Nếu miễn visa một số nước châu Âu, tỷ lệ du khách từ đó có thể tăng 20%, ông Kenneth Atkinson – Phó chủ tịch TAB nói tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch.
Chiếm phần lớn thời gian tại phiên thảo luận của chuyên đề “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách” thuộc Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam sáng ngày 9/12 là vấn đề visa tại Việt Nam. Cụ thể, các chuyên gia, khách mời bàn về cách cải thiện trải nghiệm của du khách trong khâu xin cấp thị thực.
Theo ông Kenneth Atkinson – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), mỗi năm hàng trăm triệu du khách chọn Trung Quốc, Ấn Độ làm điểm đến du lịch vì hai nước này làm thị trường ra nước ngoài rất tốt.
Nếu Việt Nam miễn visa cho một số quốc gia châu Âu thì mức tăng trưởng của du khách từ những nước này có thể lên tới 20%, doanh thu du lịch cũng sẽ tăng lên 150 triệu USD. “Lợi ích mang lại rất lớn, nên nhiều nước đã thực hiện và ủng hộ chính sách miễn visa”, ông Kenneth nhận định.
Ông Kenneth Atkinson chia sẻ về thủ tục xin cấp thị thực tại Việt Nam. |
Vị này cũng bày tỏ lo ngại khi hết ngày 31/12/2019, chính sách miễn thị thực của Việt Nam đối với hàng loạt du khách từ các nước như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ chính thức hết hiệu lực. Trong khi đó phía Chính phủ chưa có động thái gì cho vấn đề này. Điều đó tác động tới nhiều đơn vị lữ hành, tours. “Khách du lịch đường dài thường lên kế hoạch trước 6 tháng, nếu Việt Nam không đưa ra các quan điểm sớm thì lượng du khách nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng lớn”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng đề xuất những hình thức khác như visa điện tử. Việt Nam đã ứng dụng thí điểm cho một số nước và ông cho rằng đây là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiện có tới hai trang web để xin visa điện tử, điều này dễ gây hiểu nhầm cho khách. Ông Kenneth đồng thời đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ chỉ nên có một trang web, và cần cải thiện về tốc độ truy cập…
“Nên tạo ra kho dữ liệu chung cho du lịch Việt Nam như: visa, miễn phí visa, visa khi đến để du khách nắm được, người làm việc cho cơ quan chính phủ 100% cần nắm được quy định. Như vậy khách du lịch đến Việt Nam sẽ không còn lo lắng”, Phó chủ tịch TAB kết luận.
Đại diện Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam (áo họa tiết) kỳ vọng thúc đẩy du lịch giữa Việt Nam và Sri Lanka. |
Nói về visa, bà Srimali Jayarathna, đại diện Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam cũng đồng tình cho biết Sri Lanka cũng đang gặp rào cản tương tự.
“Chúng tôi đang phải giải quyết vấn đề này nếu muốn phát triển du lịch hơn nữa. Sri lanka cũng đang thảo luận việc nới lỏng visa cho du khách Việt Nam và mong Việt Nam cũng vậy để thúc đẩy du lịch hai nước”, vị này chia sẻ
Chào mời du khách Việt đến Sri Lanka, bà cho biết người Việt Nam có xu hướng tìm những quốc gia, khu du lịch về văn hoá tâm linh. Sri lanka có phát triển về văn hoá tâm linh, đây là cơ hội để người Việt Nam đến du lịch. Để thu hút khách Việt, Sri Lanka cũng đang tìm kiếm hợp tác với hãng hàng không để thực hiện chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia, thúc đẩy du lịch.
“Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách” là một trong bốn chuyên đề thuộc diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019 diễn ra tại khách sạn JW Marriott Hà Nội sáng 9/12. Phiên toàn thể vào buổi chiều cùng ngày thu hút hơn 2.000 người tham dự với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh”.
Diễn đàn do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và báo VnExpress tổ chức.
Song Anh
Nguồn: Vnexpress.net