Miền biển mặn Thạnh Phú ‘hút hồn’ du khách

0
57
Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú khánh thành vào đúng Lễ kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước

UBND H.Thạnh Phú (Bến Tre) đang chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV XD&ĐT Út Thắng tổ chức chuỗi hoạt động “Triển lãm Thạnh Phú trên đường phát triển gắn với khánh thành Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú”.
 

Chuỗi hoạt động diễn ra nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước.

Bến đò bị lãng quên thành trung tâm thương mại

Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú khánh thành vào đúng Lễ kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước

Miền biển mặn Thạnh Phú ‘hút hồn’ du khách - ảnh 2

Nhìn Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú sừng sững mọc lên tại bến đò hiu hắt ngày nào, ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND TT.Thạnh Phú cười rạng rỡ: “Thật khó tưởng tượng nổi”. Rồi ông chia sẻ thêm, dự án này có tổng diện tích 11,7 ha; trong đó hơn 8 ha là đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản thuộc loại “thất bát triền miên” của hơn 40 hộ dân và khoảng 3 ha còn lại là bến đò cũ của chợ Giồng Miễu.
“Con rạch Giồng Miễu vốn là điểm xả thải tập trung của toàn khu chợ huyện với hàng trăm gian hàng đủ loại. Nước trên dòng rạch đen ngòm, tanh hôi ghê lắm, nghiêm trọng nhất là lúc nước ròng. Ngoài ra, tình trạng bồi lắng tự nhiên cũng liên tục diễn ra khiến cho nhiều phương tiện không thể ra vào được nữa. Thế nên hầu hết thương hồ đã chuyển bến, tập trung giao nhận hàng hóa ra tuốt ngoài Cống Đá (đầu rạch Giồng Miễu). Trong số hơn 40 chủ đất, chỉ có 2 căn nhà cấp 4 lẻ loi mọc lên bên kia bờ kia rạch. Mặc dù từ rất nhiều năm qua, chính quyền thị trấn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện nhưng hiệu quả rất thấp”, ông Nghĩa day dứt.
Theo ông Nghĩa, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), chợ Giồng Miễu được chính quyền cách mạng tổ chức bài bản và nhanh chóng sầm uất trở lại, phát huy được vai trò là chợ đầu mối cho cả huyện. Từ thập niên 1980, giao thông bộ ngày càng phát triển, cùng với sự bồi lắng tự nhiên của dòng rạch Giồng Miễu, khu vực này dần bị lãng quên và trở thành điểm xả thải lộ thiên của cả khu chợ tổng hợp. “Tôi và nhiều bà con từng gắn bó gần như cả đời với mảnh đất này đều mong muốn sau Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú sẽ có thêm nhiều khu dân cư khác tiếp tục mọc lên để thu hút người dân vào ở, vì sống tập trung sẽ dễ dàng tiếp cận các hoạt động văn hóa, tinh thần cộng đồng; với các cơ sở y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ… Mặt khác, việc sống tập trung trong khu dân cư sẽ tiết kiệm đất ở, để dành đất phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con”, ông Nghĩa nói.
Ông Trương Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV XD&ĐT Út Thắng, chủ đầu tư dự án, chia sẻ sự quyết tâm góp phần xây dựng quê hương Thạnh Phú ngày càng phát triển là khát vọng cháy bỏng trong ông ngay khi bắt đầu khởi nghiệp. Ngày cầm được giấy phép đầu tư dự án này, ông mừng hơn bất kỳ lúc nào vì biết rằng mình đang có cơ hội lớn để hiện thực hóa khát vọng bấy lâu nay. Mặc dù vậy, trong quá trình thi công dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn như địa chất lòng rạch tương đối phức tạp, phải vừa xây dựng vừa thăm dò mất thời gian; vật giá xây dựng leo thang, thêm nữa là một vài hộ dân đòi đền bù giá đất quá cao… Nhưng sau nhiều nỗ lực của bản thân ông và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tất cả khó khăn đã qua hết. Hiện trong tổng thể dự án đã hoàn thành được 400 căn hộ, 4 nhà lồng chợ và trung tâm thương mại. Ngoài ra, khu vực công viên với nhiều dụng cụ tập thể thao, vui chơi giải trí cho người dân trong khu vực cũng đã cơ bản hoàn thành. Trong khuôn viên dự án còn có ngôi trường THCS và trường mầm non cũng sẽ được khởi công xây dựng trong vài tháng tới.
“Để tạo việc làm ổn định cho bà con đang sinh sống trong khu dân cư cũng như người dân trên địa bàn TT.Thạnh Phú và một số xã lân cận, tôi đã ký bàn giao 3 ha đất cách khu dân cư này khoảng 200 m để UBND huyện Thạnh Phú xúc tiến kịp thời với một nhà đầu tư mở công ty may mặc thu nhận lao động địa phương vào làm việc”, ông Thắng khẳng định.

Đẩy mạnh khai thác du lịch biển

Miền biển mặn Thạnh Phú ‘hút hồn’ du khách - ảnh 3
Miền biển mặn Thạnh Phú ‘hút hồn’ du khách - ảnh 4

Miền biển mặn Thạnh Phú ‘hút hồn’ du khách - ảnh 5

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, cho biết Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú là 1 trong 17 dự án với tổng vốn trên 5.600 tỉ đồng được cấp phép đầu tư tại huyện Thạnh Phú trong năm 2018. Dự án kinh tế – xã hội này khánh thành là thành công quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch từng bước, củng cố vị trí TT.Thạnh Phú thành trung tâm hành chính – kinh tế – xã hội của huyện. “Có thể khẳng định, phát triển hạ tầng dân cư và thương mại tích hợp là khâu quan trọng để thực hiện các kế hoạch khác; trong đó dự án Khu dân cư, Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú là tiên phong”, ông Thương nói.
Vẫn theo ông Thương, hiện khu du lịch sinh thái biển Thạnh Phú tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải đã đón trung bình khoảng 700 lượt khách/ngày; riêng những ngày lễ, tết lượng khách đổ về bãi biển này lên đến 20.000 lượt. Hiện nay, dự án Bảo tồn, tôn tạo các giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại H.Thạnh Phú đang có tiến độ thi công rất nhanh, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành và nơi đây sẽ là khu du lịch sinh thái biển hàng đầu tại khu vực ĐBSCL. Cùng với đó, hạ tầng giao thông phát triển đã kết nối các điểm du lịch biển, di tích lịch sử, văn hóa (như nhà cổ Huỳnh Phủ…) với các khu dân cư, thương mại dịch vụ và vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện với nhau.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, nhấn mạnh trong định hướng phát triển, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp; du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử sẽ gắn kết chặt chẽ với các dịch vụ nông nghiệp. Huyện đặt mục tiêu sau năm 2020 sẽ đón khoảng 610.000 lượt khách/năm, doanh thu trên 150 tỉ đồng; đến năm 2030 sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách/năm, trở thành điểm thu hút du lịch hàng đầu của tỉnh. Hiện huyện đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hữu cơ như gạo sạch, xoài tứ quý, tôm biển và một số đặc sản vùng nước mặn, lợ để phục vụ du lịch; đồng thời xúc tiến đưa các mặt hàng nông – thủy sản của huyện vươn xa hơn đến các thị trường trong nước và cả nước ngoài nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, “tình người” và lợi thế tự nhiên của Thạnh Phú đang là nét độc đáo để phát triển du lịch. Hiện huyện đang huy động thêm các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó mời gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân, trung tâm thương mại… để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho du khách.

Nguồn: Thanhnien.vn