Miền Tây vào mùa nước nổi cũng là thời điểm lý tưởng để du khách lên kế hoạch tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của rừng tràm Trà Sư, thưởng thức món lẩu cá linh non bông điên điển ngon trứ danh, độc quyền.
Vì sao nên đi miền Tây mùa nước nổi?
Mùa nước nổi chính xác là mùa lũ về trên sông Cửu Long, gây nên hiện tượng lũ lụt tự nhiên ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch – là thời điểm được nhiều du khách đến với miền Tây mong đợi trong năm.
Mùa này, phủ khắp những cánh đồng lúa là cảnh tượng mênh mông sông nước. Lũ về, đem về theo nhiều sản vật cho người dân địa phương. Đây cũng là mùa mùa từng đàn chim kéo nhau về làm tổ trong những khu rừng ngập nước. Những người làm du lịch ví đây là “mùa sinh sôi nảy nở” của miền Tây sông nước vì cảnh sắc thiên nhiên chỉ gói gọn trong hai chữ “tuyệt vời”.
|
Đến với miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ được thử những món ăn dân dã được chế biến từ cá linh như: lẩu cá linh bông điên điển, cá linh chiên giòn, cá linh nhúng dấm, cá linh kho tộ,… Ngoài ra bạn có thể thử món càng cua đồng hấp, khô cá lóc cũng mang những hương vị đặc trưng.
Mùa nước nổi là thời điểm các công ty du lịch mở nhiều tour tham quan miền Tây với các hình thức trải nghiệm, lịch trình đa dạng ở các điểm tham quan như: Vườn quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Trà Sư, Gáo Giồng Đồng Tháp Mười…
|
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Vina Group cho biết, mùa nước nổi là mùa đặc biệt nhất của bà con Đồng bằng sông Cửu Long và mỗi năm chỉ đến một lần. Vì vậy, nếu thu xếp được thời gian, bạn nhất định nên đi khám phá miền Tây vào mùa này.
“Các tour được thiết kế về miền Tây thường chọn những điểm tham quan cho du khách có thể trải nghiệm làm nông dân, tham quan du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh phù hợp mọi độ tuổi với mức giá chỉ từ 1,5 triệu đồng cho 2 ngày 1 đêm”, ông Vũ chia sẻ.
Rừng tràm Trà Sư có gì đặc biệt?
Điểm đến mà bạn không thể bỏ qua khi về miền Tây mùa nước nổi là rừng tràm Trà Sư – cánh rừng có nhiều cây tràm nằm ở gần núi Trà Sư (H.Tịnh Biên, An Giang). Khoảng cách từ TP.HCM đến đây là 250km nên nếu kế hoạch đi từ 3-4 ngày bạn có thể di chuyển bằng xe máy để tự do ghé các điểm du lịch khác.
Hoặc di chuyển bằng xe khách từ TP.HCM thì bạn ra Bến xe Miền Tây bắt xe đi Long Xuyên, Châu Đốc với thời gian di chuyển khoảng 4 – 5 giờ. Tuy nhiên, với những người không rành đường mà muốn tận dụng tối đa thời gian để tham quan thì bạn hãy tham khảo lịch trình của các công ty du lịch.
|
Để bớt mệt mỏi vì quá trình di chuyển, bạn có thể tham khảo lịch trình dưới đây cùng Thanh Niên.
Ngày đầu tiên, khám phá khu du lịch Xẻo Quít – nơi được mệnh danh là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với đầy đủ các đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây. Tại đây du khách sẽ được trải nghiệm như một người nông dân: chèo xuồng, bắt vịt, giăng lưới bắt cá,…
Sau khi dùng xong bữa trưa thì di chuyển đến An Giang – vương quốc mắm của miền Tây. Trong thời gian của buổi chiều, du khách có thể thăm các điểm du lịch tâm linh như: Tây An Cổ Tự, Lăng thoại Ngọc Hầu và đặc biệt là Miếu Bà Chúa Xứ – đây là điểm hành hương nổi tiếng nhất vùng Tây nam bộ.
Theo công ty Vina Group, các điểm du lịch tâm linh này là một điểm không thể bỏ qua trong hành trình về với vùng Châu Đốc, An Giang. Đặc biệt miếu bà Chúa Xứ là nơi gắn liền với người dân miền Tây từ rất lâu đời. Đến đây quý du khách có thể được trải nghiệm nghe những câu chuyện huyền thoại về núi bà. Cách bà đã giúp đỡ người dân nơi đây cũng như người dân ở các tỉnh khác khi đến đây cầu nguyện…
Ngày thứ hai, bạn hãy tranh thủ lúc sáng sớm đi mua những sản vật địa phương về làm quà sau đó dành toàn bộ thời gian còn lại để khám phá rừng tràm Trà Sư.
|
Khu rừng là nơi cư trú của nhiều loài chim, cò cùng hệ sinh thái phong phú, đa dạng về thực vật. Bao trùm lên cả rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi là màu xanh bạt ngàn của cây cối, sông nước, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Mùa nước nổi cũng là mùa đẹp nhất để tham quan, chụp lại những bức ảnh đánh dấu chuyến đi của mình.
Du khách sẽ được đưa đi thăm quan rừng tràm bằng phương tiện thuyền (ghe) khoảng 3km là vào tới Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tại vùng lõi, bạn có thể di chuyển tiếp bằng xuồng chèo tay để khám phá hết các ngóc ngách của rừng tràm. Điểm cuốn hút của nơi này là lớp bèo xanh phủ kín mặt nước, ngồi chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt nước nhìn ngắm cảnh sắc thiên nhiên sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc khoan khoái, khó tả.
|
Quảng cáo
|
Còn về phần ăn uống, bạn cũng không cần quá lo lắng vì ngay trong rừng tràm có một nhà hàng được thiết kế thân thiện với thiên nhiên. Vừa ngồi thưởng thức các món ăn dân dã, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Hãy thử một lần về với rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi để thả mình vào vẻ đẹp xanh mướt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này với hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng của miền Tây sông nước.
Tin liên quan
- Người Sài Gòn về miền Tây lội sông bắt cá tìm lại ký ức tuổi thơ
- ‘Độc nhất’ miền Tây: Con đường tre xanh rì rào
- ‘Độc nhất’ miền Tây: Hàng rào bông trang đỏ rực vùng miệt thứ
Nguồn: Thanhnien.vn