Mỗi năm vài trăm triệu đi Tây chơi: Đừng coi thường khách Việt

0
14
Mỗi năm vài trăm triệu đi Tây chơi: Đừng coi thường khách Việt

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam – không thể coi khẩu hiệu đó như lời kêu gọi du khách giải cứu du lịch, một sự thương hại như giải cứu nông sản. Họ đi du lịch vì Việt Nam rất đẹp, vì Việt Nam xứng đáng để đi”.

 

Từng bị lãng quên

Tại Diễn đàn Du lịch nội địa Việt Nam diễn ra mới đây tại Ninh Bình, tư lệnh ngành VH-TT&DL, tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, lâu nay ngành bỏ quên một “trận địa” quan trọng là du lịch nội địa. Mặc dù trước đó, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm phát triển. “Chủ trương đã có, nhưng ai làm và cách làm thì không thấy”, ông nói.

Các con số “biết nói” tại Báo cáo Du lịch thường niên Du lịch Việt Nam 2019 chỉ rõ thực tế tréo ngoe này. Năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu lượt khách, thu về 421.000 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) giá trị xuất khẩu tại chỗ.

Trong khi đó, với 80 triệu lượt khách nội địa đi du lịch, chúng ta chỉ thu được 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 triệu USD).

Mỗi năm vài trăm triệu đi Tây chơi: Đừng coi thường khách Việt
Tăng trưởng khách nội địa qua các năm

Trong khi khách quốc tế chi tiêu bình quân 1.074 USD/người (trong 8 ngày), xấp xỉ 134 USD/ngày (tương đương hơn 3 triệu đồng) thì chi tiêu bình quân của một khách nội địa chỉ từ 1-1,6 triệu đồng/ngày. Tức, chi tiêu bình quân của khách quốc tế gấp hơn 2 lần khách nội địa.

Chính vì thế, lâu nay các sản phẩm tour, khách sạn, dịch vụ du lịch,… đều tập trung và hướng đến khách quốc tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, đánh giá xu hướng chi tiêu của khách nội địa ngày càng có xu hướng tăng. Cụ thể, khách có nhu cầu cao hơn khi sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách có sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt. 

Chưa kể, thống kê ước tính từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho thấy, trước khi Covid-19 xảy ra, khoảng 10 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.

Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc công ty Flamingo Redtours, băn khoăn, đến nay chưa có một nghiên cứu nào về mức chi tiêu bình quân của người Việt khi đi du lịch nước ngoài, nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ.

Đơn cử, với các tour gần đi các nước khu vực Đông Nam Á, giá tour thời điểm 2018-2019 dao động từ 5-7 triệu đồng/khách. Với các nước Đông Bắc Á và Nhật Bản, con số này còn cao hơn nhiều. Như Hàn Quốc, giá tour khi đó rơi vào tầm 12-15 triệu đồng/người (tùy hành trình, số ngày), tour Nhật Bản trên dưới 30 triệu đồng. Với các tour xa, tour xuyên lục địa như Nga, các nước châu Âu, Mỹ, Australia,… giá tour đặc biệt cao khi trên dưới 50 triệu đến cả trăm triệu đồng/người. Cộng với số tiền khách chi tiêu cá nhân và mua sắm, con số này còn cao hơn nhiều.

Không ít du khách Việt Nam năm nào cũng đi du lịch nước ngoài, ít nhất một lần, nhiều thì vài ba lần hay tháng nào cũng “xuất ngoại”. Người viết bài này, trong chuyến đi du lịch Campuchia năm 2017, cùng đoàn có bà Nguyễn Thị Hồng ở Thái Nguyên. Bà Hồng kể rằng năm nào mình cũng đi du lịch nước ngoài 5-6 chuyến, chi phí bỏ ra lên tới vài trăm triệu đồng.

Trong số này, chưa tính đến khách nhà giàu, khách du lịch siêu sang.

Mỗi năm vài trăm triệu đi Tây chơi: Đừng coi thường khách Việt
Khách nội địa gần như bị lãng quên trong khi chi tiêu nhiều không kém khách quốc tế

“Rõ ràng, khách du lịch Việt chi tiêu không hề kém khách quốc tế, thậm chí còn nhiều hơn. Dịch bệnh xảy ra, hơn 10 triệu khách này không đi du lịch nước ngoài, vậy ngành du lịch đã biết cách thu hút, chinh phục để họ sẵn sàng chi một số tiền lớn như vậy đi du lịch trong nước hay chưa?”, ông Nguyễn Công Hoan đặt vấn đề.

Ông Nguyễn  Anh Tuấn cũng thừa nhận, trong khách nội địa có phân khúc khách chi tiêu cao, vượt xa khách quốc tế nhưng chúng ta chưa có nghiên cứu về đối tượng khách này.

Không phải “giải cứu” du lịch

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng, để kích cầu du lịch nội địa, nên chia ra làm hai: một nửa cần kích cầu để tăng nhu cầu đi du lịch lên, giúp các DN trong ngành có thể tồn tại, duy trì hoạt động. Thời dịch bệnh, thu nhập người dân cũng bị ảnh hưởng, lữ hành phải có sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của khách. Cần liên kết để có giá tốt nhất.

Nhưng ở khía cạnh khác, cũng cần có những sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt để có thể tăng giá và mang lại nguồn thu tốt hơn. Theo ông Thắng, lượng khách có khả năng chi trả ít hơn nên chúng ta không cần quá nhiều sản phẩm mà cần tập trung vào chất lượng, số lượng ít nhưng giá trị cao và hiệu quả cao.

Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan lại nhìn nhận dưới khía cạnh khác. Ông Hoan phân tích, giờ khó có thể kích cầu du lịch bằng yếu tố giá rẻ. Yếu tố này không còn hấp dẫn nữa do dư địa giảm giá không còn. Du khách đã quen với giá rẻ, nếu có rẻ chút nữa cũng không tạo ra cú sốc. 

Mỗi năm vài trăm triệu đi Tây chơi: Đừng coi thường khách Việt
Việt Nam đang tính cách chinh phục lại khách nội địa (ảnh minh họa).

Ông nhấn mạnh, du khách đừng chờ đợi giá giảm thêm, bởi nếu cứ như vậy thì du lịch rất khó phục hồi. Hơn nữa, việc này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu: khách cứ chờ giảm giá trong khi DN không thể giảm thêm, thế là hai bên không thể gặp nhau.

Ông Hoan thẳng thắn, tới đây, nếu người Việt Nam đi du lịch Việt Nam thì đó là bởi tình yêu quê hương đất nước, mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc, giống như Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam.

“Nhưng đó chỉ là khẩu hiệu kêu gọi chung. Không thể coi đó như lời kêu gọi du khách giải cứu du lịch Việt Nam, một sự thương hại như giải cứu nông sản, giải cứu rau quả. Họ đi du lịch vì Việt Nam rất đẹp, vì Việt Nam xứng đáng để đi”, ông Hoan lưu ý.

Với các đơn vị kinh doanh du lịch, làm dịch vụ, ông Hoan cho hay nên có khẩu hiệu “Du lịch Việt Nam chinh phục du khách Việt”. “Chinh phục” tức xác định khách nội địa là đối tượng cần hướng tới, làm sao để hấp dẫn, để thu hút họ đi du lịch với mình.

Ngoài ra, điều quan trọng để chinh phục du khách là nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đưa giá trị gia tăng vào. Sản phầm du lịch không chỉ là phép cộng đơn thuần của dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, tham quan mà phải tạo yếu tố mới, cá biệt hóa với từng đối tượng khách hàng, để khách cảm nhận đó là dành cho chính họ. Họ thấy mình được trân trọng. Điều này đòi hỏi các DN cần có sáng tạo, tận dụng chất xám của mình.

“Đi du lịch giờ ăn không chỉ để no mà ăn còn để thưởng thức, ăn ngon, tinh tế, có sự trải nghiệm. Mua sắm cũng vậy, khách giờ không có nhu cầu vì không thiếu gì cả, nhưng nếu nâng lên thành vật lưu giữ những kỷ niệm, ghi dấu ấn cả chuyến đi, thấm đẫm các giá trị văn hóa – lịch sử của điểm đến đó thì hàng bán được giá cao, nhờ đó doanh thu du lịch tăng”, ông Hoan dẫn chứng.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu:

– Đến năm 2025: Ngành Du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6-7%/năm.

– Đến năm 2025: Ngành Du lịch phục vụ khoảng 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm.

Nếu duy trì được tỷ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng và đến năm 2030 là 1.310-1.440 tỷ đồng. Điều này cho thấy du lịch nội địa đóng góp không hề nhỏ đối với sụ phát triển của ngành du lịch.

Hà Yên

Nguồn: Vietnamnet.vn