói buộc của đất trời, sự mênh mông vô tận của thảo nguyên và hơn hết, là sự đẹp đẽ đến vô cùng của thiên nhiên Mông Cổ.
Một số kinh nghiệm đến Mông Cổ
Hiện nay, Việt Nam và Mông Cổ chưa có đường bay thẳng, do đó bạn phải quá cảnh tại Hong Kong hoặc Bắc Kinh.
Về visa khá đơn giản. Do yêu cầu phải có thư mời từ đại lý du lịch đã được gỡ bỏ từ ngày 1/7 vừa qua, hồ sơ làm visa bao gồm: đơn xin visa, ảnh 3×4 cm, vé máy bay, lịch trình và hoá đơn đã đóng phí nộp visa tại ngân hàng. Phí xin visa tại TP.HCM là 65 USD, tại Hà Nội là 25 USD.
MÙA DU LỊCH MÔNG CỔ: chỉ kéo dài từ tháng 6 đến giữa tháng 9 hàng năm. Cao điểm nhất là các tháng hè do thời tiết dễ chịu nhất trong các mùa. Các tourist camp đồng loạt mở cửa vào ngày 1/6 hàng năm. Du lịch mùa đông và xuân của Mông Cổ cũng có những không phổ biến, do khí hậu rất khắc nghiệt.
ĐẾN MÔNG CỔ NGHĨA LÀ ĐỪNG ĐÒI HỎI QUÁ NHIỀU:
Nơi bạn sẽ ngủ nhiều nhất trong các đêm đi road trip ở Mông Cổ là các khu cắm trại truyền thống kiểu Mông Cổ dành cho khách du lịch, gọi là ger. Mỗi ger là một lều vải hình trụ có chóp hình nón, bên trong có thể đặt tối đa đến bốn chiếc giường. Ở giữa lều là một lò sưởi bằng củi, thường sẽ được nhóm khi bạn mới đến, và châm lò hai lần suốt đêm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự đốt lò vì việc này khá dễ dàng. Nhà vệ sinh và nhà hàng sẽ nằm ở một khu vực riêng, và dùng chung cho tất cả các khách.
Mỗi ngày, tuỳ theo lịch trình bạn sẽ trải qua vài trăm cây số trên đường. Nhà vệ sinh là một khái niệm khá xa xỉ ở Mông Cổ một khi bạn đã ra khỏi thủ đô, do đó, hãy quen với việc “trở về thiên nhiên” và đừng…mắc cỡ.
Người Mông Cổ ăn rất nhiều thịt và ít rau. Đừng đòi hỏi hải sản hay các món Việt vì rất hiếm. Các loại thịt phổ biến bao gồm: bò, dê, cừu, gà, ngựa…Thịt chế biến theo phương pháp truyền thống ngon nổi tiếng là nướng đá. Nếu có cơ hội, nên thử món sóc đất (marmot) nướng đá, uống cùng với rượu vodka Mông Cổ. Nên mang theo thuốc chống táo bón để dự phòng.
NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý KHI ĐẾN LÀNG TUẦN LỘC ĐÔNG TSAATAN:
Luôn nhớ rằng, Tsaatan không phải là một điểm tham quan du lịch và sẽ không cung cấp cho bạn những tiện nghi mà một khách du lịch đòi hỏi. Ngược lại, bạn cần phải luôn tôn trọng văn hoá cũng như môi trường sống của người nuôi tuần lộc. Tsaatan là một cộng đồng du mục cùng tuần lộc đang sống theo đúng truyền thống bao đời của họ ở biên giới Mông Cổ.
Là những người chăn nuôi du mục, họ chào đón khách du lịch đến với cộng đồng như một cách để hỗ trợ cho bộ lạc của mình tiếp tục duy trì truyền thống trong thế kỷ 21 – vốn khác biệt hoàn toàn với lối sống du mục của họ. Một khi đã đến Tsaatan, bạn ngủ trong chiếc lều truyền thống đơn sơ như họ, uống bằng nguồn nước suối như họ, và cũng như họ, bạn từ bỏ mọi tiện ích của thế giới hiện đại từ sóng điện thoại đến Internet, từ điện đến tắm nước nóng…
Làng tuần lộc không phải là điểm đến dành cho những người đã quen với việc được “phục vụ tận răng” hay chỉ thích đi du lịch nghỉ dưỡng. Ngược lại, đây là một hành trình đòi hỏi sức khoẻ và khả năng bền bỉ trên suốt dặm đường. Từ thủ đô Ulaanbaatar, bạn cần ít nhất là bảy ngày cho hành trình đến làng Tsaatan và quay trở về. Sau khi băng qua trên dưới một ngàn cây số đường nhựa, bạn cần ít nhất 12 tiếng đồng hồ để lái xe qua những thảo nguyên đầy bùn đất, lầy lội và có thể có tuyết vào mùa thu, điểm đến cuối cùng là thị trấn “cửa ngõ” vào làng tuần lộc. Từ đây, tuỳ thuộc vào vị trí của làng tuần lộc, điều kiện thời tiết và đường đi, mà bạn sẽ phải cưỡi ngựa từ ba đến chín tiếng để đến được làng Tsaatan. Đây là phương tiện duy nhất để đến được làng tuần lộc, và bạn thường sẽ phải tự điều khiển ngựa của mình.
Có hai khu vực nơi cộng đồng người Tsaatan sinh sống được gọi là Đông Tsaatan và Tây Tsaatan. Làng Đông Tsaatan thường đón khách du lịch nhiều hơn vì gần và dễ tiếp cận hơn. Vì quãng đường đến Đông Tsaatan khó khăn và vất vả như vậy, nên thời gian để lưu lại và tìm hiểu về bộ lạc nên từ hai đến ba ngày. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bạn gặp gỡ và sống cùng nếp sống với người nuôi tuần lộc, khám phá cảnh sắc hùng vĩ của rừng taiga, tìm hiểu về truyền thống lâu đời của họ.
Do hành trình vất vả để đến làng tuần lộc, hành lý đem theo của bạn cần gọn nhẹ, dưới 10 kg là lý tưởng nhất. Vì hành lý này sẽ được chất lên lưng ngựa trong quá trình di chuyển.
– Tiền mặt: không cần phải đem một số tiền lớn, số tiền duy nhất mà bạn có thể sẽ sử dụng tại làng tuần lộc là để mua đồ lưu niệm làm từ sừng tuần lộc.
– Hành lý chỉ cần để vừa một ba lô đeo hàng ngày, các vật dụng cần thiết chỉ đem theo một lượng nhỏ vừa đủ dùng trong thời gian lưu lại làng.
– Tuỳ vào điều kiện thời tiết, làng tuần lộc có thể nóng vào ban ngày và đóng băng mặt đất vào ban đêm. Do đó, trang phục cần mặc theo kiểu nhiều lớp, gọn, nhẹ.
– Các vật dụng cần đem theo: Hộ chiếu, túi ngủ, quần áo lạnh, vớ dài và ấm, áo mưa và quần mưa chuyên dụng màu tối mặc khi cưỡi ngựa, kiếng mát, kem chống nắng, xịt chống côn trùng, bình nước, đèn pin/đèn đeo trán, đồ sạc các thiết bị điện tử như điện thoại, máy ảnh, thuốc, giấy vệ sinh…
Nguồn: News.zing.vn