Gió và sương mù. Mây ôm ấp núi. Cỏ cây trắng xóa băng tuyết. Những sườn núi cao rực đỏ sắc hoa đào; phía dưới là TP.Lạng Sơn lóng lánh màu nắng. Non sông gấm vóc hiền hòa mà thiêng liêng; ai từng chiêm ngưỡng cũng dạt dào xúc động.
Núi Mẹ – ‘danh sơn’ nổi tiếng tự ngàn xưa
Mẫu Sơn là một dãy núi hùng vĩ trải dài trên địa bàn 2 huyện là Cao Lộc và Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn, cách TP. Lạng Sơn khoảng 15 km về phía đông theo đường chim bay. Đỉnh cao nhất là Mẫu Sơn, phát âm tiếng Tày: Phia Mè, có nghĩa là Núi Mẹ, với độ cao 1.541m so với mực nước biển.
Trong bộ sách dư địa chí “Đại Nam nhất Thống chí” ghi rõ: “… đỉnh núi có hai chóp hình như người nam và người nữ, nên gọi là Công Mẫu hay là Ông, Bà. Núi ấy khi có mây mù thì trời tạnh, khi trong sáng thì trời mưa”. Bản triều hiệu Tự Đức thứ 3 (năm 1850) đem kê vào dạng danh sơn, chép vào tự điển, danh sách những nơi mà triều đình phải cúng tế.
Theo dòng lịch sử, quần thể núi Mẫu Sơn đã sớm xuất hiện trong một số bài thơ của vua Trần Nhân Tông. Sau khi nhà vua từ giã triều chính để lập môn phái Trúc Lâm Thiền Tự, ông dường như đã phác hoạ hình ảnh Mẫu Sơn khoáng đạt đến vô cực, trong bài thơ Lạng Châu vãn cảnh: “Lá đỏ lặng rơi, nghìn núi tĩnh”.
Trong bút tích của các danh nhân, cảm xúc trước thiên nhiên Lạng Sơn là minh chứng lịch sử về sự kỳ vĩ và tinh khiết của thiên nhiên Lạng sơn nói chung và Mẫu Sơn nói riêng. Trong ký ức và truyền tụng nhân gian, đã đúc kết lại các Nam danh Chi địa: Hà Tây với “Nam thiên đệ nhất động”, Kiên Giang có “Hà Tiên thập cảnh” thì Lạng Sơn được Ngô Thì Sỹ đúc kết là: “Trấn doanh bát cảnh”. Riêng Mẫu Sơn mang lại cho ông những cảm xúc khoáng đạt:
“Thất chân mãn nhãn vô di địa
Vạn lý hồn nhiên hữu cốc phong”
(Lên đỉnh núi Mẫu Sơn, phóng tầm mắt nhìn suốt bảy châu Xứ Lạng và khoan thai đón gió từ vạn dặm thổi rung chòm râu đắc ý của mình).
Mẫu Sơn linh thiêng và bí ẩn
Cho đến cuối thế kỷ 19, triều đình phong kiến Việt Nam vẫn còn cúng tế tại Mẫu Sơn cầu cho quốc phú – dân an. Từ khi người Pháp vào Lạng Sơn, việc cúng tế của triều đình không còn nữa, sự linh thiêng chỉ còn truyền khẩu trong nhân gian bằng thông tin về sự có mặt của lãnh địa một ngôi đền, mộ cổ bằng đá kì bí. Năm 2003 – 2004, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã có những cuộc khảo sát tại đây, tuy nhiên những kết quả có được mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu.
Hiện nay, vẫn còn đó một câu hỏi mà chưa có sự giải đáp thoả đáng; nhiều nghiên cứu khoa học chính thống cũng như cách phân tích duy lý chưa lí giải đầy đủ về bí mật của nơi này.
Một nghi lễ của Người Dao trên đỉnh Phặt Chỉ, Mẫu Sơn. |
Mẫu Sơn ngoài tư cách là Danh sơn thì còn giá trị gì mà triều đình phong kiến phải cúng tế? Cho đến nay, những “quốc lễ” dành cho Mẫu Sơn không còn được duy trì nữa, những ảnh hưởng từ việc không còn thực hiện “quốc lễ” sẽ như thế nào? Trong cuốn “Tích hợp đa văn hoá Đông Tây”, GS. Nguyễn Hoàng Phương trích dẫn sơ lược về núi Mẫu Sơn từ thư tịch cổ “Cao biền tấu thư địa lý kiểu tự” thông tin như sau: “…cùng với Tản viên Sơn thần thì đây cũng là một trong 1.500 linh địa huyệt của Việt Nam…”.
Trong lịch sử, những bí mật lớn thường bị vùi lấp và ít có khả năng phát lộ, cẩm nang của việc nắm giữ những bí mật cũng theo đó mà “thất truyền”. Chỉ biết rằng, Mẫu Sơn là một trong các linh địa quan trọng mà Bậc thầy địa lý – phong thuỷ Cao biền xưa kia đã đưa vào tầm ngắm. Nhưng đến nay, ngoài những thông tin sơ lược kể trên thì những ai quan tâm về những ẩn dấu của Mẫu Sơn chỉ nhìn thấy:
“Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”
(Dáng rồng khuất khúc bay cao, hướng đến Biển Đông)
Không gian tinh khiết, cảnh sắc hùng vĩ đến choáng ngợp
Với độ cao trên 1.000m, Mẫu Sơn là nơi bắt nguồn của rất nhiều dòng suối chảy vào sông Kỳ Cùng và chảy sang Trung Quốc. Từ độ cao 800 m trở lên, khí hậu Mẫu Sơn chuyển sang tiểu vùng khí hậu cận ôn đới với nhiệt độ năm trung bình năm là 16 độ C. Vào buổi sáng, ven sườn núi xuất hiện hình ảnh “mây ôm ấp núi”. Khi lên tới đỉnh, cảm giác đầu tiên sẽ là choáng ngợp như đứng trước nơi hội tụ của đất trời, sự hùng vĩ của “hàng ngàn ngọn núi la liệt, hàng muôn khe suối quanh vòng”.
Và rồi, trong không khí trong lành và tinh khiết, con người ta sẽ được thả hồn chiêm ngưỡng sự bao la, hiền hoà của non sông gấm vóc, ngắm nhìn TP. Lạng Sơn lóng lánh trong ánh nắng dịu dàng và làn gió nam phóng khoáng. Trải nghiệm những đặc sắc này mà nhiều người đã đặt tên cho Mẫu Sơn là “Xứ sở của những buổi sáng tinh khiết”.
Với tiểu vùng khí hậu cận ôn đới, lại được thừa hưởng lượng mưa trên 2.400 mm/năm và độ ẩm trung bình 90%, thảm thực vật ở Mẫu Sơn vô cùng phong phú. Đặc biệt, Mẫu Sơn gắn liền với hình ảnh những vạt rừng hoa đào rực sắc đỏ vào mùa đông.
Về mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, trên Mẫu sơn thường xuyên có tuyết rơi, băng phủ, trắng xoá các thảm cỏ, ôm những cành cây lung linh trong gió, trườn qua những sườn đồi và mơn man lên khắp khoảng không tĩnh lặng. Trong quãng thời gian đó, người ta có cơ hội cảm nhận mùa đông tuyết giá của Châu Âu hoặc những khoảnh khắc bão tuyết vùng Xibêri hay Bắc Mỹ.
Năm 1875, Hiệp định Pháp – Thanh được ký kết, người Pháp bắt đầu khai thác Lạng Sơn. Qua khảo sát, người Pháp đã xác định một số nơi có đủ điều kiện để xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Mẫu Sơn trở thành một trong những điểm du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, Bà Nà. Đến nay, Mẫu Sơn càng được biết đến như một địa danh hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về tự nhiên và văn hóa, một điểm đến hấp dẫn để nghỉ dưỡng, hành hương tâm linh, tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa con người nơi đây. Trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Mẫu Sơn sẽ là 1 trong 46 điểm đến hấp dẫn trong toàn quốc. |
Lý Hải
(Ảnh: Facebooker Trang Vy, Nguyễn Minh Chuyển)
Nguồn: Vietnamnet.vn